Các nước mạnh tay xử lý vi phạm phòng, chống dịch Covid-19
Không đeo khẩu trang có thể bị phạt 1.000 đô la Singapore
Tính trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến hết tháng 3/2021, đảo quốc sư tử đã xử phạt trên 9.600 cá nhân và doanh nghiệp vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Trong số đó, 7.500 người bị phạt vì vi phạm các quy định về giãn cách xã hội và những biện pháp an toàn nơi công cộng; 1.800 người bị phạt vì không đeo khẩu trang. Ngoài ra, Bộ Nhân lực Singapore cũng đã kiểm tra hơn 38.000 nơi làm việc và đã xử phạt trên 300 công ty vi phạm.
Không đeo khẩu trang bị xử phạt nặng tại Singapore (Ảnh: Reuters) |
Tổng số tiền xử phạt chưa được công bố, tuy nhiên, chỉ tính riêng năm 2020 (từ tháng 4 - 12/2020), nhà chức trách Singapore đã xử phạt 8.600 trường hợp, thu ngân sách hơn 2,5 triệu đô la Singapore. Cá nhân vi phạm giãn cách xã hội hay không đeo khẩu trang bị phạt 300 SGD (khoảng 5 triệu đồng), nếu tái phạm sẽ bị phạt 1.000 SGD (gần 17 triệu đồng).
Với các lao động nước ngoài vi phạm quy định phòng dịch Covid-19, hình thức phạt nhanh chóng và mạnh nhất là cắt giấy phép lao động, tức là phải về nước.
Hiện gần 80% dân số Singapore đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19. Do đó, đảo quốc sư tử đang dần nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc và việc đến thăm nhà nhau được giới hạn trong phạm vi 5 người. Chính phủ Singapore cũng quy định rõ ràng về số lượng người được phép có mặt cùng lúc tại những điểm tham quan, trung tâm thương mại, phòng gym, đám cưới, đám tang hay các sự kiện trực tiếp khác.
Công khai tên người vi phạm quy định chống dịch
Vào hồi đầu tháng 8, Bộ Y tế Nhật Bản đã công bố tên 3 công dân vi phạm quy định cách ly sau khi trở về từ nước ngoài. Cả ba người bị cáo buộc cố tình né tránh liên lạc với giới chức y tế sau khi nhập cảnh.
Theo quy định, toàn bộ người nhập cảnh Nhật Bản phải tự cách ly hai tuần sau khi đến nước này. Họ cũng phải dùng ứng dụng theo dõi vị trí và thường xuyên thông báo tình trạng sức khỏe cho nhà chức trách.
Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh tại sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Reuters) |
Động thái này đánh dấu lần đầu tiên giới chức Nhật Bản áp dụng biện pháp bêu tên những người không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 sau khi đã đưa ra nhiều cảnh báo trước đó.
Giới chức Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục bêu tên người vi phạm cam kết trong những trường hợp mà họ nghi là có ý đồ xấu.
Nước này từng nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng các biện pháp phòng, chống Covid-19 thường chỉ mang tính khuyến cáo, phụ thuộc vào ý thức của người dân. Không ít người đã tỏ ra chán nản với yêu cầu ở nhà, nhiều quán bar từ chối tuân thủ khuyến cáo hạn chế phục vụ của giới chức.
Gia tăng xử phạt vi phạm phòng, chống Covid-19
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới Covid-19 trong 50 ngày qua luôn ghi nhận ở mức 4 con số, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên trên 240 nghìn trường hợp.
Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết các vụ lây nhiễm tập thể, cùng với những ca bệnh không rõ nguồn lây đang khiến cuộc chiến chống dịch bệnh của nước này trở nên khó khăn hơn. Các ca bệnh nhiễm biến thể Delta rất dễ lây lan cũng làm cho nỗ lực chống dịch rơi vào tình thế phức tạp. Trong tuần qua, Hàn Quốc đã thông báo 3.062 ca nhiễm biến thể mới và 99% trong số đó nhiễm biến thể Delta.
Bên cạnh việc kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, Chính phủ Hàn Quốc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.
Theo đó, các trường hợp vi phạm về giãn cách xã hội có thể nhận quyết định xử phạt tối đa 3 triệu won (tương đương 58 triệu VNĐ). Nếu bệnh nhân không khai báo trung thực về lịch sử đi lại với cơ quan y tế, có thể nhận mức phạt tối đa lên tới 10 triệu won (193 triệu VNĐ).
Ở Australia, giới chức nước này đã áp dụng tăng mức phạt người vi phạm quy định hạn chế để phòng dịch đang được áp dụng tại bang New South Wales trong bối cảnh số ca nhiễm lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao ở mức chưa từng thấy.
Cụ thể, người vi phạm quy định đi ra ngoài đường khi không có lý do chính đáng hay lừa dối trong việc theo dõi, truy vết sẽ bị xử phạt 5.000 đô la Australia (khoảng 83 triệu VNĐ). Trong khi đó, người đi vào New South Wales mà không có giấy phép sẽ bị phạt 3.000 đô la Australia (gần 50 triệu VNĐ).
Phạt tù những người vi phạm
Đường phố Paris vắng vẻ ngày 15/3 (Ảnh: AP) |
Từ tháng 10 năm ngoái, khi lệnh giới nghiêm được áp đặt tại nhiều nơi trên toàn quốc do dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Pháp đã ban hành những những biện pháp chống dịch cứng rắn đối với người vi phạm.
Khoảng 12.000 cảnh sát và hiến binh với sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương được huy động để bảo đảm việc tuân thủ lệnh giới nghiêm. Những ai vi phạm sẽ bị phạt 135 euro (khoảng 3,6 triệu đồng). Người vi phạm đến 3 lần có thể lãnh án tù 6 tháng và bị phạt tiền 3.750 euro (khoảng 100 triệu đồng).
Trước khi dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế phòng dịch Covid-19 vào ngày 19/7, Vương quốc Anh cũng có những chế tài xử phạt nặng đối với người vi phạm.
Theo đó, những người bị bắt gặp tham gia tiệc có hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt lần đầu ở mức 800 bảng Anh (khoảng 25 triệu đồng) và phạt tối đa 6.400 bảng Anh (khoảng 200 triệu đồng) nếu tái phạm.
Đối với những người tổ chức sự kiện với hơn 30 khách tham dự, mức phạt sẽ là 10.000 bảng Anh (khoảng 312 triệu VNĐ).
Những cá nhân nhập cảnh vào xứ sở sương mù nếu không tuân thủ các quy tắc cách ly tại khách sạn, đồng thời cố ý che giấu việc đã từng ở các nước thuộc danh sách đỏ 10 ngày trước khi đến Anh có thể đối mặt với án phạt nặng nhất lên tới 10 năm tù giam. Mức phạt hành chính từ 5.000 - 10.000 bảng Anh cũng được đưa ra để xử phạt những cá nhân vi phạm.
Việc vi phạm quy định Covid-19 dưới mọi hình thức luôn có thể xảy ra. Do vậy, giám sát chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh mới góp phần duy trì được thành quả phòng chống Covid-19 chung của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.