Bài 3: Vì môi trường, góp gió thành bão
Giám sát chặt chẽ vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh Tăng cường kiểm tra hàng năm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường Quận Tây Hồ tổng lực vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết |
Ý chí của những người đứng đầu
Thời gian qua, để tăng hiệu quả bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ của mỗi cá nhân, các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân, các bạn trẻ về bảo vệ môi trường bằng cách đổi mới sáng tạo công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, có tính nhân rộng nhanh và hiệu quả.
Hoạt động này dựa trên cơ sở nền tảng phát huy tối đa vai trò của Nhân dân và các bạn trẻ, để họ tham gia trực tiếp vào các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh khuôn viên nơi mình ở, khu vực học tập, không gian công cộng tạo môi trường xanh, sạch, thân thiện; Chủ động và kịp thời phản ánh các hành vi vứt, thải bỏ chất thải không đúng nơi quy định.
Đơn cử như tháng 6 vừa qua, hưởng ứng ngày môi trường thế giới, tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều hoạt động cụ thể.
Thanh niên quận Long Biên nhặt rác thải nhựa ở triền đê |
Theo đó, Đoàn Thanh niên TP Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô; Triển khai hiệu quả các mô hình tuyến phố xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh; Mô hình con đường bích họa, tranh tường bích họa; Nhà vệ sinh thân thiện… góp phần đảm bảo kỷ cương, trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch đẹp.
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn cũng mong muốn các bạn trẻ Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tích cực tuyên truyền, tham gia tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, chung tay hành động vì môi trường, vì một Thủ đô “sáng - xanh - sạch - đẹp” bằng tất cả trách nhiệm của người đoàn viên, thanh niên.
Cụ thể: Duy trì dọn dẹp vệ sinh vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần ra quân các hoạt động về vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo rao vặt trái phép; Phối hợp triển khai các hoạt động thu gom, xử lý các điểm rác thải tự phát; Tuyên truyền vận động người dân phân loại rác tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa; Tuyên truyền phân loại rác thải nhựa tái chế cho người dân tại các khu chợ dân sinh, tặng làn đi chợ, túi đựng rác tự phân hủy; Tuyên truyền cho thanh niên, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, dòng sông, ao hồ; Tuyên truyền và xây dựng thói quen 4T (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) và thói quen phân loại rác tại nguồn.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội khẳng định vai trò của thanh niên trong các hoạt động bảo vệ môi trường |
Theo đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội: “Đây là một trong những hoạt động cao điểm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ Thủ đô trong việc xung kích, đảm nhận thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP”.
Trong khi cả TP Hà Nội đang áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có dọn dẹp môi trường để phòng, chống dịch sốt xuất huyết, quận Tây Hồ cũng triển khai nhiều phương án tích cực. Nhờ đó, quận đã xóa xong một “điểm nóng” sốt xuất huyết ở tổ 4, phường Xuân La.
Phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp môi trường ở nơi từng là điểm phức tạp về dịch sốt xuất huyết của quận Tây Hồ |
Bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, dọn dẹp vệ sinh môi trường sống là biện pháp ngăn chặn rất quan trọng để phòng chống dịch sốt xuất huyết đang lan rộng. Nếu như trước đây, nhiều địa bàn trên quận còn có thói quen “sạch nhà bẩn ngõ” thì nay các tổ dân phố có buổi chiều thứ Sáu, buổi sáng thứ Bảy; Các bạn trẻ thì có Ngày Chủ nhật xanh tổng vệ sinh với nhiều hoạt động thiết thực. Việc đảm bảo môi trường sống, hơn hết đó là ý thức của của chính bản thân mỗi người, sau đó mới là tiên phong vì cộng đồng. Rất vui vì nhiều năm trở lại đây, hoạt động dọn dẹp đường làng ngõ phố, xóa điểm đen ô nhiễm môi trường… đã trở thành “nếp sinh hoạt” của người dân và giới trẻ Tây Hồ. Qua hoạt động tích cực này, môi trường sống được cải thiện, bộ mặt đô thị của Tây Hồ ngày càng văn minh hơn.
Còn trên địa bàn quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Việt Trung cho biết, trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, trật tự đô thị là điều rất đáng trân trọng, ghi nhận. Theo lý giải của ông Trung, việc các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân tham gia dọn dẹp môi trường, trang trí tường… không chỉ đem lại hiệu quả trước mắt mà đã và đang làm thay đổi những thói quen xấu còn tồn tại ở một số người dân. Khi người dân trực tiếp tham gia thực hiện các mô hình điểm, họ sẽ trân trọng và có ý thức hơn trong việc bảo vệ thành quả đó. Từ đó, chính họ sẽ trở thành những tuyên truyền viên, giám sát viên ngăn chặn các trường hợp có hành vi làm mất vệ sinh môi trường. Điều mà các lực lượng chức năng dù có nỗ lực, nhưng cũng không thể giám sát được 24/24h.
Việc dọn dẹp rác sinh hoạt không phụ thuộc vào lứa tuổi, trình độ, địa vị mà từ lâu đã trở thành nếp sinh hoạt của người dân phường Quan Hoa (Cầu Giấy) |
Là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực trật tự đô thị, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho rằng: “Với những nỗ lực của cộng đồng dân cư nói trong thời gian qua, tôi tin rằng, mỗi người phần nào hiểu được và đã từng bước loại bỏ ý nghĩ bảo vệ môi trường là phải nghiên cứu ra một công trình, một máy móc hiện đại nào đó hay đó là việc của các chuyên gia, các kỹ sư hay của pháp luật mà bằng chính những hành động nhỏ nhặt và cụ thể hàng ngày như: Tiết kiệm điện, nước ở cơ quan cũng như ở nhà, hạn chế sử dụng túi nilon. Phân loại rác tại nhà, không nên tiện tay vứt rác bừa bãi ra ngoài đường khi đi chơi. Tránh vứt rác xuống dòng sông, lòng đường, hè phố. Không bẻ cành, ngắt phá cây xanh, lên án, phê phán những trường hợp không biết giữ gìn và bảo vệ cây xanh nơi công cộng… chính những hành động nhỏ như vậy là chúng ta cũng góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Là người phụ trách lĩnh vực này của phường, tôi cũng rất vui vì tất cả những cố gắng đó của phường đều được ghi nhận và làm cho bộ mặt đô thị phường Quan Hoa ngày càng sạch, đẹp và văn minh hơn. Điều này lại tạo động lực quay vòng, không ai bảo ai, lại tiếp tục góp hành động nhỏ, vì kết quả lớn”.
“Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng và mỗi một hành động nhỏ, đơn giản, ai cũng làm được sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, góp phần bảo vệ môi trường, hình thành nếp sống văn minh hơn, đô thị xanh - sạch - đẹp hơn” - đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội khẳng định thêm.
Bảo vệ môi trường từ những chuyện “tưởng nhỏ”
Nói về vai trò và ý nghĩa, tầm quan trọng của người dân, các bạn trẻ trong việc bảo vệ môi trường sống, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS An cho rằng, điều đầu tiên phải khẳng định môi trường là một trong ba trụ cột để phát triển bền vững. Chính vì vậy Hiến pháp nước ta đã quy định, mọi người dân đều được quyền sống trong môi trường trong lành, sạch sẽ, an toàn. Cho nên, bảo vệ môi trường sống cũng là trách nhiệm của tất cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó có các bạn trẻ (gọi chung là người dân). Thực tế đã chứng minh, tất cả những việc có dân vào cuộc đều giành thắng lợi, thậm chí là thắng lợi giòn giã. Trong việc bảo vệ môi trường, người dân là người hưởng lợi vì vậy bảo vệ môi trường phải lấy người dân làm trung tâm.
PGS.TS Bùi Thị An |
Ví như việc, mỗi buổi sáng thứ Bảy hay Chủ nhật, chúng ta cùng thức dậy sớm, tổng vệ sinh nhà cửa, khu phố nơi chúng ta sinh sống. Hay là việc các bạn trẻ lan tỏa cho nhau ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hành động thiết thực như: Trường học xanh, không xả rác thải bừa bãi, chủ động thu dọn rác thải sau các hoạt động, sự kiện đông người; Tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng như thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, để rác đúng nơi quy định, không để động vật nuôi phóng uế bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung và tạo môi trường sống sạch, xanh và thân thiện môi trường…
Tại sao phải có những hoạt động như vậy? PGS.TS An chỉ ra rằng, rác thải gây ô nhiễm môi trường là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay. Rác thải không chỉ từ các nhà máy, xí nghiệp… mà còn từ chính hoạt động sống của con người. Chính vì vậy, tác động để thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường là triệt để nhất.
Thực tế cũng cho thấy, rác thải khắp mọi nơi, “sạch nhà, chưa sạch ngõ”, tiện đâu là thải đấy…là vấn đề còn tồn tại và khá trăn trở ở một đô thị lớn, đông dân như Thủ đô Hà Nội. Việc bừa bãi như vậy lại tác động ngược trở lại chính cuộc sống của người dân, nhất là hệ lụy về bệnh tật, sức khỏe…
Người dân mang rác tái chế được phân loại đến điểm thu gom tại báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Lại Tấn |
PGS.TS An trở lại vấn đề, muốn có nền kinh tế tuần hoàn, muốn rác biến thành tài nguyên thì nhất thiết phân loại rác. Phân loại rác từ việc nhặt rác hằng ngày của từ những bạn nhỏ, của thanh niên, chị phụ nữ, bác cựu chiến binh... Việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Nếu mọi người vẫn giữ thói quen cũ theo kiểu gom rác vào “một thể”, hoặc mạnh nhà ai nhà nấy làm thì không bao giờ có kinh tế tuần hoàn. Còn ngược lại, nếu huy động được sự tham gia phân loại rác từ những hoạt động đơn giản như quét dọn của tất cả mọi người thì quen thói quen cũ bị phá bỏ, dần dân sẽ hình thành kinh tế tuần hoàn.
Đơn cử cho sơ khai của “kinh tế tuần hoàn” là hoạt động đổi rác thải lấy quà tặng, lấy cây xanh mà báo Kinh tế và Đô thị, Công ty TNHH MTV Môi trường Hà Nội (Urenco) hay nhóm bạn trẻ thường làm ở không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã làm. Việc tuy nhỏ, nhưng thu hút hàng trăm, hàng nghìn người hưởng ứng. Qua đó, khích lệ được người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác, biến rác thành tài nguyên, thành tiền.
PGS.TS Bùi Thị An |
Để hoạt động bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ không dừng lại ở phong trào của người dân, hô hào các bạn trẻ, mà nâng lên mức cao hơn, hiệu quả thiết thực hơn, PGS.TS Bùi Thị An cũng đề ra một số giải pháp khả thi; Trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của chính quyền cơ sở, người đứng đầu các tổ chức, đơn vị và vai trò của công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân.
Muốn phát huy được vai trò này, Nhà nước, các cấp quản lý ngoài tạo điều kiện cho dân, còn nên cung cấp và hướng dẫn cho người dân các thùng rác để phân loại tại nguồn. Bên cạnh đó, việc đồng bộ trong các khâu: Thu gom, vận chuyển, lưu giữ, biện pháp xử lý thích hợp và làm theo đúng cách mà luật quy định; Cuối cùng là xử lý thật nghiêm vi phạm.
“Tôi cho rằng, việc phân loại rác nói là dễ thì không dễ, khó cũng không khó nhưng dứt khoát ta phải làm, trong vòng 1 - 2 năm sẽ khó nhưng trong vòng 5 năm với tổng thể các biện pháp nói trên, cùng sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng đặt dưới sự quản lý của Nhà nước thì tôi cho rằng sẽ làm được” - PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.