Cân nhắc mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm thiểu thuốc lá lậu
Cụ thể, dự thảo Luật thuế TTĐB đã được đưa ra thảo luận trong kỳ họp Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tháng 10/2014 và tiếp tục được Thường vụ Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. Trong đó, hai phương án về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các sản phẩm thuốc lá được bàn luận khá nhiều vì có nhiều ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, bao gồm kinh tế doanh nghiệp, tình trạng buôn thuốc lá lậu và an sinh của người lao động, nông dân.
Theo đó, dự thảo giữ nguyên tỷ lệ thuế suất hiện hành 75%, và cộng thêm phần thuế tuyệt đối là 2.000 đồng/bao ở phương án 1 và 5.000 đồng/bao ở phương án 2 trong năm 2026, sau đó tiếp tục tăng hàng năm, hướng đến mục tiêu tăng thuế tuyệt đối tới 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Tăng thuế TTĐB là công cụ chính sách kinh tế với mục tiêu điều tiết hành vi tiêu dùng thuốc lá, đồng thời thúc đẩy các đơn vị sản xuất nâng cấp sản phẩm lên phân khúc chất lượng cao hơn và đóng góp vào nguồn thu ngân sách từ thuế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu mức tăng và lộ trình tăng thuế không phù hợp sẽ tạo cú sốc lớn, khiến Chính phủ không những không đạt được những mục tiêu về sức khỏe mà còn gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế và an sinh xã hội.
Từ Âu sang Á - Thuốc lá lậu bùng nổ do thuế sốc
Ghi nhận tại các thị trường trên thế giới, từ các nước phương Tây đến những quốc gia Châu Á trong nhiều năm qua, thuốc lá lậu gây ra nhiều hệ quả do tăng thuế sốc và những biện pháp nghiêm ngặt khác.
![]() |
Thuế suất càng lớn càng gia tăng nạn buôn lậu thuốc lá tại các nước Châu Âu |
Tại Đức, trong giai đoạn 2002 - 2005 khi thuế tuyệt đối tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34% và thu Ngân sách Nhà nước bị trì trệ.
Một nghiên cứu thường niên do KPMG công bố cuối năm ngoái về vấn đề thuốc lá lậu tại khối Liên minh Châu Âu EU cho thấy hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp đã tăng 3% vào năm 2023, với hơn 35 tỷ điếu thuốc lá bất hợp pháp được tiêu thụ trên khắp 27 quốc gia thành viên EU. Hoạt động buôn bán bất hợp pháp này khiến người nộp thuế Châu Âu mất khoảng 16 tỷ euro tiền thuế.
Trong một bài đăng vào tháng 12/2024 của Tax Foundation (một tổ chức phi chính phủ tại Hoa Kỳ chuyên có những báo cáo về chính sách thuế), tổ chức này cho hay buôn lậu thuốc lá khiến các tiểu bang mất gần 5 tỷ đô la tiền thuế tiêu thụ đặc biệt mỗi năm.
Theo bài viết, chênh lệch thuế suất giữa các tiểu bang là nguyên nhân chính thúc đẩy nạn buôn lậu thuốc lá. Khi chênh lệch thuế suất càng lớn, người tiêu dùng hoặc nhà bán lẻ sẽ càng có động lực sang các tiểu bang có thuế suất thấp hơn để mua sản phẩm với giá thành rẻ hơn.
Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ đối với thuốc lá hợp pháp tại Hoa Kỳ đã giảm đều đặn trong nhiều thập kỷ, điều đó có nghĩa là doanh thu thuế của tiểu bang có xu hướng giảm. Điều này thúc đẩy nhiều tiểu bang tăng thuế suất định kỳ để bù đắp cho khoản lỗ do lượng tiêu thụ thấp. Mặc dù việc tăng thuế suất dường như tạo ra sự gia tăng tạm thời về số thu ngân sách từ thuế, nhưng lại khiến mức tiêu thụ thuốc lá hợp pháp ngày càng xuống thấp trong khi tổng lượng tiêu thụ thuốc lá lại không thay đổi hoặc thậm chí tăng do nguồn cung ứng từ các thị trường chợ đen. Các tiểu bang từng thực hiện tăng thuế cao là những tiểu bang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ nạn buôn lậu thuốc lá.
Các quốc gia Châu Á cũng trải qua bài học tương tự khi cú sốc thuế dẫn đến sự bùng nổ của thuốc lá lậu. Điển hình là tại Thái Lan, Thống đốc Cơ quan Thuốc lá Thái Lan Poomjit Pongpanngam cho biết thuế suất thuốc lá không hợp lý đã làm giảm nguồn thu thuế thuốc lá của Chính phủ khoảng 23 tỷ baht và doanh số bán hàng đã giảm đáng kể.
Kết quả phân tích thực nghiệm về việc tránh thuế thuốc lá ở Thái Lan năm ngoái cho thấy doanh thu thuế thuốc lá lên tới 70 tỷ baht, trong đó doanh thu thuế bị thất thoát do hàng hóa bất hợp pháp ước tính khoảng 23 tỷ baht, tương đương 25% tổng doanh thu thuế thuốc lá. Phân tích cho thấy năm 2023 số lượng thuốc lá lậu đã tăng 22,3% so với năm 2022 và trước đó tăng 15,5% vào năm 2022 so với năm 2021.
