Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh có xử lý vi phạm “vượt quyền”?
Từ cơ chế thí điểm
TP Hồ Chí Minh được biết đến là một trong những địa phương có mức tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Do đó, việc thành lập một cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm là điều cần thiết nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Tuy nhiên, từ khi thành lập cho đến nay (tháng 12/2016), bên cạnh những đóng góp của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là BQL ATTP) mang lại, thời gian gần đây, dư luận bất ngờ trước thông tin về việc BQL ATTP có dấu hiệu “vượt quyền” khi ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính dù không thuộc thẩm quyền.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh có đang "vượt quyền" khi ban hành hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính dù không thuộc thẩm quyền? |
Cụ thể, trong thời gian thực hiện mô hình thí điểm, BQL ATTP được giao nhiệm vụ của một cơ quan tương đương cấp Sở, có chức năng giúp UBND thành phố tổ chức thực thi pháp luật về ATTP trên địa bàn nhưng các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều lúng túng. Đặc biệt liên quan đến công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP vẫn bộc lộ những bất cập tại đơn vị.
Theo Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực ATTP hiện nay, BQL ATTP mới chỉ thực hiện công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, chưa có chức năng thanh tra hành chính. Việc xử lý vi phạm hành chính về ATTP trước đây BQL áp dụng theo chức danh tương đương. Tuy nhiên, hiện nay do các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi nên không còn chức danh tương đương (Nghị định số 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ không quy định chức danh tương đương) nên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính gặp khó khăn về cơ sở pháp lý.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn đó, tại Báo cáo tổng kết 6 năm thí điểm thành lập BQL ATTP, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm. Trong đó, UBND TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm; Sửa đổi, bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành tại Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập BQL ATTP nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của BQL trong công tác xử lý vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, đề xuất thành lập cơ quan thanh tra về ATTP để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; Thành lập mạng lưới các Đội Quản lý ATTP liên quận - huyện, chợ đầu mối trực thuộc Sở ATTP, có chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát ATTP, thanh kiểm tra xử lý vi phạm.
BQL ATTP không có chức năng ban hành quyết định xử phạt
Trước những kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh, đặc biệt liên quan đến thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của BQL ATTP, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các ý kiến của các đơn vị dự họp, ngày 3/11/2022, Bộ Y tế đã có văn bản số 6274/BYT-PC phản hồi UBND TP Hồ Chí Minh về việc xác định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính của BQL ATTP.
Bộ Y tế khẳng định, BQL ATTP chưa có chức năng thanh tra chuyên ngành nên khi phát hiện vi phạm phải có trách nhiệm lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ rồi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định |
Theo Bộ Y tế, căn cứ khoản 2 Điều 27 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, nếu công chức, viên chức của BQL ATTP được giao nhiệm vụ về quản lý ATTP trong quá trình thi hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao về lĩnh vực ATTP được xác định thuộc các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương thì có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực ATTP.
Tuy nhiên, để bảo đảm cơ sở pháp lý và tính chặt chẽ khi xác định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, UBND TP Hồ Chí Minh căn cứ Nghị định số 115/2018/NĐ-CP có văn bản giao nhiệm vụ lập biên bản vi phạm hành chính cho các công chức, viên chức cụ thể của BQL ATTP.
Đối với các công chức, viên chức khác của BQL ATTP cấp tỉnh không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thì khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ mà phát hiện vi phạm hành chính, những người này phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền theo quy định.
Còn về thẩm quyền xử phạt, Bộ Y tế cho rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020: Không có các chức danh liên quan đến BQL ATTP có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ có quy định các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt.
Đồng thời, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thanh tra thì việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành và giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các chức danh của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Hiện nay, BQL ATTP chưa được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nên khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao; Công chức, viên chức có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của BQL ATTP có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn thiện hồ sơ để BQL ATTP chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo quy định để xử phạt vi phạm hành chính”, văn bản Bộ Y tế nêu.
