Bài 4: Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu - hành trình miệt mài khôi phục và lan tỏa giá trị con giống bột
Bài 1: Nghệ nhân già bền bỉ với nghệ thuật độc đáo hát múa Ải Lao Bài 2: Cùng sân khấu thu nhỏ, con rối Việt đi khắp năm châu Bài 3: Nghệ nhân giữ sức sống làng nghề ngay tại sân nhà |
Tình yêu với hồn cốt quê hương
Những ngày đầu xuân năm mới, khi không khí lễ hội đang tưng bừng khắp Hà Nội, khi người người tìm về để gần hơn với những giá trị truyền thống xưa kia, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng tất bật với công việc của mình. Đó là những buổi workshop giới thiệu tò he, con giống Việt tới các bạn học sinh, sinh viên. Đó là những ngày trình diễn, hướng dẫn học sinh các trường làm tò he và chấm thi các sản phẩm con giống, tò he mà các bạn nhỏ thực hiện tại hội chợ xuân.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu hướng dẫn học sinh nặn tò he |
Tại các lễ hội truyền thống, tò he của vợ chồng anh cũng được đông đảo du khách thích thú, tìm mua. Trong khi đó, các sản phẩm con giống bột gắn với thương hiệu “Tò he Việt” của gia đình nghệ nhân Đặng Văn Hậu luôn luôn “cháy hàng”, làm không kịp cung cấp cho nhu cầu của người đặt mua.
Dù vậy, khi được hỏi về sản phẩm thủ công truyền thống gắn bó đặc biệt với người Việt này, nghệ nhân Đặng Văn Hậu không giấu nổi niềm tự hào, sôi nổi. Ánh mắt tràn đầy tình yêu và tâm huyết, Đặng Văn Hậu kể về những ngày thơ bé, khi được ông ngoại là nghệ nhân nổi tiếng Đặng Văn Hạ chỉ bảo tận tình về các kĩ thuật thực hiện cũng như các câu chuyện lịch sử của tò he.
Sống trong cái nôi của tò he, chứng kiến sản phẩm thủ công này đã nuôi sống cả làng vượt qua những năm tháng khốn khó, thời chiến tranh và cả thời hiện đại, tình yêu với con giống bột lớn dần lên trong anh, để ngay cả khi nhiều người trẻ trong làng không tiếp bước với nghề truyền thống thì anh vẫn quyết định gắn bó cuộc đời mình với bột, với màu.
Theo anh: “Hơn tất cả, điều làm những người làng Xuân La chúng tôi tự hào, là vì mình đang là người giữ gìn một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng”.
Thấm thoắt hơn 20 năm trôi qua, Đặng Văn Hậu đã nhận được nhiều giải thưởng cao từ các Hội chợ dành cho các làng nghề. Năm 2014, anh được Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội - Sở Công thương Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” và trở thành một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của làng nghề tò he Xuân La.
Du khách nước ngoài thích thú với các sản phẩm con giống bột |
Nói về tò he anh có thể nói cả ngày, bởi lẽ, không chỉ là những con giống với bột, với màu sắc, với hình dáng và đằng sau con giống bột là cả những câu chuyện dài về lịch sử của những nguyên liệu, hình dáng mà các nghệ nhân dân gian xưa đã sử dụng để tạo nên phong cách riêng của mình.
Bởi thế, con giống bột của Xuân La, Đồng Xuân hay Phố khách phong phú với hàng loạt các loại hình như Chim Cò, phẩm oản, 12 con giáp, Tứ phủ thánh cô, Tứ phủ thánh cậu, mâm ngũ quả, công, phượng, lục súc tranh công, đôi hài, thiềm thừ, tứ linh… chứ không chỉ riêng các con vật như chúng ta vẫn hình dung.
Riêng với dòng tò he Xuân La, trước kia các cụ dùng bột gạo tẻ, màu thực vật tự nhiên với nhiều bước, nhiều quy trình khác nhau tại nhà mới cho ra được sản phẩm để mang đi bán. Đến năm 1960, các cụ nghĩ ra cách làm bột bằng bột nếp với màu thực phẩm, dễ dàng tạo tác và mang bán tại nhiều nơi, lan tỏa tới cả cả miền Nam và các tỉnh thành khác trong cả nước.
