Cần nhanh chóng triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 12/10, tính riêng quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 như: Mất việc làm, giãn việc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
So với quý II/2021, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 24 - 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động bị ảnh hưởng.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ít địa phương, ngành, nghề thiếu hụt lao động sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Chi hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 năm 2020 tại quận Long Biên |
Một nguyên nhân khác là, tại một số địa phương lớn, thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu người lao động trở về quê, khiến nguồn cung lao động khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trước tình hình thiếu nguồn cung lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai như: Tăng cường chăm lo, hỗ trợ cho lao động thất nghiệp, người lao động khó khăn để giúp họ an tâm gắn bó với doanh nghiệp...
Chính phủ đã quyết định hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên tới 38.000 tỷ đồng.
Ngoài nhóm lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, cả nước có hàng chục triệu lượt người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ khác từ các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. Các tỉnh, thành phố cũng chủ động huy động nhiều nguồn lực để trợ giúp cấp bách cho người lao động.
Tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng từ đầu tháng 7/2021 đến nay, toàn thành phố đã trích ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội với tổng kinh phí trên 1.505 tỷ đồng để hỗ trợ về nhiều mặt cho hơn 3 triệu lượt người dân, người lao động.
Trong đó, thành phố đã hỗ trợ gần 30 nghìn người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền trên 106 tỷ đồng; Trên 1.200 người lao động ngừng việc, với số trên 1,2 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố hỗ trợ 32 doanh nghiệp vay trên 25,739 tỷ đồng để trả lương ngừng việc do ảnh hưởng dịch bệnh cho trên 5.800 lượt người lao động.
Để hỗ trợ, giúp đỡ người lao động quay trở lại sản xuất, nhiều công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án khôi phục sản xuất, sắp xếp lại lao động, đảm bảo điều kiện làm việc và các chế độ chính sách đối với người lao động.
Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Do vậy, theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đến nay, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn vẫn ổn định.
Cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Giải pháp lâu dài được các cơ quan chức năng triển khai là tăng cường kết nối cung - cầu về lao động; Mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; Tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới.
Các chuyên gia cho rằng, trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đến thị trường lao động, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, cần rà soát sửa đổi kịp thời và tích cực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Trong đó, ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Để giữ chân người lao động và thu hút họ trở lại với doanh nghiệp, chúng ta cần tập trung thực hiện tiêm vắc-xin đầy đủ. Ngoài công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi, doanh nghiệp cũng cần có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với những người lao động đã gắn bó với doanh nghiệp lúc khó khăn.