Bài 3: “Đội cơ động” hỗ trợ người dân dịch vụ công trực tuyến tại nhà
Cách gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình có giảm trừ mức đóng qua Cổng dịch vụ công |
Thuận tiện, nhanh chóng
Chị Hoa chia sẻ: “Gia đình có nhu cầu làm thủ tục giấy khai sinh cho con nên đã gọi điện đến Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính “một cửa” UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) và được cán bộ hướng dẫn thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Do chưa tiếp cận bao giờ nên mình nêu khó khăn và được cán bộ phận một phận một cửa thông tin UBND phường có đội hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà sẽ đến hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các thủ tục qua hệ thống cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Mình chỉ cần đặt lịch hẹn ngày sẽ có cán bộ phường đến tận nhà hướng dẫn”.
Đúng ngày hẹn, các thành viên trong “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến” đến tận nhà “cầm tay” hướng dẫn chị Hoa thực hiện từng thao tác. Chị Hoa thấy thật đơn giản, không phức tạp mà lại nhanh chóng, thuận tiện.
Thành viên "Đội cơ động" hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến |
Trong quá trình được nghe cán bộ phường hướng dẫn, chị Hoa thắc mắc về phần đính kèm hồ sơ như thế nào thì được thành viên trong đội tận tình giải đáp: Đối với hồ sơ kèm theo khi đăng ký giấy khai sinh là giấy chứng sinh, giấy CMND/CCCD, hộ khẩu của bố và mẹ, giấy chứng nhận kết hôn là những giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ. Người thực hiện cần chụp ảnh các giấy tờ và tích vào phần tin rồi đưa vào hồ sơ (giống như mình gửi kèm hình ảnh khi nhắn tin trên các nền tảng mạng xã hội khác). Những phần đánh dấu hoa thị mầu đỏ là trường bắt buộc, người kê khai làm theo hướng dẫn.
“Chỉ mất vài phút để thực hiện các thủ tục mà mình ngỡ phải một ngày mới có thể xong nên cảm thấy rất vui. Thực sự cảm ơn các bạn trong “Đội cơ động” đã mang đến niềm vui, sự thuận tiện cho người dân”, chị Hoa chia sẻ.
Thuận tiện, nhanh chóng cũng là cảm nhận của anh Trần Duy Linh (phố Nguyễn Trường Tộ, phường Trúc Bạch). Anh đã được “Đội cơ động” hỗ trợ đăng ký cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo anh Linh, trước đây, để hoàn thành các thủ tục hành chính, anh phải đi ra UBND phường mấy lượt.
“Có những ngày đông đúc, mình phải xếp hàng rất mệt mỏi. Bây giờ mình chỉ cần ngồi ở nhà, gọi điện thoại được cán bộ đến tận nhà hỗ trợ. Những mệt mỏi, bực dọc vì phải đi lại nhiều lần hoặc chờ đợi lâu đã không còn”, anh Linh cho biết.
Các thành viên trong đội luôn tận tình hướng dẫn cho người dân |
Không chỉ anh Linh, chị Hoa mà rất nhiều người dân khác trên địa bàn phường Trúc Bạch được “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng hộ dân”, mô hình đã giúp người dân trên địa bàn phường Trúc Bạch dễ dàng tiếp cận với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của chính quyền địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tối giản thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Phát huy vài trò những người trẻ
Theo chị Đào Lan Phương, cán bộ UBND phường Trúc Bạch, với mong muốn giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, UBND phường đã thành lập 2 “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”. Đội có nhiệm vụ hỗ trợ người dân trên địa bàn phường dễ dàng tiếp cận với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tối giản thời gian giải quyết thủ tục hành chính…
Mỗi tuần, đội sẽ dành 3-4 buổi đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng hộ dân để hỗ trợ, tư vấn cho người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia; giúp người dân tiết kiệm thời gian, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tuyên truyền cho người dân hiểu và biết về các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số mới hiện nay.
Người dân chỉ cần hẹn lịch các thành viên trong đội sẽ đến tận nhà hướng dẫn làm thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công quốc gia |
Thao tác thực hiện rất đơn giản. Công dân trên địa bàn phường gọi đến số điện thoại của bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính UBND phường và nêu thông tin họ muốn hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Sau khi tiếp nhận thông tin, đội cơ động sẽ đến nhà người dân hướng dẫn. Bên cạnh đó, đội đi luân phiên, lần lượt từng hộ gia đình để phổ biến, hướng dẫn người dân cách sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số mới.
Sau thời gian thử nghiệm, nhận thấy hiệu quả của mô hình, UBND phường Trúc Bạch đã nhận rộng thành 8 đội tại 8 tổ dân phố trên địa bàn phường. Thành viên của 8 “Đội cơ động” bao gồm cán bộ UBND phường, đoàn viên, thanh niên, tổ trưởng tổ dân phố. Ngoài cán bộ UBND phường, đoàn viên, thanh niên được coi là lực lượng xung kích bởi có sức trẻ, nhanh nhậy, nắm vững công nghệ thông tin.
Yêu thích các hoạt động Đoàn nên dù bận rộn với công việc học tập nhưng Nguyễn Nhật Anh, sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn đăng ký tham gia “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” ngay từ những ngày đầu thành lập.
Phát huy lợi thế của người trẻ nhiều đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia "Đội cơ động" |
Nhật Anh chia sẻ: “Nhiệm vụ của mình là cùng các thành viên trong đội đến từng nhà dân hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính. Thời gian chủ yếu vào giờ hành chính nhưng cũng có trường hợp phải hỗ trợ vào tối muộn và thường do thanh niên trực tiếp đảm nhận”.
Cũng theo Nhật Anh, thao tác dịch vụ công trực tuyến không quá phức tạp nên người dân dễ dàng nắm được và thực hiện. Tuy nhiên, với nhiều người cao tuổi, các thành viên trong đội phải kiên trì hướng dẫn rất nhiều lần. “Mình vẫn nhớ ở tổ dân phố số 4 của phường có hộ gia đình chỉ có hai bà cháu ở cùng nhau. Người cháu tên Nam Anh cần xin giấy chứng nhận độc thân nhưng bận đi làm. Vì vậy, người bà làm các thủ tục giúp cháu. Chúng mình đã đến nhà hỗ trợ nhưng do bà không biết sử dụng máy tính, công nghệ thông tin nên phải hướng dẫn, giải thích rất nhiều lần. Nhận thấy bà vẫn gặp khó khăn, ngày hôm sau chúng mình quyết định quay lại nhà để hướng dẫn cả hai bà cháu”, Nhật Anh kể.
Dù mất nhiều thời gian, tâm sức nhưng Nhật Anh và các thành viên trong “Đội cơ động” không hề cảm thấy phiền hà, sẵn lòng hỗ trợ người dân mọi lúc. Đặc biệt, những người trẻ như Nhật Anh coi đây là cơ hội rèn luyện, thử thách, gần gũi với Nhân dân để làm việc tốt hơn.
Cũng phát huy lợi thế của người trẻ nhanh nhậy, thành thạo công nghệ thông tin Trần Hoàng Hưng tích cực tham gia “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”. Tốt nghiệp khoa Kế toán trường Đại học Mỏ địa chất. Là một Bí thư chi đoàn và có thế mạnh về công nghệ thông tin nên chàng trai trẻ được phát huy khi tham gia đội hình. Ngoài hỗ trợ làm các dịch vụ công trực tuyến, Hưng và các thành viên trong đội cũng tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng tránh nạn lừa đảo qua mạng xã hội, lợi ích của căn cước công dân gắn chíp.
“Trong quá trình thực hiện, chúng mình gặp một số khó khăn như sắp xếp thời gian vì ai cũng phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Tuy nhiên, được hỗ trợ, giúp đỡ người dân hiểu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến là niềm vui của các thành viên. Đặc biệt, từ hoạt động nhỏ nhưng thiết thực này người trẻ như mình đang góp phần cụ thể hoá “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ và đẩy mạnh tỉ lệ người dân thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn Thủ đô”, Hưng chia sẻ.
(Còn nữa)