Bình Quới - Thanh Đa đìu hiu sau 30 năm quy hoạch
Dù chỉ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh chưa đầy 7km nhưng bán đảo Bình Quới - Thanh Đa như một vùng quê thu nhỏ |
Từ quy hoạch siêu đô thị...
Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa là khu vực có vị trí chiến lược, được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Đây là khu vực duy nhất của TP Hồ Chí Minh còn quỹ đất trống lớn có khả năng đầu tư phát triển khu đô thị trong bán kính 10km so với khu trung tâm.
Năm 1992, UBND TP Hồ Chí Minh quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa trở thành một siêu đô thị hiện đại với nhiều khu phức hợp, kết hợp giữa thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch với diện tích khoảng 427ha.
Đến năm 2004, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000; sau đó, tiến hành thu hồi đất và giao cho một công ty triển khai dự án, song vì một số lý do dự án không thể triển khai.
Đến nay, dù đã trải qua hơn 3 thập kỷ và nhiều lần thay đổi nhà đầu tư nhưng dự án vẫn chưa được thực hiện do quy mô quá lớn, tổng vốn đầu tư cao, giải phóng mặt bằng phức tạp.
Con đường làng chiều ngang chưa đầy 2m chen lấn với những đám cỏ dại |
3 thập kỷ mòn mỏi đợi chờ
Giữa cái nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp đến bán đảo Bình Quới - Thanh Đa - một vùng quê giữa lòng thành phố.
Gọi là vùng quê bởi lẽ ở đây không có những tòa nhà cao tầng hiện đại, cũng không có đường sá rộng rãi và người dân ở đây đa phần sống bằng nghề nông.
Đi trên con đường đã bong tróc chỉ rộng khoảng 1m, ông Nguyễn Văn Phước (61 tuổi) phải nép vào bên trong để tránh xe va quẹt. Con đường như ở vùng quê xa xôi hẻo lánh. Nhiều lần được đi các tỉnh miền Tây, nhìn thấy đường sá rộng rãi, sạch đẹp, ông Phước chợt thấy chạnh lòng cho hoàn cảnh của bà con sống trên bán đảo.
“Ở thành phố mà đường còn thua ở quê”, ông Phước lắc đầu nói.
Đa số người dân trên bán đảo đều sống bằng nghề trồng trọt |
Theo ông Phước, đô thị hiện đại “chỉ nghe chứ chưa thấy”, bởi lẽ hơn 30 năm qua, ông cùng hàng nghìn người dân trên bán đảo Bình Quới - Thanh Đa phải sống chung với quy hoạch “treo”, có đất nhưng không thể làm giấy chủ quyền, muốn tách cho con cũng là điều không thể.
“Nhà tôi nhiều thế hệ phải sống chung trong căn nhà bé xíu. Muốn bán đất thì phải bán với giá rẻ mạt; muốn tách chia cho con cái cũng không được”, ông Phước thở dài.
Chỉ tay về mảnh đất sau nhà, ông Phước cho biết, đó là nơi ông trồng cây cảnh để bán kiếm sống qua ngày. Theo ông Phước, người dân trên bán đảo sống chủ yếu bằng nghề nông vì đất nông nghiệp không thể làm được gì khác.
“Trước ở đây trồng lúa nhưng chuột bọ phá quá toàn bị mất mùa nên dần không còn ai làm lúa mà chuyển sang trồng dừa, mía, rau để bán kiếm sống”, ông Phước chia sẻ.
Hơn 3 thập kỷ quy hoạch, hạ tầng ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa còn thua ở quê |
Ao tù nước đọng |
Cách nhà ông Phước không xa là nhà bà Nguyễn Thị Phẩm (60 tuổi). Nhà bà Phẩm có hơn 700m2 đất, đa phần là đất nông nghiệp. Tận dụng đất sẵn có, hàng ngày bà Phẩm trồng rau muống, rau má, rau lang… và thả cá để kiếm “đồng ra đồng vô”.
“Ngày cắt rau ra chợ bán kiếm được 70.000 - 100.000 đồng. Ở đây như đồng quê, chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi chứ biết làm gì sống”, bà Phẩm nói.
Những vườn cây tại khu bán đảo |
Theo bà Phẩm, hơn 30 năm nghe nơi đây quy hoạch thành khu đô thị mới, xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, đầy đủ chức năng nhưng chờ hoài không thấy. Hơn 30 năm cũng là ngần ấy thời gian người dân nơi đây phải sống trong cảnh tạm bợ, khó khăn, hàng loạt những quyền lợi liên quan tới sở hữu nhà, đất như xây cất, sửa chữa, tách thửa, cho, tặng… đều không thể thực hiện.
“Cũng không biết quy hoạch tới khi nào hết “treo” chứ dân ở đây mỏi mòn chờ đợi khu đô thị. Đợi hơn nửa đời người rồi vẫn dính với chữ “treo””, bà Thẩm thở dài, nhìn xa xăm.
Sau 30 năm được quy hoạch, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa trở nên bần hàn, trái ngược phía bên kia sông là cuộc sống đô thị sôi động |
Cuối năm 2023, TP Hồ Chí Minh đã có động thái khởi động lại dự án này bằng việc tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Yêu cầu chung được TP Hồ Chí Minh đặt ra là bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ trở thành khu đô thị sinh thái bền vững, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Sau khi có kết quả, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo lựa chọn các nội dung quan trọng để đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh.
Hy vọng đợt thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa lần này sẽ có kết quả tốt đẹp để người dân không phải sống mỏi mòn chờ đợi với những khó khăn chồng chất cũng chỉ vì 3 chữ “quy hoạch treo”.