Cảnh giác trước những “màn kịch” lừa đảo trên sàn thương mại điện tử
Không để hàng giả "lộng hành" trên sàn thương mại điện tử Cao Bằng: Bắt nhóm đối tượng giả danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo Dùng tài khoản cá nhân để trốn thuế, nhiều đối tượng bị khởi tố |
“Bẫy ảo” giăng khắp nơi
Công an quận Tây Hồ cho biết, đang điều tra và xử lý vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn yêu cầu người dân ứng tiền để thanh toán hộ và nhận hoa hồng. Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 4 tỷ đồng.
Theo lời nạn nhân, các đối tượng đã lừa chị bằng cách mời chị ứng tiền thanh toán hộ các đơn hàng. Họ cam kết chị sẽ nhận được hoa hồng dựa trên số tiền thanh toán, càng bỏ ra nhiều thì tỷ lệ hoa hồng càng cao.
Tuy nhiên, sau khi chị thanh toán một số tiền lớn, các đối tượng tiếp tục yêu cầu chị đóng thêm tiền đặt cọc với lý do hệ thống lỗi, thông tin bị nhập sai, khiến chị không thể rút tiền. Cuối cùng, khi nhận ra mình bị lừa, số tiền gần 4 tỷ trong tài khoản của chị, bao gồm cả tiền vay mượn, đã bị các đối tượng chiếm đoạt.
Không gian mạng luôn là mảnh đất “màu mỡ” để các đối tượng tung ra những chiêu trò khiến người dân “sập bẫy” (Ảnh minh họa) |
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cũng ghi nhận vụ án một nhóm đối tượng đã lập ra các gian hàng ảo trên ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee để chiếm đoạt tiền của sàn thương mại điện tử này thông qua các mã giảm giá, khuyến mại.
Kịch bản mà các đối tượng đã dựng lên màn kịch lừa đảo hết sức chuyên nghiệp thông qua nhiều công đoạn: Lập gian hàng ảo, tuyển người chốt đơn mua hàng ảo, tìm kiếm mã giảm giá, áp mã giảm giá, đóng gói hàng hóa không đúng mô tả, cấu kết thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả lừa sàn thương mại điện tử chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng.
Với kịch bản trên, nhóm đối tượng này đã tạo ra giao dịch mua bán hàng hóa ảo với giá trị hàng chục tỉ đồng để chiếm đoạt tiền từ các voucher khuyến mãi của Shopee tài trợ cho người mua hàng trực tuyến chỉ trong thời gian nửa năm.
Cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh mất “tiền oan”
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân trong mọi tình huống, tuyệt đối không vội vàng tin và làm theo bất kể điều gì mà đối tượng lạ hướng dẫn. Người dân cần thực hiện xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đối tượng trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền.
Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.
Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin của đối tượng trước khi thực hiện giao dịch |
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã rà soát, kiểm tra và gỡ bỏ hàng nghìn gian hàng thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng quy định pháp luật vi phạm, buộc gỡ bỏ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm.
Từ thực tế trên, dù vi phạm đã bộc lộ rõ nhưng nhiều người vẫn mất tiền oan do không tìm hiểu hoặc thực hiện đúng quy định khiếu nại trên các sàn thương mại điện tử. Vì vậy, để tránh mất tiền oan, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo và thông minh hơn trong việc mua sắm trên các gian hàng điện tử.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần kiểm tra tính pháp lý của sản phẩm mỗi khi mua sắm hàng hóa: Chính sách hoàn trả, ngày giao hàng, điều kiện bảo hành... để tránh bị lừa, mua phải hàng không bảo đảm chất lượng.