Nâng tầm giá trị con giống bột
Khi đã gắn bó sâu đậm cuộc đời của mình với nghề, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu lại tiếp tục nhận ra những nhược điểm của con giống làng nghề Xuân La, đó là dễ bị mốc dẫn đến sản phẩm được người mua yêu thích không thể để được lâu, giảm bớt giá trị, anh đã mày mò, tìm tòi và nghiên cứu ra các phụ gia cho vào bột để những con giống này có đời sống dài hơn, mang đi được xa hơn tới bất cứ đâu.
Các sản phẩm con giống bột của nghệ nhân Đặng Văn Hậu |
Một điều vô cùng quan trọng, liên quan đến giữ gìn truyền thống và văn hóa Việt, đó là anh phát hiện và ý thức được rằng, tuy các nghệ nhân bắt kịp xu thế, chiều theo thị hiếu của khách hàng đồng thời mở rộng biên độ để tò he đến với đông đảo công chúng hơn nhưng việc sáng chế ra những hình dáng, nhân vật ngoại lai như Elsa, Spiderman, Iron man… cũng mang đến mặt trái là mất đi hình dáng, kỹ thuật nặn truyền thống.
Trong khi đó, con giống Việt trong quá khứ đã rất phong phú, đẹp mắt, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần hồn hậu, yêu cái đẹp của Nhân dân ta. Vì thế, từ năm 2012 anh đã có ý tưởng khôi phục các con giống bột đã bị thất truyền. Vừa làm vừa tìm hiểu, rất may, anh gặp được người chung chí hướng là nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh.
Với rất nhiều tài liệu từ viện Viễn Đông Bác Cổ, các tài liệu từ bảo tàng bên Pháp mà bạn bè của nhà nghiên cứu Trịnh Bách gửi về, những cuộc gặp gỡ tình cờ mang đến nhiều mẫu mã, tư liệu và những người còn có kí ức về con giống bột cổ truyền như Nhà sử học Dương Trung Quốc, những cá nhân từng sống ở phố cổ Hà Nội, hai chú cháu bắt tay dần dần khôi phục từng mẫu mã.
Có tư liệu đến đâu làm đến đó, đến nay, rất nhiều con giống bột cổ thất truyền được họ khôi phục như lục súc cá vàng tam sư , tứ linh được… công chúng vô cùng yêu thích. Người Hà Nội xưa nhìn thấy những con giống này thấy cả bầu trời kí ức ùa về, còn người trẻ và người Việt khắp cả nước thì vô cùng thích thú, ngưỡng mộ.
Bên cạnh đó, bằng hiểu biết, bằng con mắt của nhà nghề, anh còn cho ra đời nhiều sản phẩm con giống bột độc đáo, mang đậm tính dân gian có kỹ thuật và mỹ thuật cao như Chiếu chèo, Thị Màu lên chùa, Ngũ hổ, Tứ phủ thánh cậu, tố nữ… Sản phẩm theo chân anh tới khắp các khu du lịch, Hội chợ thủ công, talk show… tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng như trang Tò he Việt của anh lan tỏa tới đông đảo du khách quốc tế.
Đặc biệt, giá trị của con giống bột ngày càng được nâng lên khi không chỉ là những con tò he với mệnh giá chục nghìn mà còn lên tới tiền triệu. Chẳng hạn như đợt Tết vừa qua, các sản phẩm như Tứ linh, Tam Sư, Ngũ hổ thần quan… của anh khi đóng gói trọn bộ lên đến 1,5 triệu đồng mà vẫn không đủ để trả cho khách đặt hàng.
Chính vì thế, trong năm 2023 này, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết sẽ tiếp tục hành trình lan tỏa và nâng tầm giá trị con giống bột của mình khi mở thêm cơ sở tại TP Hồ Chí Minh để phục vụ khách phương Nam đồng thời giới thiệu được vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Hà Nội tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
(Còn nữa)