Cân nhắc nguyên tắc đảm bảo "điều kiện sống tốt hơn nơi cũ" trong bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất
Chiều 20/2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị |
Quy định rõ hơn cơ chế kiểm soát
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung như: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Trần Ngọc Đường cho rằng, dự thảo Luật Đất đai chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
Mặc dù dự án luật đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý Nhà nước về đất đai.
Theo ông Đường, tất cả các khâu của quản lý Nhà nước về đất đai đều phải có mặt của cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật Đất đai mà nên quy định trong tất cả các chương.
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Trần Ngọc Đường phát biểu tại hội nghị |
Nêu ý kiến đối với trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng việc này cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: Dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.
Ông Thường cũng cho rằng, mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất; Đồng thời việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt bảo đảm thu nhập, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.
Cân nhắc nguyên tắc đảm bảo “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ”
Đồng quan điểm về việc bồi thường, luật sư Trần Hữu Huỳnh cho ý kiến đóng góp về nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất được nêu trong dự thảo Luật, đồng thời cho rằng “đây là một trong những vấn đề nóng nhất trong những câu chuyện của Luật Đất đai”.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh phát biểu tại hội nghị |
Nhất trí với hầu hết các nguyên tắc ở điều 89, ông Trần Hữu Huỳnh nhận định, Điều 89 của dự thảo Luật đã đề ra những nguyên tắc tiến bộ và cũng có một số điểm mới so với luật cũ. Đặc biệt là trong đó nhấn mạnh nguyên tắc về việc bồi thường khi thu hồi phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Trong những nguyên tắc này, ông Huỳnh bày tỏ sự băn khoăn nhất với nguyên tắc việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ.
Ông Huỳnh cũng nhấn mạnh, việc xem xét khía cạnh về chỗ ở, điều kiện sống thì tương đối trực quan, song khó nhất là việc xác định vấn đề thu nhập liệu có bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ hay không. Đây là điểm rất dễ xảy ra khiếu nại, khiếu kiện và khó xét xử.
Hiện nay cách tiếp cận của Luật Đất đai đối với việc thu hồi chỉ chú ý đến khía cạnh vật chất, không chú ý đến khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của những gia đình bị thu hồi”, ông Huỳnh đặt vấn đề và đề nghị cân nhắc nguyên tắc số 2 trong số 5 nguyên tắc của Điều 89 để tránh xảy ra các khiếu nại, khiếu kiện sau này.
Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị |
Đề cập đến vấn đề quy hoạch đất đai, TS.Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm mà không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm. Đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện về không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Bên cạnh đó, TS.Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần đề ra giải pháp xử lý có hiệu quả những trường hợp đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm khiếu kiện kéo dài gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và xã hội để đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, đây là những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, tập trung vào những nội dung nổi bật của dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Đồng thời khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.