Bài 4: Giải phóng lối đi cho người đi bộ
Phát động chiến dịch đi bộ “20 triệu bước vì trẻ em Việt Nam” Đề xuất xây cầu vượt cho người đi bộ qua đường Trịnh Văn Bô Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn tương lai sẽ có hình lá dừa nước |
Vỉa hè không dành cho người đi bộ
Khi hỏi về nguyên nhân đi bộ sang đường sai quy định, nhiều người phân trần, "lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm hết rồi thì lấy đâu chỗ để đi, chẳng đi dưới lòng đường". Đó là một lời giải thích có lí lẽ.
Giao thông đi bộ trong các đô thị lớn là một phương thức quan trọng đáp ứng nhu cầu đi lại ở cự ly ngắn của người dân, đặc biệt là học sinh và người cao tuổi. Ngoài ra, giao thông đi bộ còn là một hợp phần không thể thiếu trong các hệ thống giao thông công cộng đô thị vì nó giúp kết nối các khu dân cư với các bến giao thông công cộng. Mạng lưới giao thông đi bộ trong đô thị thuận lợi và an toàn sẽ góp phần thúc đẩy người dân lựa chọn loại hình đi bộ nhiều hơn cho các chuyến đi có cự ly ngắn và tăng sử dụng dịnh vụ giao thông công cộng, từ đó góp phần giảm việc sử dụng xe cá nhân của người dân cho các hoạt động đi lại trong đô thị, giảm tắc đường, giảm lượng tiêu hao nhiên liệu và phát thải khói bụi vào môi trường.
Vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ phải xuống lòng đường |
Thế nhưng, tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giao thông đi bộ trên nhiều tuyến phố còn chưa được quan tâm đúng mực. Vỉa hè dành cho người đi bộ thường bị chiếm dụng để kinh doanh, làm bãi đỗ xe (ô tô và xe máy) hoặc bị thu hẹp đáng kể bởi các công trình hạ tầng kỹ thuật bên đường như trạm biến áp, cột điện... Do đó, người đi bộ thường xuyên phải đi bộ dưới lòng đường chung với các phương tiện giao thông khác, gây rủi ro cho cả người đi bộ và người tham gia giao thông khác.
Việc kiếm sống và kinh doanh trên vỉa hè các con phố nhỏ của Hà Nội vốn đã là một phần văn hóa của "người Kẻ Chợ" từ những năm của thế kỷ 19. Trong cuốn sách “Đi dọc Hà Nội”, tác giả có trích đoạn: "Khi tôi đến Hà Nội vào tháng 3/1897, khu phố của người An Nam với những cửa hàng lấn ra đến tận đường, phố xá không có vỉa hè và chen chúc những người và người. Đó chính là những thứ đích thực của Hà Nội", công sứ đầu tiên ở Hà Nội Bonnal, trích cuốn Xứ Đông Pháp và những kỷ niệm (L'Indochine Francaise Souvenirs, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nhiệm kỳ 1897-1901).
Sau hàng trăm năm thăng trầm của lịch sử, thứ văn hóa đó vẫn ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Hà Nội. Giờ đây, mỗi khi bước chân ra đường thì đó là hàng quán, xe cộ ngổn ngang trên hè phố.
Tình trạng trên chắc chắn có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi buông lỏng việc quản lý vỉa hè và lòng đường. Hằng ngày, những chiếc xe của đội trật tự đô thị cứ đảo qua đảo lại các con phố để nhắc nhở, thậm chí là ghi phiếu phạt với các hộ kinh doanh hay chủ phương tiện để xe không đúng nơi quy định nhưng mỗi khi họ đi qua thì mọi thứ lại đâu trở về đấy.
Để giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp "mạnh tay", đồng bộ làm cho nhiều tuyến phố tại Thủ đô đã được trả lại không gian thông thoáng cho người đi bộ, cảnh quan đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác duy trì chống tái lấn chiếm tại một số khu vực còn lỏng lẻo, trong khi ý thức chấp hành của nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn còn thấp, chưa thật sự nghiêm túc; Việc ký cam kết còn mang tính chất đối phó... và nhiều khó khăn, vướng mắc hiện hữu khác.
Cứ thế, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tiếp diễn năm này qua năm khác. Không có lối đi, hiển nhiên, người đi bộ dù muốn hay không, họ vẫn buộc phải vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Vì thế, chúng ta cần những biện pháp kiên quyết, "mạnh tay" và sáng tạo hơn trong xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, giúp người dân được đi lại thuận tiện.
Đơn cử, nếu đi vào một số khu dân cư mới, có thể thấy những đội bảo vệ của khu dân cư rất quyết liệt trong việc chống lấn chiếm vỉa hè và lòng đường. Xe để không đúng nơi quy định có thể bị khóa bánh và chủ phương tiện sẽ mất rất nhiều thời gian để xin được "thả". Việc giao hàng cũng chỉ được phép thực hiện ở những khu vực quy định. Liệu đó có phải là giải pháp hợp lý mà các đơn vị quản lý nên học hỏi?
Các trụ đá nguyên khối được đặt nhằm mục đích đảm bảo trật tự văn minh đô thị, ngăn cản hành vi chiếm dụng vỉa hè làm nơi dừng, đỗ ô tô |
Hay như việc UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) triển khai lắp đặt 47 trụ đá dọc vỉa hè trên phố Lê Trọng Tấn để ngăn chặn tình trạng các phương tiện dừng, đỗ sai quy định, trả lại không gian thông thoáng cho người đi bộ cũng là một cách làm sáng tạo.
