Can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân
Tầm quan trọng dinh dưỡng cho người bệnh
Chăm sóc sức khỏe luôn là điều mà chúng ta cần quan tâm, đặc biệt với những người bệnh, việc bảo vệ và phục hồi sức khỏe là rất cần thiết. Đối với bệnh nhân, bên cạnh việc dành nhiều thời gian nghỉ ngơi thì chế độ dinh dưỡng cũng góp phần giúp sức khỏe nhanh chóng cải thiện.
TS.BS. Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: "Quan điểm truyền thống trước đây cho rằng bệnh nhân phẫu thuật có gây mê cần phải nhịn ăn trước và sau khi mổ hàng giờ liền. Điều này được giải thích là nhằm giảm nguy cơ dịch thức ăn từ dạ dày trào vào phổi trong quá trình phẫu thuật cũng như giảm nguy cơ bục vết mổ sau đó".
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hôn mê ở Khoa Hồi sức A9, Bệnh viện Bạch Mai. |
Tuy nhiên, bác sĩ Mỹ Thục cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng y khoa chứng minh rằng việc nhịn ăn trước và sau khi phẫu thuật có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đói khát, tăng stress trong ca mổ và nguy cơ suy dinh dưỡng.
"Thế giới đã đồng thuận khuyến cáo không nên cho bệnh nhân nhịn ăn trước và sau khi phẫu thuật. Có nhiều bằng chứng cho thấy việc người bệnh được ăn khởi động sớm sau mổ mang đến nhiều lợi ích như tăng nhu động ruột, tái tạo niêm mạc ruột, tăng khả năng lành vết thương và tăng kháng thể sinh ra từ ruột. Nên kể cả bệnh nhân nặng cũng được khuyến cáo cho ăn khởi động càng sớm càng tốt, có thể ăn từng chút một theo khả năng", bác sĩ nhấn mạnh.
Người bệnh luôn cần được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đặc biệt nhằm giúp sức khỏe nhanh chóng phục hồi. Do đó, người thân nên chú trọng đến chế độ ăn uống có lợi cho sinh lực thay vì lựa chọn những thực phẩm giàu chất kích thích, chất béo hoặc đường.
Việc tăng cường bổ sung những dưỡng chất có lợi cho cơ thể là rất cần thiết đối với người bệnh. Bởi vì sức đề kháng của bệnh nhân luôn bị sụt giảm, chưa kể những người bệnh sau khi phẫu thuật thường rất yếu và cơ thể cần nạp nhiều chất để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Điều dưỡng cần quan tâm hơn nữa đến chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh lý của người bệnh. Chế độ dinh dưỡng không phù hợp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa.
Suy dinh dưỡng làm chậm lành vết thương, suy giảm chức năng miễn dịch, kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ biến chứng, tử vong và chi phí điều trị.
Điều dưỡng phục vụ bữa ăn dinh dưỡng cho người bệnh |
Suy dinh dưỡng còn làm thay đổi chức năng đường tiêu hóa, giảm mức lọc cầu thận, thay đổi chức năng hệ tim mạch, thay đổi dược động học của thuốc, tăng tỷ lệ tái nhập viện, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chăm sóc và điều trị dinh dưỡng cho người bệnh trong thời gian nằm viện đặc biệt quan trọng với những bệnh nặng như nhiễm khuẫn huyết, đa chấn thương, bỏng, sau phẫu thuật, ung thư, đái tháo đường, suy thận, bệnh lý đường tiêu hóa….
"Công việc chính của người làm điều dưỡng là chăm sóc, trong đó chăm sóc dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không được cập nhật thường xuyên những kiến thức chuyên sâu về dinh dưỡng, trong quá trình hành nghề của mình, người làm công tác điều dưỡng có thể bị lúng túng, thiếu tự tin. Sau các khóa tập huấn do Vinamilk và Câu lạc bộ Điều dưỡng trưởng Việt Nam đồng hành tổ chức, nhiều bạn chia sẻ rằng thấy tự tin hơn rất nhiều khi tư vấn cho bệnh nhân cũng như trong thực hành nghiệp vụ của mình", BSCKII. Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Điều dưỡng trưởng Việt Nam, nguyên Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh, chia sẻ.
Trước đó, ngày 24/10, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Sở Y tế Hà Nội tổ chức tập huấn về nâng cao năng lực điều dưỡng cho hơn 200 điều dưỡng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài lập trực thuộc ngành y tế Hà Nội.
Ngành y tế Hà Nội hiện có mạng lưới khám, chữa bệnh rộng lớn, số lượng nhân viên y tế trong đó có đội ngũ điều dưỡng chiếm số đông, lĩnh vực hoạt động nhiều áp lực, đối tượng phục vụ đa dạng với yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.
Mặt khác, thực trạng về vấn đề thái độ phục vụ của cán bộ y tế và kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, việc cải thiện kỹ năng giao tiếp, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là cấp thiết hiện nay.
Tại lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Nội đã giới thiệu đến các học viên chuyên đề về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh và nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử.
Nhiều câu hỏi được đưa ra thảo luận và giải đáp tại lớp tập huấn. Đồng thời, các học viên cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong công tác điều dưỡng tại đơn vị hiện nay. Cùng với chất lượng chuyên môn, đây là các yếu tố quan trọng góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu của cơ sở y tế.