“Gánh” bớt nỗi lo cho người lao động
BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
Dịch Covid-19 khiến thị trường lao động trong nước chịu nhiều tác động. Trong đó, rất nhiều người lao động bị mất việc làm, không tìm được việc làm.
Đáng chú ý, làn sóng dịch bệnh bùng phát lần này đã làm tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị tăng cao, chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: TP HCM, Hà Nội, Bình Dương...
Để hỗ trợ cho những người lao động có tham gia BHTN, các Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) đã kịp thời có những giải pháp hỗ trợ người lao động trong giải quyết thủ tục BHTN gắn với bảo đảm pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, các Trung tâm DVVL đã bố trí thêm nhân lực, mở thêm các quầy tiếp nhận giải quyết hồ sơ, hướng dẫn người lao động tại Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ BHTN để đảm bảo công tác nhanh chóng, hiệu quả, giảm ùn tắc.
Người lao động thất nghiệp ở Hà Nam vẫn tìm kiếm cơ hội việc làm qua các phiên giao dịch online (ảnh Hà Nam) |
Nhiều Trung tâm đã nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục đối với người lao động hưởng BHTN để thông tin tuyên truyền và hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, phù hợp với các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; thí điểm ứng dụng tải app qua điện thoại để người lao động có thể đăng ký ngày, giờ nộp hồ sơ tại nhà từ trước để không mất công chờ đợi, xếp hàng hoặc nộp hồ sơ online…
Đơn cử như tại Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh những trường hợp người lao động gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện được hướng dẫn gửi theo địa chỉ 15 điểm tiếp nhận và hỗ trợ về thành phần thủ tục hồ sơ qua điện thoại, email, mạng xã hội...
Đối với hồ sơ nhận được sau khi kiểm tra thành phần và điều kiện hưởng nếu đủ điều kiện, Trung tâm sẽ in giấy biên nhận và gửi qua email, zalo, bưu điện... cho người nộp (hướng dẫn bổ sung thành phần đối với các hồ sơ sai thông tin, thiếu điều kiện). Trường hợp NLĐ đề nghị được thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo hình thức gián tiếp qua email cũng sẽ được Trung tâm hướng dẫn thực hiện.
Còn ở TP Hồ Chí Minh, để hỗ trợ người lao động đến làm thủ tục BHTN nhanh chóng và tiện lợi, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết hồ sơ cho người lao động. Trung tâm thực hiện quy trình một cửa tại trụ sở cũng như một số chi nhánh BHTN, cấp mã vạch cho người lao động, in tờ thông báo việc làm hàng tháng và các biểu mẫu để giảm bớt thời gian người lao động kê khai; cập nhật các biểu mẫu...
Tính đến tháng 9 năm 2021, các cơ quan đã chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 512.000 người, trong đó hơn 500.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 11.000 người được hỗ trợ học nghề
Ở một số Trung tâm DVVL của các tỉnh thành cũng đều ghi nhận rất nhiều hồ sơ và người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Từ đầu năm tới nay, Trung tâm DVVL TP Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 80.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã giải quyết hồ sơ kịp thời để người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Còn tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, TP có hơn 35.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có hơn 33.000 người đã có quyết định hưởng trợ cấp.
Số lượng hồ sơ đề nghị thụ hưởng BHTN trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động, phụ thuộc vào kết quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước. Số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ giảm dần qua các tháng nếu dịch được kiểm soát tốt.
“Gánh” một phần nỗi lo cho người lao động
Trước đây, chị Nguyễn Thị Thơ (Duy Tiên, Hà Nam) làm nhân viên của một công ty kinh doanh thực phẩm tại tỉnh nhà với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát cuối tháng 4 vừa qua đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, dẫn tới công ty bắt buộc phải đóng cửa phần lớn các điểm bán hàng và nhiều nhân viên buộc phải nghỉ việc.
