Bài 4: Không chỉ là “nơi để trở về”…
Phát triển văn hóa đọc không chỉ là tặng sách cho trẻ Áo xanh tình nguyện khiến mùa thi không chỉ là chuyện riêng của các sĩ tử! An toàn thực phẩm: Không chỉ làm một tuần hay một tháng |
Hài hòa giữa lối sống truyền thống và hiện đại
Trước sự biến thiên của thời đại, những giá trị gia đình văn hoá truyền thống xưa gặp phải nhiều thách thức. Những nề nếp gia phong, nếp ăn, nếp mặc cùng lối sống thanh lịch của người xưa cũng đã dần bị mai một. Nhiều gia đình lựa chọn ra ở riêng với kiểu “gia đình hạt nhân” thay vì mô hình gia đình đa thế hệ “tam, tứ đại đồng đường".
Dẫu vậy, vẫn có những hộ gia đình giữ nếp sống chung bởi đối với họ hình ảnh gia đình Việt với ba, bốn thế hệ cùng sống dưới một mái nhà đã được khắc sâu trong tiềm thức với những gia trị truyền thống đạo đức cao đẹp.
Dưới mái nhà của gia đình Việt Nam từ ngàn xưa, luôn tồn tại mô hình ba, bốn thế hệ cùng chung sống. Đây là hiện thân của "tam, tứ đại đồng đường" - một mô hình gia đình đa thế hệ, thể hiện sự hòa thuận và gắn bó sâu sắc về tình cảm theo huyết thống.
Trong mô hình này, các thành viên không chỉ sống chung dưới một mái nhà mà còn có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau về cả vật chất lẫn tinh thần. Họ cùng nhau chăm sóc người già và giáo dưỡng thế hệ trẻ, tạo nên một cộng đồng nhỏ gắn kết chặt chẽ.
Mô hình gia đình Hà Nội truyền thống |
Theo nhiều chuyên gia, lợi ích lớn nhất mà tất cả các thành viên trong một gia đình đa thế hệ nhận được chính là tình cảm. Khi ông bà đến tuổi về hưu, việc ở nhà giúp con cháu một số công việc trong gia đình không chỉ giúp họ cảm thấy mình vẫn hữu ích mà còn tạo ra mối liên kết mạnh mẽ hơn với các thế hệ sau. Sự hiện diện của ông bà trong gia đình cũng mang lại niềm vui và sự an tâm, giúp người già yêu đời và có cuộc sống tinh thần phong phú hơn.
Đối với những người trẻ, việc sống chung với ông bà là cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Họ được giáo dục trong môi trường giàu tình cảm, biết yêu thương, quan tâm và chăm sóc những người lớn tuổi khi họ ốm đau. Điều này không chỉ giúp phát triển nhân cách mà còn tạo nên một thế hệ trẻ sống có trách nhiệm và giàu lòng nhân ái.
Gia đình cụ Vinh ở Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) và gia đình bà Lan ở Hàm Long (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là hai trong số những ví dụ điển hình về gia đình truyền thống "tứ đại đồng đường" và "tam đại đồng đường" tại Hà Nội. Những gia đình này vẫn giữ được lối sống sinh hoạt chung dưới một mái nhà, tạo nên không khí đầm ấm nhưng vẫn hài hòa giữa lối sống truyền thống và hiện đại ngày nay. Họ cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và các giá trị văn hóa gia đình, tạo nên một cộng đồng nhỏ gắn kết và vững mạnh.
Điểm tựa vững chắc trong cuộc sống
Ẩn sâu trong làng nghề miến dong xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội, là ngôi nhà của đại gia đình cụ ông Hà Văn Vinh, 89 tuổi. Gia đình cụ Vinh đã sống qua hơn 10 đời tại mảnh đất này và hiện nay vẫn duy trì lối sống chung với 15 thành viên. Cụ Vinh hiện nay tiếp tục kế thừa và duy trì những giá trị truyền thống và lối sống gia đình đa thế hệ này.
Chia sẻ về gia đình đông con cháu, cụ Vinh nói: “Đối với gia đình chúng tôi, giá trị truyền thống là điều quan trọng cần được gìn giữ và phát triển. Nếp sống chung và các gia phong gia đình đã được truyền dạy từ cha mẹ, ông bà và bây giờ tôi tiếp tục chỉ bảo con cái để giữ được truyền thống gia đình”.
Đại gia đình nhà cụ Vinh trong buổi mừng thọ |
Cụ Vinh chia sẻ thêm, để duy trì một gia đình đông người với nhiều thế hệ mà vẫn hòa thuận, cụ đã học được từ cha mẹ cách “quản lý” công bằng và kiên nhẫn. “Dẫu có chuyện gì xảy ra, cha mẹ chưa từng to tiếng, mềm mỏng hay quyết liệt đều đúng lúc. Mọi thành viên trong gia đình đều được đối xử công bằng, có ý thức trách nhiệm, nhường nhịn và yêu thương lẫn nhau”.
