Bảo hiểm thất nghiệp: Chỗ dựa cho nhiều người lao động Ninh Thuận
Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận |
Số liệu thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho thấy, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng 5 đến tháng 6/2020 là 767 người, nâng tổng số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay là 2.724 người, tăng 50,74% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, lao động trong tỉnh là 1.455 người, lao động làm việc ngoài tỉnh 1.269 người, tăng lần lượt là 52,51% và 48,76% so với cùng kỳ. Số người có quyết định được phê duyệt hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 2.378 người với tổng số tiền hơn 31, 9 tỷ đồng, tăng 79,40% so với năm 2019.
Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Với tinh thần trách nhiệm cao, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, rà soát hồ sơ, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hoặc tính sai mức tiền hưởng, mức thời gian hưởng. Qua đó cho thấy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực hiện tốt vai trò là “điểm tựa” cho người thất nghiệp, là “cứu cánh” của nhiều lao động mất việc trong thời điểm khó khăn.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận cho hay, người lao động thất nghiệp có việc làm nhưng không trung thực thông báo về tình trạng việc làm, dẫn đến trục lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra. Do vậy, người được hưởng trợ cấp thất nghiệp có nghĩa vụ hàng tháng phải thông báo với Trung tâm về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm sẽ giới thiệu khóa học nghề phù hợp và giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp tìm kiếm việc làm. Trường hợp trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động tìm được việc làm thì phải thông báo ngay cho Trung tâm - nơi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đang ngồi chờ đến lượt để nhận tiền hỗ trợ BHTN, chị Nguyễn Thị Mỹ (Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Cuối năm 2019, chị xin nghỉ việc. Thu nhập không ổn định lại nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống của gia đình càng thêm khó khăn. Nhờ số tiền hỗ trợ hơn 2 triệu đồng/tháng từ BHTN giúp chị trang trải thêm chi phí sinh hoạt. Hiện chị vẫn phụ giúp gia đình bằng những công việc thời vụ tại địa phương và kiên trì, chờ đợi để tìm được một công việc ổn định hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi người lao động (NLĐ) đến làm hồ sơ nhận chế độ BHTN, Trung tâm sẽ tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho NLĐ. Trường hợp NLĐ chưa tìm được việc làm thích hợp hoặc không có nhu cầu học nghề thì trung tâm sẽ giải quyết hồ sơ, thủ tục để NLĐ hưởng chế độ BHTN.
Điều kiện hưởng chính sách BHTN là NLĐ làm việc đủ từ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng, cứ làm thêm 1 năm thì được hưởng thêm 1 tháng, tối đa không quá 12 tháng. Chung niềm vui với chị Mỹ, chị Hồ Kim Thoa, công nhân may vui mừng cho biết: Không chỉ được hỗ trợ tiền BHTN, trong thời gian thất nghiệp chị còn được hưởng bảo hiểm y tế cũng như được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí nửa.
Để giúp NLĐ được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ cũng như sớm tìm kiếm được việc làm ổn định, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội cho NLĐ và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đóng BHTN trên địa bàn tỉnh....
Bên cạnh đó, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần chủ động thực hiện đầy đủ các thủ tục về BHTN, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, giảm bớt khó khăn cho NLĐ khi mất việc. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tiếp nhận trên 1.690 hồ sơ của NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 1050 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 26,05% so với cùng kỳ năm 2019) với số tiền được hỗ trợ trên 14,4 tỷ đồng. Các ngành nghề bị ảnh hưởng trong mùa dịch Covid-19 chủ yếu là may mặc, du lịch...
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cũng tiếp tục cập nhật số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường lực lượng để giải quyết hồ sơ cho người lao động kịp thời, đồng thời tư vấn giới thiệu việc làm để người lao động sớm quay lại thị trường lao động góp phần vào phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19; Tiếp tục triển khai những vấn đề phát sinh, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong quá trình tổ chức, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đến tập thể, viên chức, nhân viên Phòng Bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời cập nhật và thực hiện có hiệu quả.
Sau 11 năm triển khai BHTN trở thành chỗ dựa cho nhiều NLĐ tỉnh Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung khi lâm vào tình trạng mất việc làm, giúp họ vượt qua khó khăn trong thời gian chờ tìm được việc làm mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Có thể nói BHTN là chính sách rất nhân văn của Nhà nước, đặc biệt là trong thời điểm NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.