Bài 3: Những phần mềm thấm đẫm chất nhân văn
>> Tri ân những người anh hùng
- Bài 1: Món quà nghĩa tình tặng cựu thanh niên xung phong
- Bài 2: Những ngôi nhà nhân ái của Đoàn
Dễ dàng truy cập thông tin về mộ liệt sỹ
Đó là phần mềm của nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Được đưa vào sử dụng từ 25/7/2017, phần mềm này hiện cập nhật thông tin về 14.321 liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước.
Truy cập vào địa chỉ website http://tphcm.anhhunglietsi.vn, chắc hẳn mỗi người sử dụng, đặc biệt là thân nhân, gia đình các liệt sỹ đều có chung cảm giác vui mừng xen lẫn xúc động. Những thông tin về 14.321 liệt sỹ được cập nhật một cách khoa học, trang trọng, sắp xếp như những bia mộ với nén tâm hương thành kính từ tấm lòng người trẻ. Trên đó là các thông tin cụ thể về nơi an táng, số hàng, số mộ, số khu, thông tin di vật, bản đồ, tiểu sử liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.
Thông tin về phần mềm ý nghĩa này, Lê Công Bằng (sinh viên trường Đại học Công nghệ thông tin, thành viên đội hình tình nguyện) cho biết: “Mình nhận thấy việc tìm kiếm vị trí cụ thể của từng ngôi mộ còn khá khó khăn, mất thời gian. Vì vậy, trong chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè 2017”, chúng mình đã có ý tưởng tận dụng kiến thức học ở trường để sáng tạo và nghĩ đến việc lập ra phần mềm giúp công việc tìm kiếm này. Phần mềm được mình và các bạn (9 thành viên) hoàn thành trong thời gian hơn 3 tháng và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 25/7”.
Bằng việc trực tiếp đi thu thập dữ liệu từ Nghĩa trang liệt sỹ TP Hồ Chí Minh, nhóm bạn trẻ đã cập nhật thông tin lên website, tạo nguồn dữ liệu giúp việc tìm kiếm thông tin về phần mộ các liệt sỹ dễ dàng hơn. Bằng cũng cho biết thêm, để phần mềm thêm phong phú, có tính giáo dục lịch sử, các bạn đã kết hợp với nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh tìm hiểu tiểu sử của các liệt sỹ cập nhật lên website.
Được biết, phần mềm hoạt động theo 2 hướng, một là tìm kiếm theo thông tin có sẵn (ví dụ như họ tên, quê quán, năm sinh, năm mất). Hai là hiển thị thông tin theo vị trí cụ thể của một ngôi mộ. Phần mềm cũng có chức năng “cung cấp thêm tiểu sử” dành cho những người thụ hưởng, là thân nhân, đồng đội. Khi thấy tiểu sử các anh hùng liệt sĩ chưa đầy đủ, những người thụ hưởng có thể gửi cung cấp thêm hình ảnh, thông tin, các câu chuyện liên quan… Những dữ liệu này sẽ được kiểm chứng và công bố trên hệ thống.
Ví dụ cụ thể về ưu điểm của phần mềm này, Bằng chia sẻ: “Có trường hợp một người đàn ông khi đi tìm mộ của đồng đội cũ, vì chưa nhớ rõ họ tên nên việc tìm kiếm bằng tên là không khả thi. Tuy nhiên, nhờ vào dữ kiện năm mất, quê quán nên đã xác định được một ngôi mộ có thông tin gần giống như người đàn ông đó cần tìm”.
Theo anh Lê Viết Hưng, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh: “Phần mềm ý nghĩa này không chỉ góp phần tạo nguồn dữ liệu phong phú cho công tác giáo dục lịch sử và chính trị mà còn là món quà ý nghĩa tri ân những người con anh hùng đã hy sinh thân mình vì nền độc lập dân tộc”. Được biết, trong chiến dịch tình nguyện hè 2018, nhóm sinh viên này cũng đang thực hiện việc thu thập dữ liệu để làm một phần mềm tương tự giúp việc tìm kiếm phần mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cần Giờ, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) trở nên dễ dàng hơn.
Dự án số hóa mộ liệt sỹ
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế của giảng đường đại học, xuất phát từ việc gia đình có người thân là liệt sĩ chưa tìm được mộ, là một sinh viên công nghệ thông tin, Lê Công Thành (sinh năm 1982) sớm suy nghĩ đến một phần mềm có thể tự động nhận dạng chữ trên bia mộ thông qua ảnh chụp.
Anh Lê Công Thành- người sáng lập trang tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ.
Tuy nhiên thời điểm đầu những năm 2000, công nghệ chưa đủ tốt, máy tính chưa phổ biến, tại Việt Nam các mạng xã hội chưa phát triển, ý tưởng của Thành gặp khó khăn do thiếu cơ sở dữ liệu. Cách mạng công nghiệp phát triển nhanh chóng và ùa vào Việt Nam như vũ bão đã khiến ước mơ tưởng chừng như dang dở của anh được sống lại. Dù đang là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Công nghệ chọn lọc thông tin InfoRE - trí tuệ nhân tạo & dữ liệu lớn với bộn bề dự án nhưng việc quay lại với ý tưởng số hóa mộ liệt sỹ vẫn luôn đau đáu trong anh.
Thành quyết định triển khai ý tưởng của mình thành một dự án, phát triển dựa trên mô hình Massive-scale Online Collaboration. Ý tưởng đầu tiên được Thành và những người bạn triển khai là một dự án xã hội, phi lợi nhuận - dự án lietsi.com. Thành chia sẻ: “Các gia đình có người thân là liệt sĩ thường mất nhiều thời gian để biết người nhà đang nằm đâu. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 3.000 nghĩa trang với hàng trăm nghìn các bia mộ liệt sỹ nhưng chưa được số hóa. Ðiều đó khiến cho nhiều liệt sỹ đang nằm ở nghĩa trang nào đó rồi mà người nhà không biết”.
Để số hóa toàn bộ thông tin liệt sỹ đang nằm tại các nghĩa trang giúp người nhà dễ dàng tìm kiếm, Thành và các cộng sự phải xây dựng một mạng lưới tình nguyện viên. Tình nguyện viên sẽ đi chụp ảnh các bia mộ trong nghĩa trang liệt sỹ và được một phần mềm nhận diện. Các thông tin trên hình ảnh được số hóa và đưa vào kho dữ liệu. Ảnh sau khi chụp được lưu trữ tập trung trên internet thông qua một phần mềm. Một phần mềm khác sẽ nhận diện các thông tin có trong bức ảnh, tạo ra nguồn dữ liệu cho hệ thống tìm kiếm thông tin. Với những ảnh chụp bị mờ, bị nhòe, máy tính không có khả năng nhận dạng, Thành và nhóm của anh đăng tải lên website lietsi.com nhờ cộng đồng internet nhập liệu giúp. Thông thường chỉ mất khoảng 10 đến 20 giây để nhập thông tin của bức ảnh. Mọi người đều có thể tham gia một cách đơn giản, tự chủ về thời gian và lựa chọn công việc phù hợp nhất với mình (chụp ảnh hoặc nhập liệu).
Dự án bắt đầu từ năm 2011 đến 2015 đã số hóa được 95% nghĩa trang liệt sỹ ở Việt Nam với thông tin của hơn 750 nghìn liệt sỹ. Ðến nay, tuần nào cũng có gia đình liệt sỹ tìm được mộ người thân thông qua lietsi.com.
Anh chia sẻ: “Là một dự án xây dựng trên sự góp sức của cộng đồng và dành cho cộng đồng nên mình không bao giờ muốn “kể công” trong việc tìm người thân của các gia đình. Để dự án thành công đã, đang và sẽ cần sự giúp sức, chung tay của nhiều người hơn nữa, những người hiểu và cùng bỏ chút công sức của mình cho công việc ý nghĩa này”. Đối với chàng trai trẻ, mỗi gia đình tìm được thân nhân, đưa được người thân trở về quê nhà với anh là một niềm hạnh phúc lớn lao, là động lực thôi thúc anh và các cộng sự cố gắng hơn nữa. Chính vì vậy, Thành hy vọng sẽ có nhiều người biết đến và hiểu được lietsi.com để cùng chung tay mang niềm vui đến với những gia đình đang đau đáu mong tìm được người thân.
(Còn nữa)