Bài 3: Hoàn thiện cơ chế pháp lý là "mắt xích" thành công
|
Đẩy mạnh quản lý thương mại điện tử bằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Với sự phát triển nhanh, nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website thương mại điện tử, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Những thách thức này cho thấy, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách và các công cụ quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển thương mại điện tử ở Hà Nội.
Theo các chuyên gia, đây là những mắt xích quan trọng và là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử ở Hà Nội hiện nay.
Lý do là bởi những hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực này đang bị thiếu các cơ chế để tiến hành xử phạt đủ sức răn đe, những quy định pháp luật đang không theo kịp xu hướng phát triển của thị trường.
Chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2021 diễn ra từ ngày 20 - 22/4, các chuyên gia kinh tế nhận định, lý do khiến việc các sàn giao dịch thương mại điện tử liên tục xuất hiện hàng giả, nhái nhãn mác là do đăng ký trở thành chủ cửa hàng và bán sản phẩm trên các website thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo… khá dễ dàng, không bó buộc bằng quy định trách nhiệm đối với người kinh doanh.
Ngay cả sàn giao dịch cũng không chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán. Chính điều này đã trở thành lỗ hổng cho những gian thương trà trộn hàng giả hàng nhái, kém chất lượng để lừa người tiêu dùng.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là một trong những mắt xích quan trọng để phát triển thương mại điện tử Thủ đô |
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ rõ rằng, rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sự tiện lợi của giao dịch trực tuyến - người mua không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm đã thực hiện những hành vi gian dối, lừa người tiêu dùng như giao hàng sai, không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng. Do đó, đã đến lúc cần có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, các chế tài xử phạt thật nặng đối với các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, thời gian tới, cơ quan lập pháp cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể, cần tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp.
Đặc biệt, cần làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử với hàng hóa bày bán, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.
Hiện nay, Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo nghị định sửa đổi sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách là thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong thương mại điện tử; quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội và quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ, nhận định, sàn giao dịch thương mại điện tử cũng giống như chợ mua bán hàng hóa và ban quản lý chợ phải kiểm soát, quản lý được các hộ kinh doanh. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái, họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán trên trang của mình và phải xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch.
Dự báo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, khoảng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Điều này đòi hỏi cần có những chế tài mạnh mẽ hơn để có thể ngăn chặn tình trạng lừa đảo, củng cố niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm qua sàn TMĐT.
Nâng cao nhận thức người tiêu dùng
Đồng ý rằng việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thương mại điện tử phát triển an toàn, bền vững nhưng giải pháp quan trọng này cần có yếu tố thời gian. Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã dành 8 điều để quy định về quy trình giao kết hợp đồng giữa người bán hàng trực tuyến với người mua. Trong đó tại Điều 23 quy định: “Bộ Công thương có trách nhiệm quy định cụ thể về quy trình giao kết hợp đồng trực tuyến trên website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức, cá nhân lập ra để mua hàng hóa, dịch vụ” nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết.
Do đó, trong lúc chờ đợi hoàn thiện pháp luật, một trong những giải pháp cấp bách đặt ra hiện nay chính là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi tham gia mua bán trên các trang thương mại điện tử và các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải tự bảo vệ mình bằng các trang website uy tín, bảo đảm về hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý.
Người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức khi tham gia mua bán hàng hóa trên thương mại điện tử |
Rõ ràng, thực tế một trong những yếu tố dẫn đến nhiều vụ việc gian lận trên TMĐT là do người tiêu dùng vẫn chưa thực sự thông thái. Có rất nhiều người còn ham rẻ và không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ cũng như có sự tìm hiểu về uy tín của doanh nghiệp cung cấp và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Với công nghệ hiện nay, người tiêu dùng có thể tra cứu rất nhiều thông tin về sản phẩm mà mình định mua và có thể đánh giá phần nào chất lượng.
Bên cạnh đó, tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn ngại phản ánh khi mua những sản phẩm không đúng với chất lượng hoặc giá cả. Người tiêu dùng cũng không lưu trữ được hóa đơn, chứng từ để phản ánh những doanh nghiệp làm ăn không đúng hoặc những cửa hàng, doanh nghiệp bán sản phẩm không đúng quy định.
Chính vì thế, một trong những giải pháp thực hiện thường xuyên và liên tục của Sở Công thương Hà Nội trong năm 2021 này chính là tuyên truyền để người tiêu dùng thông thái hơn, khi mua sắm sản phẩm phải quan tâm đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giá cả phải được niêm yết rõ ràng. Đồng thời, lưu giữ hóa đơn chứng từ để khi xảy ra sản phẩm hàng hóa không bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn chất lượng thì có thể phản ánh, đưa đầy đủ chứng cứ đến các cơ quan quản lý nhà nước, để xem xét, xử lý các đối tượng vi phạm theo đúng quy định hiện hành.
Về vấn đề này, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) chia sẻ với báo chí rằng, trước khi mua hàng qua thương mại điện tử, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ đó. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền lợi khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có thể liên hệ với nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp cần tư vấn hoặc phản ánh, khiếu nại, người tiêu dùng liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng: 1800.6838 (miễn phí cước gọi) hoặc gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
Phải khẳng định rằng, môi trường cạnh tranh khắc nghiệt trong TMĐT chắc chắn không dành chỗ cho những doanh nghiệp năng lực tổ chức yếu kém, công nghệ quản trị ở mức thấp. Do đó, các doanh nghiệp tham gia thị trường thương mại điện tử cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo chất lượng hàng hóa nhằm đảm bảo uy tín cũng như giữ vững niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp tham gia thị trường. Chỉ khi có hành lang pháp lý đủ mạnh, các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trong môi trường này và người tiêu dùng hiểu rõ nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mình khi mua bán hàng qua thương mại điện tử thì hình thức kinh doanh này mới phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.