Trong khi đó tại Ấn Độ, hoạt động buôn bán thuốc lá lậu và thuốc lá bất hợp pháp nói chung tại nước này gia tăng mạnh mẽ trong vài năm qua. Tình trạng chênh lệch thuế đã khiến Ấn Độ trở thành thị trường thuốc lá bất hợp pháp lớn thứ tư trên thế giới. Thị trường tổng thể của thuốc lá bất hợp pháp ở Ấn Độ, theo nghiên cứu FICCI Cascade năm 2022 ước tính là ₹ 22.930 crore.
PC Jha, cố vấn của FICCI CASCADE, cho biết: “Tình trạng đáng báo động về tình trạng cung cấp hàng hóa bất hợp pháp trên quy mô lớn đã diễn ra trong những năm qua vì vấn đề quan trọng này không nhận được sự quan tâm như kì vọng từ các bên liên quan”. Ông cũng nói thêm rằng người tiêu dùng thiếu nhận thức về tác hại mà họ phải gánh chịu, chính phủ cũng không thể nhận ra những tổn thất lớn về nguồn thu ngân sách do hoạt động kinh doanh bất hợp pháp gây ra, nguồn cung hàng hóa hợp pháp với giá cả phải chăng cũng ít hơn để đáp ứng nhu cầu.
Tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực
Ở Việt Nam, khi phân tích các kịch bản có thể xảy ra khi thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh theo các phương án mà Bộ Tài chính đề xuất, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam cũng đã chỉ ra thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỷ điếu nhưng sản lượng thuốc lá hợp pháp sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại.
![]() |
Cần có lộ trình tăng dần hợp lý để tránh tạo động lực cho thuốc lá lậu tại Việt Nam |
Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cũng từng đưa ra mô hình phân tích nhằm đánh giá tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá. Với 2 phương án tăng thuế được đề xuất, thu Ngân sách Nhà nước sẽ tăng trung bình khoảng 13%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ trốn thuế do thuốc lá lậu tăng trung bình khoảng 33% - 34%/năm do người tiêu dùng chuyển đổi hành vi tiêu dùng do tăng nhanh thuế.
Đồng thời, mô hình phân tích cũng cho thấy các nhà sản xuất thuốc lá bắt buộc phải chuyển toàn bộ tác động của thuế tăng sang người tiêu dùng bằng việc tăng giá sản phẩm, từ đó người tiêu dùng sẽ chuyển sang thuốc lá lậu.
Thuế là một công cụ tài chính nhằm điều tiết tiêu dùng nhưng cũng cần xét đến tác động của việc tăng thuế đối với môi trường kinh doanh và doanh nghiệp. Đây là quan điểm của nhiều Đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 27/11/2024.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh), việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể làm giá bán sản phẩm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế. Hành động tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cũng cho rằng việc điều tiết hành vi sản xuất và tiêu dùng thuốc lá cần sự phối hợp của nhiều công cụ chính sách, nhưng vừa qua một số công cụ khác chưa được chú ý. Ví dụ như hiệu suất sử dụng quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá chưa cao và chưa phát huy được nguồn lực của quỹ. “Theo Báo cáo số 1081 của Kiểm toán Nhà nước, nguồn thu của quỹ tăng đều qua các năm nhưng từ năm 2019, quyết toán cho việc sử dụng quỹ đạt kết quả thấp, chỉ đạt 30% so với tổng số thu bình quân và đang giảm dần. Năm 2023 chỉ quyết toán được 17% so với số thu, tồn quỹ giai đoạn từ 2021 đến 2023 là hơn 2.000 tỷ đồng”, đại biểu Hằng thông tin.
Trước đó, cũng tại buổi Tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra”, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án thực hiện.
“Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường” - ông Nghĩa chia sẻ.
Từ những phân tích trên cho thấy cần tính toán lại mức tăng thuế, bao gồm cả lộ trình, vì một khi các tác động tiêu cực xảy ra với các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân vùng trồng, hệ thống phân phối… thì rất khó để giải quyết trong một vài năm.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bàn về nguồn nhân lực cho Trung tâm Tài chính quốc tế

Standard Chartered được vinh danh Ngân hàng cung cấp dịch vụ Tài trợ Thương mại tốt nhất Việt Nam từ Global Finance

FedEx nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Mỹ

Hướng đi chiến lược cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Đối mặt với rủi ro lãi suất thấp, nhà đầu tư cần làm gì?

Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng 12,14% trong quý II/2025

Trình dự thảo nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi trước 30/4

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng phương tiện công cộng
