Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường
Phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng vùng dân tộc thiểu số
Quốc Oai trở thành một trong 5 địa phương có đông người dân tộc Mường sinh sống tập trung của Thủ đô. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện Quốc Oai quan tâm.
Quốc Oai hiện có 7.143 người DTTS, trong đó người Mường chiếm gần 80%, sống tập trung ở 2 xã miền núi là Phú Mãn và Đông Xuân. Đối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc cụ, mà còn mang giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống.
Các đội cồng chiêng và dân ca của huyện Quốc Oai |
Từ năm 2016 đến tháng 10/2022, huyện Quốc Oai đã thực hiện có hiệu quả Đề án số 12 về bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Trong đó, huyện đã mở được nhiều lớp tập huấn, truyền dạy cồng chiêng cho hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã Đông Xuân và Phú Mãn.
Nhờ đó đến nay, 2 xã này đã thành lập được 12 đội cồng chiêng và dân ca. Đặc biệt, thôn Lập Thành, thôn Cửa Khâu (xã Đông Xuân) và thôn Đồng Vỡ (xã Phú Mãn) thành lập được Câu lạc bộ cồng chiêng trẻ với các thành viên trong độ tuổi học sinh phổ thông.
Nhằm tạo điều kiện cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Quốc Oai cũng trang bị 18 bộ cồng chiêng cho hai xã (mỗi thôn 1 bộ), trang bị trang phục truyền thống cho hai đội cồng chiêng, dân ca nòng cốt của hai xã.
Đồng thời, địa phương này cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để người dân tộc Mường giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa đến đông đảo công chúng.
Các đội cồng chiêng còn tham gia biểu diễn tại các sự kiện do xã, huyện tổ chức. Việc sân khấu hóa cồng chiêng đã góp phần phổ cập, quảng bá đến đông đảo quần chúng Nhân dân.
Hàng năm, UBND huyện Quốc Oai còn tổ chức hội thi như: Nét đẹp bản Mường; biểu diễn cồng chiêng, dân ca; thể thao dân tộc thiểu số... thu hút đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia và cổ vũ, góp phần giáo dục ý thức cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ người Mường ở Quốc Oai.
Trong thời gian qua, đời sống văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển nhanh và khá vững chắc.
Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển, các lễ hội, các hội thi văn hóa - văn nghệ được tổ chức ngày càng lớn và phong phú về hình thức thể hiện. Đặc biệt thế hệ trẻ có ý thức quan tâm hơn tới những nét đẹp trong văn hóa truyền thống mà cha ông đã vun đắp.
Tập huấn cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022
Cùng với đó, chính quyền các xã có đồng bào dân tộc cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống như: Tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm; Hội Xuân với nhiều trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ…; Lồng ghép hoạt động văn hóa dân gian trong các ngày hội, đại hội thể dục thể thao…
Đặc biệt, xã Phú Mãn đã tổ chức Hội thi biểu diễn cồng chiêng và dân ca, trưng bày sản phẩm đặc trưng dân tộc Mường.
Ngày 22/10/2022, tại Hội trường UBND xã Phú Mãn, UBND huyện Quốc Oai tổ chức lớp tập huấn cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số đợt 2/2022. Đây là hoạt động nằm trong Đề án số 12 của UBND huyện về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường huyện Quốc Oai, chuyên mục: Văn hóa cồng chiêng Mường.
Nghệ nhân Bùi Thanh Bình hướng dẫn cách sử dụng cồng chiêng có bài bản và đúng kỹ thuật cho các đội bảo tồn của các xã miền núi huyện Quốc Oai |
Tại lớp tập huấn, các học viên được giảng viên Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường Hòa Bình giới thiệu đặc trưng của cồng chiêng Mường, sự gắn bó mật thiết giữa cổng chiêng với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mường.
Ngoài ra, hướng dẫn các giai điệu chính của cồng chiêng, các hợp âm, cách diễn tấu cồng chiêng và những bài chiêng cổ của dân tộc Mường; Hướng dẫn kỹ thuật chỉnh sửa về tiết tấu, tư thể cầm chiêng, đánh chiêng cũng như sắc thái biểu cảm khi trình diễn, cụ thể ở một số bài chiêng cổ như: “Đi đường”, “Bông trắng bông vàng", các điệu "Loảng 3", "Loóng 4"...
Thông qua tập huấn nhằm cổ vũ và đẩy mạnh phong trào gìn giữ bản sắc văn hóa cồng chiêng của người Mường; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bảo dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai.
C ác hoạt động tập huấn nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vốn có của đồng bào dân tộc Mường, giúp đồng bào truyền giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và cũng là cơ hội để bà con thể hiện, giới thiệu những nét đẹp của cồng chiêng Mường; Là dịp giao lưu, học hỏi với các đội bảo tồn khác, địa phương khác trong huyện; Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai.