Bàn giải pháp phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội
Đưa hàng thủ công làng nghề Thủ đô lên "chợ ảo" Hà Nội: Cử tri kiến nghị đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch làng nghề xã Bát Tràng |
Tham dự tọa đàm có 100 hơn đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, chuyên gia nghiên cứu, nhà thiết kế, trường đại học liên quan đến lĩnh vực thiết kế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề...
Theo Ban tổ chức, Hà Nội từ lâu được biết đến là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt Nam. Đặc biệt sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, kinh tế của làng nghề nói chung, hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng. Những hoạt động này góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm |
Vì vậy, tọa đàm chính là dịp để các chuyên gia thảo luận, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề phát triển, đưa yếu tố thiết kế vào sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã. Đặc biệt có những sản phẩm mang tính riêng biệt đặc thù mà chỉ ở Hà Nội mới có như: Gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); Gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); Tò he Xuân La (Phú Xuyên); Sừng Thụy Ứng (Thường Tín)… Các sản phẩm đã có mặt ở nhiều nơi và được các nước, tổ chức, cá nhân đánh giá cao về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.
Các tầng lớp nghệ nhân, thợ thủ công đã được rèn giũa tay nghề từ đời này sang đời khác. Mẫu mã được cải tiến mà không làm mất đi phong cách truyền thống, đảm bảo về giá trị thẩm mỹ, về chất lượng. Việc duy trì các yếu tố văn hóa của sản phẩm đã đảm bảo phát triển bền vững của ngành nghề, làng nghề. Chính vì vậy, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề.
Đây là cơ hội để các đơn vị lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia về thiết kế sản phẩm làng nghề |
Bên cạnh đó, trong những năm qua, hệ thống chính sách hỗ trợ về phát triển nghề, làng nghề được các cấp, các ngành quan tâm triển khai đồng bộ. Cơ sở vật chất ở các làng nghề được tăng cường do có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cùng với sự đóng góp của Nhân dân nên hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch tại các làng nghề có sự ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, công tác quản lý làng nghề còn có nhiều chồng chéo, lãnh đạo một số địa phương chưa có sự quan tâm sâu sát để có định hướng, quy hoạch chung. Bởi vậy, các làng nghề vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm nguồn ra. Mặt khác, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nhiều bất cập, đặc biệt là về giao thông, vấn đề đảm bảo môi trường bền vững…
Ông Thành đề xuất, cần tiếp tục duy trì các cuộc thi thiết kế sản phẩm nhất là các sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch; Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; Thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực văn hóa – du lịch, trong đó có làng nghề và du lịch làng nghề.
Chương trình thu hút sự quan tâm của đại diện nhiều đơn vị |
Trình bày về “Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề - Tiếp cận mang tính đột phá”, ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng: Chuyển đổi số mang đến những trải nghiệm khác biệt và rất thú vị trong mua sắm; Đồng thời giảm những tác động tiêu cực. Vì vậy, ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch làng nghề.
Để phát triển các sản phẩm làng nghề, PGS.TS Đặng Mai Anh, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp kiến nghị: Cần có những chính sách từ phía Nhà nước và các cấp quản lý có chính sách, được đánh giá như một trong những sự thúc đẩy kinh tế địa phương; Có hoạch định và chính sách hỗ trợ trên các mặt: Công tác đào tạo, dạy nghề để luôn đảm bảo số người nối nghiệp, liên quan đến kế thừa và cải tiến kỹ thuật, thủ pháp, đảm bảo duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm; Nghiên cứu nguyên vật liệu và đảm bảo nguồn nguyên liệu…
Bên cạnh đó, chúng ta cần có những khung tiêu chuẩn với sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi tham gia vào cùng du lịch: Đẹp và thể hiện sự điêu luyện của tay nghề người thợ; Có tính công năng sử dụng; Có ý nghĩa nội dung văn hóa cao. Bên cạnh đó sản phẩm cần đa dạng, phong phú đáp ứng thị hiếu khách hành về chủng loại và sự lựa chọn.