Bài 1: “Bán xăng cho phụ nữ” có nguy hiểm bằng “bán rượu cho đàn ông”?
“Lên thành phố” - bộ phim về những nữ lao động trẻ nhập cư đạt Giải thưởng tại Mỹ |
Có đến 1001 chuyện hài hước do phụ nữ lái xe, đặc biệt là xe ô tô nhưng không dày đặc chuyện đau buồn khi họ gây ra tai nạn hoặc tai nạn nghiêm trọng. Trong khi đó, việc tài xế quá chén cán chết người, tạo nên những tai nạn thảm khốc đã trở thành vấn nạn, phần nhiều liên quan đến rượu bia. Nhắc ra như vậy để dư luận chớ nên vui miệng nói theo mà hãy phân biệt rõ, liệu “bán xăng cho phụ nữ” có nguy hiểm bằng “bán rượu cho đàn ông” hay không?
Sự kỳ thị thái quá
Không phải là bênh vực hay có khuynh hướng thiên vị phụ nữ, chúng ta phải nhìn vào thực tế. Thời gian qua ở Việt Nam có không ít vụ tai nạn thảm khốc do phụ nữ lái ô tô gây ra. Trong đó, có nhiều vụ đau lòng như vụ việc người phụ nữ đã sử dụng rượu bia lái xe BMW tông chết người đứng chờ đèn đỏ ở Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM) vào đêm khuya hay việc một người phụ nữ khác cầm lái chiếc Mercedes-Benz đạp nhầm chân ga tông chết người ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Tất nhiên, những tai nạn ấy thực sự không ai mong muốn nhưng điều đáng tiếc hơn, đó là, nếu như không phải người ngồi sau tay lái gây ra tai nạn ấy là phụ nữ thì sự việc có “nổi như cồn” vậy không? Rõ ràng, yếu tố nữ ở đây là một trong những nguyên nhân khiến dư luận đặc biệt chú ý đến những sự việc này.
Một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng |
Trong khi đó, một năm có biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông do nam giới gây ra? Rất nhiều vụ mà nhắc lại người ta vẫn còn rùng mình như những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2019, tại Hà Nội đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn giao thông gây chết người đều do tài xế sử dụng rượu bia.
Khi người dân chưa hết hoảng sợ sau vụ xe Hyundai gây tai nạn liên hoàn, tông chết nữ lao công ở đường Láng, lại xảy ra vụ xe Mercedes đâm 2 phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên. Hay như trong năm 2020, rất nhiều tai nạn giao thông kinh hoàng đã xảy ra.
Có thể kể đến vụ tai nạn thảm khốc có 15 người chết, 25 người bị thương ở Quảng Bình do lái xe Hoàng Trung Toán chỉ có giấy phép lái xe hạng B2 do Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, nghĩa là không đủ điều kiện để điều khiển xe khách 47 chỗ ngồi; Tiếp đến là vụ xe khách va chạm xe tải ở Bình Thuận khiến 8 người chết và 7 người bị thương; Vụ ô tô khách giường nằm lao xuống vực khiến 41 người thương vong ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; Xe tải gây tai nạn liên hoàn khiến 10 người thương vong ở Đắk Nông; Hay vụ va chạm cả ô tô và xe máy lao xuống sông khiến 5 người tử vong ở Nghệ An; Va chạm ô tô lao xuống vực khiến 4 người chết 1 người bị thương ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Sau đó là vụ ô tô lao xuống biển, 4 người chết ở Hạ Long, Quảng Ninh, nguyên nhân ban đầu do tài xế Trần Tuấn Anh vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện...
Chỉ kể ra ngần ấy cũng đủ thấy, tất cả những vụ tai nạn trên tính về số lượng đã “áp đảo” số vụ do phụ nữ gây ra. Đâu phải cứ phụ nữ lái xe ra đường là có thể gây tai nạn. Chính sự bất cẩn, những nguy hiểm tiềm ẩn trên đường và các tình huống không thể lường trước là nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc. Trong 1001 nguyên nhân ấy, lý do phụ nữ lái xe chỉ chiếm tỷ lệ rất ít.
Phụ nữ hay rượu bia nguy hiểm hơn?
