Báo cáo giám sát cần đánh giá những sai phạm lớn trong phòng, chống dịch COVID-19
Thực hiện kết luận kiểm tra, giám sát là cơ hội để rà soát, khắc phục những tồn tại Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng thuốc |
Quang cảnh phiên họp |
Ngày 11/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau
Thay mặt Đoàn giám sát trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết: Công tác huy động nguồn lực được thực hiện chủ động, kịp thời, góp phần đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu. Các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và đóng góp dưới nhiều hình thức khác, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ công tác phòng, chống dịch về cơ bản đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. 100% huyện có trung tâm y tế; 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát trình bày báo cáo |
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, như pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch. Có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước.
Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự. Vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh, quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm chính trong các tồn tại, hạn chế. Đoàn giám sát đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm với 27 bài học cụ thể, cùng với việc đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và tổ chức thực hiện.
Đề nghị làm rõ hơn về các “chuyến bay giải cứu”, kit xét nghiệm Việt Á
Phát biểu gợi mở một số vấn đề thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn, nên phải nhìn nhận rõ thực trạng, đánh giá những hạn chế, tồn tại, yếu kém, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan để có biện pháp khắc phục khả thi trong thời gian tới. Giám sát phải gắn với trách nhiệm.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, trong báo cáo giám sát chưa làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung này, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể về các địa phương, cơ quan, đơn vị còn tồn tại, hạn chế; do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, 2 sai phạm lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 là vụ “chuyến bay giải cứu” và vụ kit xét nghiệm Việt Á cũng không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, tuy nhiên báo cáo chưa thấy đề cập rõ.
Đối với nội dung về nguyên tắc phân định giữa khám, chữa bệnh và y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải trình rõ cơ sở đề xuất sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để chi cho y tế dự phòng.
Về y tế cơ sở, tình hình phát triển còn nhiều vướng mắc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ngành y tế hay thuộc về các địa phương, đề xuất mô hình, hệ thống, biên chế của y tế cơ sở ra sao để khắc phục những tồn tại hiện có, từ đó đưa ra định hướng cụ thể để triển khai trên phạm vi cả nước.
Liên quan những kiến nghị của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng một số đề xuất còn thiếu cơ sở chính trị, một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc các cơ quan khác, một số vấn đề nằm ngoài phạm vi giám sát như việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, việc nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế… sẽ nằm trong các nội dung công việc khác đang triển khai như sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, cải cách tiền lương…
Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu lại các đề xuất để bảo đảm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ, vững chắc, cụ thể, đúng phạm vi giám sát, đúng thẩm quyền.