Bài 3: Đặt sự an toàn lên trên hết
Thi trực tuyến “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” |
Thay đổi hành vi, tính nết
“Cả thế giới dưới bánh xe của bạn”, nói như thế không ngoa, bởi lái xe ô tô “sai một li, đi một dặm”. Phương tiện máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng vẫn nằm dưới sự điều khiển của bàn tay con người. Chính vì thế, chỉ cần nhích một tí ga, nhỡ một chút phanh không kịp là người điều khiển xe ô tô có thể gây tai nạn. Nhẹ thì là đâm vào xe khác, hỏng phương tiện, phải đền. Nặng hơn nữa thì khiến mình và người khác bị thương, thậm chí là tử vong.
Là người lái xe ô tô đã lâu năm, chị Lê (ở quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn khẳng định chẳng ai có thể đưa ra lời khuyên cho ai cả. Mỗi một quãng đường là một hành trình khác nhau, tiềm ẩn những nguy cơ không giống nhau. Hôm nay đi qua chỗ này thì có thể nhẹ nhàng nhưng ngay hôm sau hoặc chỉ vài phút sau đã có người lao trong ngõ ra bất thình lình, con chó con mèo chạy qua, người phanh gấp, người vượt ẩu… Xử lí thế nào đều phụ thuộc vào kinh nghiệm và tâm lý của người lái xe. Nếu thần kinh yếu, không có “năng khiếu” lái xe thì đi đường thoáng, giao thông thưa thớt vẫn có thể gặp sự cố như thường.
Những hình ảnh hài hước này chỉ nên làm cho cuộc sống thêm vui chứ đừng mang ra để giễu cợt phụ nữ lái xe |
Nhiều người nói từ khi cầm vô lăng, chẳng những hành vi mà cả tính nết của chính bản thân mình cũng thay đổi rất nhiều. Chị Thu (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thói quen đi giày cao gót, phải bước trên đôi cao gót chị mới cảm thấy tự tin nhưng trước một số vụ tai nạn do phụ nữ lái xe đi giày cao gót gây nên, không chủ quan, chị sắm thêm một đôi giày bệt và một đôi giày thể thao để sẵn trên xe.
“Tùy vào ngày trời nóng hay lạnh, tùy vào cung đường đi xa hay đi gần, mình có hai đôi giày để thay đổi. Cảm giác đi giày bệt đạp chân ga, chân phanh vẫn “thật” hơn, khiến mình thoải mái hơn khi lái xe”, chị Thu tâm sự.
Cùng quan điểm với chị Thu, chị Nhung (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không cổ vũ việc phụ nữ chứng tỏ năng lực khi lái xe mà mang giày cao gót. “Đẹp ở chỗ khác, còn lái xe cứ phải an toàn đã”, chị Nhung cho biết. Chính vì cũng “thủ” theo đôi giày bệt trên xe nên chị Nhung bảo từ đó tác phong của mình nhanh nhẹn hơn. Ban đầu thì thấy kích rích đấy nhưng một thời gian sau việc lên xe thay giầy, xuống xe thay giầy đã trở thành thói quen lặp đi lặp lại như trình tự mở cửa xe, nổ máy, vào số, nhấn ga đi vậy.
Chị Hồng (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì cho biết mình đã rèn được tính cẩn thận, nhẫn nại. Trước kia chị là người rất nóng tính, lại kèm thêm sự nhanh nhẹn nên thường xuyên đi ẩu. Khi đi xe máy chị không ít lần bị tai nạn nhưng vì công việc hay phải đi sớm về khuya, nhà xa, chị bắt buộc phải chuyển sang đi ô tô.
“Ban đầu mình cũng “hổ báo” lắm, đi lấn làn, thậm chí quát mắng người khác rất ghê. Ngày nào đi làm về mà gặp chỗ tắc đường là mình ức chế, mệt nhoài cả người. Không phải do mình lái không vững mà là do cứ muốn vượt lên trên, khó chịu khi bị người khác chen ngang.
Sau dần, mình nghiệm ra, nếu cứ như thế thì chỉ thiệt mình, vì vẫn phải lái xe, vẫn phải đi trên đường, không có cách nào khác. Mình dần “mềm” tính hơn, biết kiên nhẫn chờ đợi, nhích lên từng tí một, đi đúng phần đường của mình thì mới nhanh thoát đám tắc đường. Từ đó, không chỉ mỗi lần lái xe mình thấy thong dong hơn mà ngay cả với những việc khác trong cuộc sống mình cũng thay đổi cách ứng xử, xử trí.
Không phải cứ cái gì cũng sồn sồn lên, ngay và luôn được. Nhiều khi mềm mỏng hơn, khéo léo thì lại nhanh được việc hơn”, chị Hồng đúc kết.
