Biết ơn sự hy sinh, trân trọng nền hòa bình
Mang "Tết đoàn viên" đến nơi tuyến đầu, vùng cao, biên giới Mang "ấm áp" tới đồng bào vùng cao Triển lãm ảnh trực tuyến “Xuân biên giới - Tết hải đảo” năm 2022 |
Cuộc chiến phi nghĩa
43 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày tháng chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 vẫn còn vẹn nguyên đối với nhiều người dân và người lính tham gia bảo vệ biên giới lãnh thổ phía Bắc của Tổ quốc.
Trong cuộc chiến, 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta bị san phẳng. Nhiều hành động hằn vết trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam. Theo tài liệu ghi chép, ở thị xã Lạng Sơn, 100 đồng bào đều là người già, phụ nữ và trẻ em cũng đã bị giết. Còn ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng), 43 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em bị giặc sát hại rồi vứt xác xuống giếng, lấy đá lấp lại; Hang Pác Bó - Di tích lịch sử, văn hóa linh thiêng của dân tộc Việt Nam bị đặt mìn…
Trong cuộc xâm lược 1 tháng 1 ngày (từ 17/2 - 18/3/1979), 330 làng bản, 735 trường học, 428 bệnh viện và trạm xá, 41 nông trường, 38 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ, 800 ngàn héc-ta lương thực, hoa màu bị phá hủy hoàn toàn. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa.
Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 35, Trung đoàn đặc công 198 họp bàn kế hoạch tác chiến ở mặt trận Lạng Sơn, tháng 3/1979 (Ảnh: Trần Mạnh Thường) |
Thượng úy Nguyễn Xuân Đệ, cựu chiến binh Sư đoàn 356, người tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại mặt trận nóng bỏng Vị Xuyên, hiện ở thành phố Hà Giang, kể: "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử".
Lời thề ấy của liệt sĩ được Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Viết Ninh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 khắc ghi trên báng súng đã trở thành phương châm sống, chiến đấu của những người lính Vị Xuyên.
Trên chiến trường, quân ta bám trụ từng điểm cao, từng tấc đất, mỏm đá. Có những quả đồi diễn ra hàng chục trận đánh giành đi, giật lại giữa ta và địch. Không một hòn đá, không một mét đất nào không thấm máu người lính Việt Nam. Quả đồi Đài do đạn pháo dội vào mà bị phạt sâu hơn 1m, trắng xóa như vôi nên còn có tên gọi là "Lò vôi thế kỷ."
Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống, nhiều người bỏ lại một phần cơ thể nơi rừng sâu núi thẳm, ông Nguyễn Xuân Đệ nhớ lại.
Bằng tinh thần yêu nước quả cảm, bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc đến cùng của dân tộc Việt Nam đã chiến thắng một kẻ thù sừng sỏ.
Hơn cả cuộc chiến là tinh thần quả cảm của dân tộc
Trong hồi ức của vị tướng già - chuyên gia Liên Xô - Thiếu tướng Viktor Demyanenko, nhiều tỉnh ở biên giới phía Bắc chỉ còn đống hoang tàn đổ nát. Người dân đã mất tất cả nhà cửa, nhiều người mất người thân.
“Chiến thắng trong cuộc chiến tranh ấy theo tôi là công đầu của tinh thần quả cảm, quyết tâm của Quân đội Việt Nam. Tôi còn nhớ lực lượng chiến đấu ở các địa phương này chủ yếu là dân quân tự vệ nhưng họ đã thể hiện lòng dũng cảm và hy sinh cao nhất để chống lại quân xâm lược… cho dù với vũ khí hay chuyên gia thế nào, thì cũng chỉ có lòng quả cảm, tinh thần yêu nước, quyết tâm sắt đá bảo vệ lãnh thổ của Quân đội Việt Nam mới đẩy lùi được quân xâm lược”, Thiếu tướng Viktor Demyanenko khẳng định.