Thời buổi hiện nay, một gia đình “tam, tứ đại đồng đường” đã thay đổi nhiều so với trước kia để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, cụ Vinh cho rằng, dù hoàn cảnh thay đổi, nề nếp gia đình vẫn cần được giữ gìn. Song song với việc giữ gìn khuôn phép truyền thống, cũng cần cân bằng với thời đại mới tạo ra không gian đầm ấm, vui vẻ, thoải mái và đồng thời đảm bảo sự riêng tư cần thiết cho các thành viên.
Cụ Vinh nhấn mạnh, việc duy trì truyền thống không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhiều thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn và quyết tâm, cụ đã nỗ lực truyền đạt cho con cháu những bài học quý giá về sự đoàn kết, yêu thương và trách nhiệm.
Bữa cơm sum họp đầm ấm |
“Gia đình không chỉ là nơi để trở về, mà còn là nền tảng, là điểm tựa vững chắc trong cuộc sống của mỗi người” cụ nói.
Trong không khí ấm áp của gia đình, dưới mái nhà xưa cũ, cụ Vinh cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi nhìn thấy các thế hệ con cháu tiếp tục gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của gia đình.
Gìn giữ giá trị truyền thống trong gia đình hiện đại
Ngôi nhà 5 tầng nằm ngay đầu ngõ Hàm Long thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đến nay cũng đã hơn 70 năm tuổi. Đó là nhà của gia đình bà Tô Thị Lan (73 tuổi) cùng với 10 thành viên đang cùng sống chung dưới mái nhà suốt bấy nhiêu năm nay.
Người dân ở đây không ai không biết đến gia đình bà bởi lối sống truyền thống nhiều thế hệ, cùng những câu chuyện về gia đình tiêu biểu văn hoá với lề lối cách sống chuẩn mực, con cháu thuận hoà, đoàn kết.
Gia đình "tam đại đồng đường" của bà Lan |
Là một gia đình tam đại đồng đường còn giữ nguyên nét đẹp truyền thống của gia đình Việt, bà Lan chia sẻ rằng việc hài hòa các mối quan hệ giữa các thế hệ và giữ gìn những giá trị tốt đẹp về đạo đức, lễ nghĩa, văn hoá trong gia đình không phải là chuyện đơn giản. Nhờ vào những nét truyền thống gia đình từ xa xưa, được cha mẹ bà răn dạy lại mà bà vẫn tiếp tục duy trì đến ngày nay.
Chị Tô Huyền Anh, 23 tuổi, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố phường Phan Chu Trinh và cũng là cháu nội của bà Lan, cho biết: “Muốn xây dựng mối đoàn kết, gắn bó thôn xóm, bản thân và gia đình phải là tấm gương sáng thì khi làm việc nói bà con mới nghe và làm theo”. Sự tích cực tham gia công tác xã hội và gắn bó với các phong trào của thôn xóm của chị một phần lớn là nhờ vào sự động viên, khích lệ của các thành viên trong gia đình.
Chia sẻ thêm về việc sống trong một gia đình đa thế hệ, chị Huyền Anh cho biết: “Cách bà răn dạy con cháu chủ yếu dựa trên sự yêu thương các thành viên trong gia đình để cảm hoá, vừa tôn ti trật tự những vẫn gần gũi, yêu thương ấm áp vô cùng”. Gia đình tam đại đồng đường của bà Lan có 3 người con và 7 người cháu, với mỗi thế hệ có quan điểm sống khác nhau. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn hay khi dư dả, cả gia đình luôn hoà thuận, hạnh phúc và văn minh.
Chị Tô Huyền Anh luôn hoạt động tích cực công tác Đoàn để lan tỏa nét đẹp văn hóa người Hà Nội |
Để giữ gìn nếp nhà trong nhịp sống phát triển của thời đại, bà Lan chia sẻ rằng bà vốn là người sống truyền thống và luôn hướng về gia đình nhưng không cổ hủ. Bà cũng học hỏi từ con cháu để cải thiện bản thân và gia đình.
Bà Lan tâm sự: “Giờ là thời đại 4.0, tất yếu phải cùng phát triển với xã hội, không thể ôm khư khư những nếp sống xưa để áp đặt, sẽ gượng ép, gia đình khó bền vững hạnh phúc. Mỗi thành viên có công việc riêng, không nhất thiết phải gặp nhau hàng ngày, đôi khi chỉ cần một bữa ăn tối cùng nhau đã thêm gắn kết, yêu thương. Chuyện vui buồn đều được chia sẻ trong bữa cơm, để các thành viên hiểu nhau và cởi mở hơn”.
(Còn nữa)