Báo cáo về tình hình trật tự ATGT quý I năm 2018 của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho thấy, toàn quốc xảy ra trên 4.600 vụ TNGT, làm chết trên 2.100 người, bị thương trên 3.600 người. Đáng lưu ý, kết quả phân tích 2.800 vụ cho thấy về giới tính có đến gần 85% liên quan đến nam giới.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đối với nam giới cao hơn nữ giới là hiện tượng tương đối phổ biến không chỉ ở Việt Nam. Nam giới chiếm tỷ trọng lớn trong số nạn nhân TNGT, những người trong độ tuổi vừa trưởng thành (18 - 22 tuổi) có xác suất tai nạn lớn nhất. Phần lớn do ở lứa tuổi đó, kinh nghiệm lái xe, mức độ điềm tĩnh, nhường nhịn, khả năng kiềm chế... còn hạn chế.
Tỉ lệ phụ nữ lái xe gây tai nạn không nhiều như đàn ông |
Ông Minh phân tích cặn kẽ: "Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao nam giới có kỹ năng điều khiển phương tiện tốt hơn nữ giới nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn trong TNGT? Trước hết, về khách quan đến từ cơ cấu phương tiện sử dụng cũng như tần suất và cường độ điều khiển phương tiện. Nam giới lái xe nhiều hơn nữ giới, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do yêu cầu công việc, vai trò trụ cột trong gia đình, truyền thống văn hóa xã hội... Trong đó, nam giới có vị trí và cơ hội đi lại nhiều hơn.
Về nguyên tắc, càng đi lại nhiều thì rủi ro gặp TNGT càng lớn. Còn chủ quan, xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của nam giới, thông thường họ lái xe với tốc độ cao hơn nhưng độ thận trọng lại kém nữ giới".
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, hiện tượng uống rượu bia khi lái xe khá phổ biến. Nam giới uống nhiều rượu bia hơn nên số vụ TNGT liên quan đến nam giới chiếm nhiều hơn. Uống rượu, bia khi lái xe là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT”.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có tới 40% tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Rượu, bia dễ gây hưng phấn thần kinh, gây buồn ngủ, làm giảm khả năng quan sát các biển báo, tín hiệu cũng như các tình huống giao thông, không làm chủ được hành vi. Khả năng phản xạ giảm từ 10 đến 30%. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong liên quan đến rượu bia cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Chính vì vậy, Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 hy vọng sẽ góp phần quan trọng giảm thiểu tai nạn giao thông.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lượt, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội nhận định từ các nghiên cứu: Xu hướng nam giới có nhiều hành vi nguy cơ hơn khi tham gia giao thông so với nữ giới, từ nhắn tin, gọi điện, đi sai làn, chạy quá tốc độ, không đội MBH cho đến sử dụng các chất kích thích…
"Có thể giải thích thực trạng này do sự khác biệt tâm lý cá nhân giữa nam và nữ. Phần lớn nữ giới thường hay lo sợ và nhạy cảm hơn đối với các vấn đề có tính rủi ro, nguy hiểm. Do đó, họ cẩn thận, chú ý hơn khi ra ngoài so với nam giới cũng như cẩn trọng hơn trong hành động của bản thân", ông Lượt cho hay.
PGS.TS Triệu Nguyên Trung, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thì lại đi sâu vào góc độ khác. Ông Trung cho biết trên 80% số ca tử vong do TNGT xảy ra ở nam giới. Trong số các tài xế trẻ, nam giới dưới 25 tuổi tử vong cao gấp 3 lần trong một vụ tai nạn ô tô so với nữ giới. Theo ông Trung, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam uống rượu bia và uống thường xuyên rất thấp, trong khi tỷ lệ đàn ông uống rượu bia gây TNGT cao chiếm ít nhất 40% số vụ TNGT.
Như vậy, mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng những con số sẽ nói lên tất cả. Trên thực tế, khi lưu thông trên đường mọi nguyên nhân đều tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng. Chúng ta phải biết tỷ lệ nguy cơ nào cao hơn để phòng tránh chứ đừng “đánh bùn sang ao”, đổ lỗi cho điều gì chỉ dựa trên định kiến hay suy luận.
(Còn nữa)
Bài 3: Tăng cường các biện pháp xử phạt và giáo dục |
Xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông trong trường học |
Bài 1: Có bao giờ bạn tự hỏi khi ngồi lên xe mình đang thiếu thứ gì? |