Bỏ khung giá đất để giải quyết tắc nghẽn trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng
Chiều 14/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm góp ý cho nội dung định giá đất.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, đất đai là vấn đề mà Nhân dân và nhiều cử tri phản ánh, than phiền, khiếu kiện nhiều nhất. Ở Việt Nam, hầu hết tỷ phủ giàu lên rất nhanh nhờ đất hoặc liên quan đến đất. Nhiều vụ tham ô lớn đều liên quan đến đất, qua đó đã nói lên sự cấp thiết phải sửa đổi Luật này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận |
Đi vào các nội dung cụ thể, ông Trí nêu quan điểm, việc bỏ khung giá đất, bỏ khung giá quyền sử dụng đất là rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù, giải tỏa mặt bằng khi thực hiện dự án.
Tuy vậy, để bỏ khung giá đất thì Luật này cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá đất để bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả. Đồng thời, cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất.
Liên quan đến việc chia đất, phân lô, bán nền, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, đây là một cách làm lạc hậu, gây tốn kém quỹ đất, dễ tiêu cực, đặc biệt là xây dựng lô nhô, lắt nhắt, phá vỡ cảnh quan, phá vỡ quy hoạch.
Vì thế, ông Trí đề nghị, sửa Luật Đất đai lần này phải cùng với việc sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng để chấm dứt "kỷ nguyên" nhà ống bất hợp lý, mất mỹ quan và rất tiêu cực. Với các đô thị lớn, cần lưu ý sửa Luật này phối hợp với Luật Quy hoạch để có thêm đất không gian ngầm…
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) thì cho rằng, qua tổng kết thực tiễn gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của luật này. Do giá đất cụ thể được UBND cấp tỉnh xác định luôn thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường nên đã làm phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tình trạng này không những không giảm mà còn tăng lên.
Nhưng tại dự thảo vẫn tiếp tục quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể, trong khi các quyền khác vẫn giữ nguyên như Luật Đất đai hiện hành, như quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; quyền chuyển mục đích sử dụng đất, quyền thu hồi đất. Trong khi đó, dự thảo chưa có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất bảo đảm tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên theo như tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.
“Do đó, sẽ khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất”, đại biểu Thạch Phước Bình băn khoăn.
Đại biểu nhấn mạnh, nguyên tắc chung việc định giá đất là giảm tối đa cơ hội mà cán bộ có thể lạm quyền. Thực tiễn cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai làm gia tăng căng thẳng xã hội, đó là do thiếu hài hòa lợi ích trong chính sách đền bù, thu hồi đất, kẻ được, người mất quá chênh lệch.
“Cội nguồn của tình trạng này là giá trần của bảng giá đất Nhà nước ban hành chưa phản ánh giá trị thực tế của đất, chưa tính đến biến động liên tục của thị trường, cán bộ lạm quyền nhằm vụ lợi, nhà đầu tư thì vung tiền thâu tóm đất giá rẻ rồi bỏ hoang, hoặc mua đi bán lại khiến giá bất động sản tăng cao nhưng không tạo ra giá trị cho nền kinh tế, người dân thì chịu thiệt khi phải bàn giao đất”, ông Bình lưu ý.