Cho đến bây giờ, chị Nguyệt Nga, ở thành phố Lạng Sơn vẫn không quên những ngày tháng ấu thơ “chạy giặc”. Chị Nga chia sẻ: “Sự hoảng sợ của một đứa con nít khi thấy chiến tranh hiện diện rõ ràng đến thế vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Tiếng đạn pháo ngày càng gần, người lớn hối hả thu dọn đồ đạc và kéo những đứa trẻ ra khỏi nhà, ngoài đường thực sự hỗn loạn.
Ga tàu đông nghẹt người, những gương mặt lo âu căng thẳng, tiếng khóc của trẻ con, tiếng gọi thảng thốt của các bà mẹ... mọi người cố gắng bằng mọi cách rời khỏi thị xã một cách nhanh nhất... Gia đình tôi không thể chen lên tàu nên đành di chuyển bằng xe đạp. Mọi đồ đạc đành để lại chỉ gói ghém chút ít quần áo để mang theo.
Ở nơi sơ tán tôi nghe đài báo tình hình chiến sự căng thẳng từng ngày. Rất nhiều bộ đội đã hi sinh để bảo vệ biên giới. Tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ và hôm nào cũng khóc.
Một năm sau tôi được bố mẹ đưa trở về. Tôi không nhận ra thị xã xinh đẹp của mình nữa, mọi thứ đổ nát ngổn ngang. Chiếc cầu Kỳ Cùng bị đánh sập, quán chợ Kỳ Lừa nổi tiếng cũng ko còn gì, những ngôi nhà xinh đẹp có kiến trúc kiểu Pháp cũng bị đạn pháo phá tan tành.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi ở đạn găm lỗ chỗ, mọi thứ thật tan hoang và điêu tàn. Trái tim trẻ thơ của tôi thấy đau nhói. Tôi nhớ thị xã xinh đẹp yên bình trước kia…".
Trong chiến tranh không phải lúc nào kẻ mạnh cũng thắng kẻ yếu, nhất là khi chính nghĩa không thuộc về phe mạnh. Suốt những ngày chiến tranh ác liệt đó, kể cả khi cục diện chiến trường hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, có lẽ điều không bao giờ được nhìn thấy ở các sĩ quan, người dân Việt Nam là dấu hiệu nghi ngờ nào vào chiến thắng!
Cuộc chiến kéo dài đã khiến hơn 20.000 người lính hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Hàng ngàn người dân thường ở các xã giáp biên bị lính giết hại hoặc chết do đạn pháo… Vượt lên trên tất cả, thế hệ đang được hưởng nền hòa bình hôm nay biết ơn sự hy sinh quả cảm của những người lính đã ngã xuống.
“Hôm nay tôi viết những dòng này với lòng biết ơn những người lính đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất mà tôi đang sống, với hy vọng ai đó sẽ đọc bài viết này và nhớ về sự hi sinh của họ, để biết rằng sự hy sinh đó không vô nghĩa”, chị Nga tâm sự trên trang nhật ký trực tuyến.
Một góc thành phố Lạng Sơn ngày nay (ảnh BCP) |
Giờ đây các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng... giờ đã thay da đổi thịt. Bộ mặt thành thị, nông thôn của các tỉnh biên giới phía Bắc từng bước theo kịp với sự phát triển chung của cả nước.
Đặc biệt, kinh tế cửa khẩu từng bước khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh này, mở ra cơ hội lớn để tỉnh phát huy lợi thế về các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ. Việc xây dựng nền tảng “cửa khẩu số” được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao đáng kể lợi thế cạnh tranh của các tỉnh, từ đó tạo đà cho những bước phát triển nhảy vọt trong thời gian tới.
Để có được những kết quả đáng tự hào trong công cuộc đổi mới, mỗi người dân của các tỉnh biên giới phía Bắc và Nhân dân cả nước mãi mãi biết ơn sự hi sinh của các anh hùng dân tộc Việt Nam.
Hằng năm, khi những bông hoa đào vẫn còn bung sắc cuối vụ dọc biên giới thì dưới bầu trời vùng biên ải của Tổ quốc, màu xanh của bình yên vẫn ôm trọn cuộc sống êm đềm, ấm no của người dân nơi đây.
Những khung cảnh bình yên ấy không làm chúng ta quên đi một thời những người đã "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử" để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, hy sinh vì độc lập, tự do, vì một biên cương hòa bình.