Bài 3: Để mối quan hệ Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững...
Tuổi trẻ vun đắp tình đoàn kết hai nước Việt - Lào |
Bài 2: Những chuyến đi ân nặng, nghĩa đầy |
Muốn chia sẻ nhiều hơn cho nước bạn
Vượt cả nghìn cây số sang Lào tư vấn về cách chăm sóc cây trồng, cách xử lý cây bị sâu bệnh, bảo quản và sơ chế nông sản... đó là chuyến đi tình nguyện đáng nhớ của anh Nguyễn Đức Ninh ở Hà Nội.
Anh Ninh hiện đang làm chủ hai đơn vị kinh doanh sản nông nghiệp: Công ty Cổ phần Alofarm Việt Nam và sàn thương mại điện tử Nhanong24h.com - thuộc Công ty Cổ phần Hệ sinh thái Công nghệ Việt Nam, chuyên cung cấp giống cây ăn quả chất lượng cao, dịch vụ miễn phí cho khách hàng.
Anh Nguyễn Đức Ninh trong một chuyến tình nguyện sang Lào hướng dẫn người nông dân chăm sóc cây trồng |
Là một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Ninh hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân khi phải đối diện với những khó khăn, thách thức trong canh tác, trồng trọt. Nhất là đối với nước bạn Lào, còn đa số người dân chưa biết cách sử dụng giống cây trồng, cách bảo quản nông sản cho hợp lý khi mà chưa đủ các điều kiện về cơ sở vật chất.
“Đó là lần đầu tiên tôi được cống hiến những gì bản thân đã học hỏi được đến cho nước Lào - người bạn thân thiết của Việt Nam. Ở đây, tôi hướng dẫn cho người dân cách bảo quản các loại nông sản như cam, chanh, bưởi... khi không có kho lạnh hay cách sử dụng phân bón như thế nào để cây trồng phát triển tốt và thêm một số những công nghệ bán hàng giúp họ tiêu thụ sản phẩm” anh Ninh cho biết.
Với anh Ninh, đây là chuyến hành trình đầy tinh thần thiện nguyện. Anh được trải nghiệm, đóng góp sức trẻ của mình cho cộng đồng.
Anh Nguyễn Đức Ninh (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các em thiếu nhi Lào |
Ngoài ra, anh Ninh cũng mong muốn mỗi năm có thể tổ chức từ 1-2 chuyến đi tình nguyện để có thể duy trì mối quan hệ giữa Việt – Lào ngày càng gắn bó, vun đắp tình hữu nghị thắm thiết giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào. Với anh, thị trường Lào cũng rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Mình muốn mỗi năm có thể tổ chức nhiều chuyến đi đến các tỉnh, thành phố của Lào. Nếu như năm nay đến thành phố Viên Chăn, năm sau đến nơi khác hay thậm chí đi vào tận sau vào những vùng khó khăn nhất để mang tất cả những công nghệ tiên tiến nhất giúp các người bạn Lào cùng phát triển.”, anh Ninh nói.
Gắn kết những lớp người trẻ
Cô Nguyễn Thị Mai Phương - tổ trưởng tổ công tác Đội Trường Lê Duẩn đã có hơn 10 năm gắn bó với công việc đào tạo công tác Đội cho cán bộ phụ trách thiếu nhi của Thành đoàn Viêng Chăn, Lào.
“Tháng 10 hàng năm, trường Lê Duẩn sẽ tổ chức lớp hỗ trợ các cán bộ phụ trách thiếu nhi của Thành đoàn Viên Chăn Lào theo công văn của thành phố Hà Nội về công tác như nghi thức Đội, cách tổ chức, thiết kế các hoạt động Đoàn, Đội và cả về tâm lý thiếu nhi” cô giáo trẻ trường Lê Duẩn cho biết.
Lớp học diễn ra khoảng 20 ngày, thời gian đó các bạn Lào không chỉ được giảng dạy về công tác Đoàn, Đội mà còn được học thêm các kĩ năng liên quan đến hát múa, dân vũ, flashmob và đặt biệt là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.
Cô Nguyễn Thị Mai Phương ( áo xanh nhạt) cùng các cán bộ Đoàn của Thành đoàn Viêng Chăn, Lào |
Theo cô giáo Phương, những lớp học như thế góp phần gắn kết trái tim của những người trẻ đến từ hai quốc gia có những nét văn hóa tương đồng, cùng sát cánh với nhau qua nhiều thập kỉ.
Để làm tốt hơn công tác hỗ trợ cho nước bạn Lào về công tác Đoàn, Đội cô Phương cho biết, đội ngũ giáo viên Trường Lê Duẩn luôn cố gắng, học hỏi thêm những phương pháp giảng dạy mới để có thể truyền tải tốt nhất. Đặc biệt, nhằm xóa tan khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ các thầy cô cũng không ngừng trau dồi học hỏi các phương pháp giảng dạy theo công nghệ 4.0 để có thể trực tuyến nếu các bạn Lào không thể trực tiếp sang Việt Nam. Đồng thời, giáo viên trẻ nhà trường tích cực tập huấn học thêm tiếng Lào.
Cùng với cô Phương, thầy giáo Nguyễn Như Hoan – Huấn luyện viên cấp 1 Trung ương về công tác Đội, Tổ trưởng tổ kỹ năng Trường Lê Duẩn cho biết, với trách nhiệm của những người đang thực hiện công tác chuyên môn, thầy cố gắng học hỏi, sáng tạo thêm mô hình mới tạo cơ hội cho các bạn Lào sang trải nghiệm.
“Trước đây, trường Lê Duẩn chỉ có một mô hình lớp đào tạo công tác Đội cho cán bộ phụ trách thiếu nhi của Thành đoàn Viên Chăn (Lào). Hiện nay, qua quá trình giảng dạy và tham mưu nhà trường tổ chức có thêm mô hình lớp đào tạo công tác Đoàn” thầy Hoan cho biết.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ là những công dân gương mẫu, các bạn trẻ Việt Nam nỗ lực hết sức cống hiến sức trẻ cho cộng đồng. Đồng thời, góp phần vào gắn kết thêm mối quan hệ hòa bình hữu nghị giữa Việt Nam – Lào.