Không có thu nhập, các chi phí sinh hoạt thiết yếu vẫn phải chi trả, cuối tháng 5, chị Thơ đã làm hồ sơ đăng ký hưởng BHTN và hồ sơ được duyệt chỉ sau ít ngày, mỗi tháng được hưởng hơn 3 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp đã giúp chị Thơ có thêm khoản tiền để trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Đồng cảnh với chị Thơ, chị Nghiêm Thị Dinh (Khương Đình, Thanh Xuân) cho biết, với khoản trợ cấp thất nghiệp hơn 3 triệu đồng/tháng, gia đình chị cũng đỡ phải lo lắng hơn về lương thực, thực phẩm trong lúc giãn cách. Ban đầu nghỉ việc, chị Dinh cũng rất lo vì dịch bệnh khó kiếm việc làm mới. Cuối tháng 5, chị Dinh làm hồ sơ đăng ký hưởng BHTN. Hồ sơ được duyệt chỉ sau ít ngày. “Những ngày giãn cách vừa qua, thấy không ít người phải đối mặt với nỗi lo thiếu lương thực, thực phẩm mới thấy mình vẫn còn may mắn. Hiện tại tôi chỉ mong dịch sớm được khống chế để tôi có thể tìm việc làm mới” – chị Dinh chia sẻ.
Người lao động trong phiên giao dịch việc làm kết nối 7 tỉnh, TP tại Trung tâm DVVL TP Hà Nội (ảnh Hà Nội) |
Đầu tháng 7, khi dịch Covid-19 ở Hà Nội bắt đầu phức tạp, anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Cầu, Hà Đông) cũng quyết định nghỉ việc. Anh Tuấn cho hay: “Trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay thì nghề lái xe không còn phù hợp với tôi nữa nên tôi quyết định nghỉ việc. Sau đó, tôi làm hồ sơ đề nghị hưởng BHTN và đã có quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3,6 triệu đồng/tháng. Tôi cũng được tư vấn, hướng dẫn đăng ký tìm việc làm tại một công ty khác. Tuy nhiên, Hà Nội đang giãn cách nên tôi chờ dịch bệnh lắng xuống sẽ tiếp cận những cơ hội việc làm mới”.
Thực tế có thể thấy, hiện nay, quy trình làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh gọn, thuận lợi. Người lao động làm hồ sơ nộp đến Trung tâm DVVL tỉnh, thành trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, Trung tâm đánh giá, ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày ra quyết định, cơ quan BHXH thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo 2 hình thức, qua thẻ ATM và nhận tiền mặt qua dịch vụ bưu điện.
Hằng tháng người lao động phải đến địa điểm của Trung tâm DVVL tỉnh, thành khai báo tình trạng việc làm (đối với các tỉnh không giãn cách xã hội) hoặc khai báo online (với các tỉnh chống dịch theo Chỉ thị 16) trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Trong thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến việc làm, nhu cầu tìm kiếm việc làm, giải quyết thủ tục BHTN của lao động. Thậm chí là hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp. Được biết, hệ thống trung tâm DVVL vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp. Điều này nhằm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của lao động, doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.
“Chúng tôi cố gắng hết sức để giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong thời điểm này, các đường dây nóng của Trung tâm và các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh luôn trong tình trạng quá tải. Chúng tôi mong muốn người lao động cố gắng phối hợp tốt với Trung tâm, tìm hiểu các thông tin trên website (vieclamhanoi.net), thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn vừa đảm bảo quyền lợi, vừa đỡ gây sức ép cho cán bộ thực hiện. Trong trường hợp có điều gì chưa hiểu, người lao động gọi điện đến đường dây nóng để được giải đáp”, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết.
Từ thực tế trên cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là ở những địa phương phải giãn cách xã hội thì đây là “chiếc phao” gần như “duy nhất” cho người lao động trang trải một phần chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, về lâu dài, ở những khu vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người lao động cũng vẫn nên tìm hiểu thêm các thông tin về doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động để chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình.