Bài 4: Cùng “chắp cánh” đưa nông nghiệp vươn xa
“Thần nông” trẻ thời công nghệ số: Việc khó tạo người tài Bài 2: Nông dân trẻ “đón đầu” công nghệ số Bài 3: Những người trẻ khiến “đất cằn nở hoa” |
Thanh niên phải là những người tiên phong chuyển đổi số
UVBCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cho rằng, các cấp bộ Đoàn trong cả nước cần tiếp tục cổ vũ động viên thanh niên hăng hái thi đua lao động sáng tạo, làm kinh tế giỏi, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
UVBCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương |
Đặc biệt, các bạn trẻ cần ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho thanh niên nông thôn và Nhân dân.
Tổ chức Đoàn và thanh niên phải là những người tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao đưa nông nghiệp, nông dân Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, tiếp cận với thị trường thế giới, tham gia có hiệu quả các chuỗi cung ứng thị trường vào các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.
Nhân rộng những tấm gương “nhà nông trẻ”
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương: Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với “biến đổi khí hậu”, “biến động thị trường”, “biến chuyển xu thế tiêu dùng”. Để xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, chắc chắn không thể thiếu được tinh thần dấn thân, hành động quyết đoán và sự sáng tạo không ngừng của các bạn đoàn viên, thanh niên.
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương |
“Tôi mong muốn rằng, chủ thể tích cực nhất, tham gia hiệu quả nhất trong sản xuất, kinh doanh thì mỗi bạn đoàn viên, thanh niên cần phát huy được sức trẻ, sự sáng tạo và khát vọng làm giàu của mình; từ đó biến khát vọng thành hành động cụ thể, tạo sinh lực mới cho sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn nước nhà. Những “nhà nông” trẻ tiêu biểu sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, trở thành những tấm gương, những người đóng vai trò dẫn dắt lực lượng đoàn viên, thanh niên xung quanh mình vươn lên trong cuộc sống”, anh Ngô Văn Cương nói.
Người trẻ và sứ mệnh ứng dụng công nghệ
Theo ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, đã có nhiều dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được triển khai. Ví dụ, trong trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, các chế phẩm sinh học, các bộ kít chẩn đoán bệnh, các loại phân bón thế hệ mới, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chất kích thích sinh trưởng quy mô công nghiệp…
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
“Hiện, đã có 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia (Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Khu Lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc Trung Bộ); có 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 18.089 ha. Cả nước có 290 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; hình thành gần 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm rủi ro tác động của biến đổi khí hậu, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết”, ông Hiển thông tin.
Đưa OCOP đến toàn dân
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được đẩy mạnh ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, thành phố Hà Nội sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code; 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP.
Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Đại cũng lưu ý các quận, huyện, thị xã tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng OCOP.
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của gạo ngon nhất thế giới ST25 cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo xu hướng tăng trưởng xanh. Trong vấn đề này, người trẻ chiếm ưu thế rất lớn vởi họ là đối tượng tiếp cận, triển khai các vấn đề khoa học công nghệ nhanh nhất. |
Các cấp chính quyền, đặc biệt là người trẻ cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm này trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.
Liên kết chuỗi – trách nhiệm của thanh niên
Đánh giá về quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu, quá trình tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 5 năm qua cho thấy hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng có đóng góp quan trọng. Nếu như năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,5 tỷ USD thì con số này của năm 2022 là 53,04 tỷ USD.
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương |
“Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp ngày càng có những đóng góp quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ cao để thay đổi diện mạo sản xuất. Tuy vậy, với quy mô sản xuất nông hộ, rất khó để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, do vậy, cần thiết phải liên kết sản xuất theo chuỗi và việc này không ai khác là các nhà nông trẻ phải vào cuộc một cách sáng tạo và kịp thời”, ông Đình Anh nói.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 541-KH/TWĐTN-TNNT “Tuổi trẻ với nông nghiệp, nông thôn và tăng trưởng xanh. Theo đó, Trung ương Đoàn đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện, trong đó có thúc đẩy thanh niên phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp có trách nhiệm. |