BQL ATTP có đang “vượt quyền”?
Sau khi tiếp nhận văn bản từ Bộ Y tế, ngày 7/11/2022, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản số 9690/VP-VX gửi BQL ATTP, cùng các Sở, ngành liên quan căn cứ Quyết định số 52/2021/QĐ-UBND của UBND thành phố về ban hành quy chế làm việc của UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021 - 2026; Đồng thời chuyển công văn nêu trên của Bộ Y tế để các đơn vị biết và phối hợp triển khai, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền phải có văn bản đề xuất tham mưu UBND thành phố theo quy định.
Chỉ ít ngày sau khi Văn phòng UBND thành phố có văn bản chỉ đạo, ngày 23/11/2022, BQL ATTP có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất xin được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho BQL.
BQL ATTP đề xuất xin được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính |
Văn bản BQL ATTP nêu: “Hiện nay, BQL chưa được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nên khi công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ được giao; Công chức, viên chức có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cần hoàn thiện hồ sơ và chuyển UBND thành phố để xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Nếu trường hợp UBND thành phố xét thấy để kịp thời và thống nhất một đầu mối công tác quản lý ATTP, BQL ATTP kính đề nghị UBND thành phố xem xét và có thể giao quyền cho Trưởng BQL ATTP thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính”.
Để có cơ sở pháp lý phản hồi cho BQL ATTP, ngày 24/11/2022, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã chuyển công văn của BQL ATTP đến Sở Tư pháp để hướng dẫn BQL ATTP thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật.
Ngày 2/12/2022, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 6062/STP-THPL phản hồi BQL ATTP về vụ việc.
Theo Sở Tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã xác định cụ thể chủ thể thực hiện giao quyền và người được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không có quy định, hướng dẫn về những trường hợp được mở rộng người được giao quyền như đề xuất của BQL ATTP. Bên cạnh đó, liên quan đến thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính của BQL ATTP, Bộ Y tế đã có ý kiến tại Công văn số 6274/BYT-PC ngày 3/11/2022, do đó, đề nghị BQL ATTP nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế để thực hiện.
Theo hồ sơ phóng viên có được, dù đang trong thời gian chờ xin chủ trương từ cơ quan có thẩm quyền, nhưng (trước, trong và sau thời gian đó - PV), BQL ATTP vẫn ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí, Trưởng BQL ATTP còn có văn bản giao quyền cho cấp dưới ra quyết định xử phạt, bất chấp việc cơ quan có thẩm quyền có đồng ý hay không.
Dù đang trong thời gian chờ xin chủ trương từ cơ quan có thẩm quyền nhưng trước, trong và sau thời gian đó, BQL ATTP vẫn ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bất chấp việc cơ quan có thẩm quyền có đồng ý hay không |
Đơn cử như ngày 23/11/2022, trong khi BQL ATTP vừa có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất xin ý kiến liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cùng ngày, cơ quan này đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp và người vi phạm.
Cụ thể, ngày 23/11/2022, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 750/QĐ-XPHC đối với Công ty CP Bình Minh Toàn Cầu, với số tiền 25 triệu đồng. Chỉ sau đó 2 ngày (ngày 25/11), bà Phạm Khánh Phong Lan tiếp tục có văn bản ủy quyền cho cấp dưới là ông Lê Minh Hải - Phó Trưởng ban ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Passio, với số tiền 25 triệu đồng.
Trước thông tin phản ánh của bạn đọc về việc BQL ATTP tự ý ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt có dấu hiệu vượt thẩm quyền, mới đây (ngày 12/5), UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn “khẩn” chỉ đạo BQL ATTP nghiên cứu văn bản, cung cấp thông tin cho báo Tuổi trẻ Thủ đô theo quy định, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện cho UBND Thành phố.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, phóng viên đã liên hệ BQL ATTP và để lại nội dung xác minh. Ngày 11/5, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, đã phân công phòng chức năng liên hệ làm việc. Tuy nhiên, đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này. |