Biết mình, biết người
“Dù lái ô tô hay xe máy thì cũng phải hết sức cẩn thận, biết sức mình đến đâu”, chị Huế (ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ. Mấy năm trước, thấy chị em phụ nữ rộ lên tự lái xe càng nhiều, nhà có điều kiện, chị Huế cũng tự sắm cho mình chiếc xe ô tô đời mới, giá tương đối đắt.
“Xe về đến nhà, cả phố đổ ra xem. Mình lái xe đến công ty, nhiều người không giấu nổi sự ngưỡng mộ, trầm trồ, trong đó có cả sự ghen tị nữa. Mình tự hào lắm. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ hai ngày sau mình đã thấy “đời không như là mơ”, chị Huế nói.
Từng được tiếp xúc với vô lăng từ lúc mới 20 tuổi nhưng 10 năm qua đi, chị Huế thấy “trình” lái xe của mình chẳng lên chút nào. Chị chỉ biết ngồi lên xe, điều khiển cho xe đi thẳng, rẽ phải rẽ trái chứ nếu phải lùi, ghép ngang, đặc biệt là tránh nhau khi đường hẹp, nhích từng tí khi tắc đường thì chị không làm nổi.
Hai ngày lái xe đi làm là hai ngày chị như bị “tra tấn”. Đường thì đông, trời lạnh mà ngồi trong xe chị cứ vã mồ hôi, luôn chân luôn tay hết số lại ga lại phanh, có khi cả đoạn phố tắc lại vì chị loay hoay mãi không đi nổi. Những ánh mắt người đi đường nhìn chị khó chịu, giục giã, thậm chí chửi bới khiến chị càng cuống. Đến ngày thứ ba, chị bỏ chiếc xe đầy vết xước sát do va quệt ở nhà, đi taxi “cho lành”.
“Kể ra thì cũng tẽn tò, xấu hổ đấy nhưng mình không cố được thì đừng có ham. May là mình mới chỉ gặp khó khăn cho riêng bản thân thôi chứ chưa gây ra điều đáng tiếc. Mình đúc kết lại, ô tô không phải như trang sức, hàng hiệu mà cứ khoe của, khoác bừa lên người, xấu đẹp chỉ riêng mình chịu. Lái ô tô là tính mạng của mình và sự an toàn của người khác nên không thể lái cho sang, để thể hiện đẳng cấp”, chị Huế chiêm nghiệm.
Cũng như chị Huế, chị Nga (ở Long Biên, Hà Nội), nhà có thừa xe, bản thân cũng đã có giấy phép lái xe mấy năm nay nhưng chị toàn đi taxi hoặc xe ôm công nghệ đi làm. Tự biết tay lái yếu, không nhanh nhẹn xử lí, lại hay quên, chị Nga kiên quyết từ chối lời động viên, thậm chí cả thách thức của chồng và con.
“Tự lái xe cũng thích chứ, chủ động, không phải chờ đợi lại đỡ mưa nắng, gió rét nhưng mà đi đường nhìn thấy các bà, các chị dừng đèn đỏ là tô son, mặc kệ người đi sau bấm còi giục giã hay lên xe ô tô mà chùm kín mít từ đầu đến chân như Ninja là mình khiếp. Như thế vừa mất an toàn cho mình vừa thiếu tôn trọng người khác. Đường không phải là của riêng mình. Biết mình biết người, đó là cách để người khác tôn trọng mình. Chứ tôi mà mang xe ô tô ra đường, các ông đàn ông lại càng có cớ bĩu môi “mẹ nó lái xe”, mang tiếng cả những người lái giỏi”, chị Nga cười xòa.
“Biết mình biết người”, đó cũng là điều người viết muốn kết lại bài này. Có bao nhiêu lí do “thúc giục” phụ nữ lái xe thì cũng có bấy nhiêu lí do để ngăn cản họ đừng lấy vô lăng làm trò chơi. Chỉ khi thực sự am hiểu luật giao thông, vững vàng với tay lái của mình mới lái xe ra đường, khi ấy phụ nữ mới thực sự tự tin, chủ động và tỏa sáng. Có như thế mới xóa bỏ được những các cảm của người đời về phụ nữ lái xe.
Còn khi cứ “cố đấm ăn xôi” thì dù không “quá chén” bao giờ, việc “bán xăng cho phụ nữ” cũng nguy hiểm “ngang ngửa” với “bán rượu cho đàn ông”.
Trên thực tế, ngày càng nhiều phụ nữ “chắc tay lái” trên mọi cung đường nhưng để điều này trở thành bình thường như các nước phương Tây thì vẫn cần thời gian để xã hội nhìn nhận công bằng hơn và cần cả sự nỗ lực của chính những người trong cuộc.
Bài 2: Một trong những thước đo sự phát triển của xã hội |
Bài 1: “Bán xăng cho phụ nữ” có nguy hiểm bằng “bán rượu cho đàn ông”? |