Chất lượng hạ tầng còn nhiều bất cập
Theo quy chuẩn tại các đô thị, cơ sở hạ tầng phục vụ người đi bộ bao gồm hệ thống đường dành riêng cho người đi bộ, vỉa hè, vạch sang đường, cầu vượt, hầm chui, hệ thống chiếu sáng, thông tin tín hiệu hướng dẫn…
Ở Việt Nam, tại các đô thị nói chung và nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có lượng người đi bộ lớn song đường dành riêng lại thiếu, vỉa hè nhỏ hẹp, mấp mô. Tính tiếp cận của các tuyến đường từ nhà đến các điểm giao thông công cộng còn chưa đồng bộ, cự ly xa. Đường trong ngõ, ngoài phố thiếu sự kết nối. Nhiều đoạn đường không có vỉa hè hoặc vỉa hè bị chiếm dụng làm kinh doanh, chỗ để xe… khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Việc bố trí chỗ sang đường tại một số tuyến phố cũng bất hợp lý, nhiều vị trí muốn sang đường người dân phải vòng rất xa. Đó là một trong những lý do khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm sang đường tùy tiện hoặc trèo qua lan can, dải phân cách.
Hầm bộ hành trên đường Khuất Duy Tiến lác đác một vài người qua lại |
Bên cạnh đó, cầu vượt, hầm đường bộ còn mất vệ sinh, hệ thống thoát nước, chiếu sáng kém, an ninh trật tự chưa đảm bảo, chỉ dẫn phức tạp khiến người dân e dè không tiếp cận. Nhiều chỗ sang đường trực tiếp không có hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu hoặc có thì bị hỏng, mất tác dụng. Hệ thống biển báo hiệu cũng không được quan tâm, bị che khuất, gây khó cho người điều khiển phương tiện quan sát nhường đường cho người đi bộ.
Anh Trần Văn Thao, một người lái xe ôm ở khu vực Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Đa phần người dân thường chọn băng qua đường là do hầm, cầu đi bộ đưa vào sử dụng được một thời gian là có dấu hiệu xuống cấp, mất vệ sinh, có nơi bị ngập nước khi trời mưa to, mưa lâu”.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hữu Trọng, một người dân sống gần khu vực cầu bộ hành trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) chia sẻ: “Điểm đặt cầu bộ hành ở đây chưa thực sự sát với yêu cầu thực tế. Cầu được xây dựng ngay cạnh nút giao Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu, nơi có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, nền đường có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ nên hầu hết người dân giữ thói quen đợi đèn tín hiệu giao thông thay vì sử dụng cầu bộ hành”.
Cô Nguyễn Thị Hoa, bán nước trên đường Lê Duẩn, Hà Nội nói thêm: “Ở một số cây cầu đi bộ, bậc thang được làm quá cao gây khó với người già, người khuyết tật. Bên cạnh đó, một số hầm, cầu đi bộ thành nơi trú ngụ của người vô gia cư, thành nơi để một số đối tượng rình rập đe dọa, trấn lột người đi bộ - cho dù tình trạng này giờ đã giảm hẳn nhưng người dân vẫn còn tâm lý e ngại”.
Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên nhân chủ yếu khiến một số hầm, cầu đi bộ chưa thu hút được người dân vẫn là do ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn chưa cao, thói quen tiện đâu đi đấy còn phổ biến. Với người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt, song mức xử phạt chưa đủ tính răn đe. Trên thực tế, lực lượng chức năng thường chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt và cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng để thực hiện giám sát 24/24 giờ để xử phạt.
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác khiến hầm và cầu bộ hành chưa thu hút người dân, đó là vì nhiều hầm đi bộ ở nước ta chỉ là công trình giao thông riêng rẽ, chưa có nhiều sự kết nối với các tòa nhà và chủ yếu phục vụ chức năng giao thông. Ở các nước phát triển, hầm đường bộ thường được kết nối với siêu thị, khu vui chơi, trung tâm thương mại, nhà ga, bãi đỗ xe... và tạo ra sức hút sử dụng hầm đi bộ đối với người dân.
Bên cạnh đó, đặc thù của hầm đi bộ là được xây dưới lòng đất nên không phải người đi bộ nào cũng dễ dàng quan sát thấy. Vì vậy, khi xây dựng hầm đi bộ, đơn vị thi công cần lắp thêm các biển chỉ dẫn, tăng cường tuyên truyền để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Ngoài ra, cần lắp đặt hệ thống camera giám sát ở tất cả các hầm và duy trì tốt sự hoạt động của hệ thống này, thậm chí cần lắp camera ở cả cầu đi bộ để giúp người dân an tâm hơn khi đi qua hầm lúc vắng người hoặc khi trời tối.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông, để nâng cao hiệu quả của hầm và cầu đi bộ, biện pháp quan trọng là cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cho người dân thấy cần phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Lực lượng chức năng có thể ghi lại những hình ảnh giao thông chưa đúng quy định để phục vụ công tác tuyên truyền; Đồng thời, có biện pháp xử lý hành chính quyết liệt, cứng rắn hơn.
(còn nữa)