Người bị đau mắt đỏ cần chế độ dinh dưỡng ra sao?
Không chủ quan với dịch bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ thường do các tác nhân virus gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie…), bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Biểu hiện rõ nhất của bệnh đau mắt đỏ là mắt đổ ghèn và lòng trắng mắt dần chuyển sang màu đỏ.
Bệnh nhân sẽ có cảm giác cộm, khó chịu vì thế hay dụi mắt, khi ngủ dậy ghèn thường dính chặt vào 2 mi mắt. Ghèn có thể màu vàng hoặc màu xanh lá cây. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (lớp màng trắng trong suốt nằm dưới mi) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác.
Bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát |
Hiện vẫn còn nhiều người tự điều trị theo cách truyền miệng như: Xông các loại lá trầu không, lá dâu tằm, đắp hành củ, nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ em bị đau mắt đỏ… Không ít em nhỏ đã bị ảnh hưởng thị lực vì phụ huynh sử dụng các cách chữa “mẹo” thiếu khoa học.
Đau mắt đỏ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng, sau một tuần bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách có thể biến chứng thành viêm, loét giác mạc. Ngoài việc dùng thuốc, vệ sinh sạch sẽ thì chế độ ăn uống cũng phần nào ảnh hưởng đến bệnh.
Ths.BS Trần Thị Mai Trinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Đau mắt đỏ là bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng với nguy cơ bùng phát dịch cao nhất là trong thời điểm vào năm học mới, không ít trẻ em đi học bị lây lan đau mắt đỏ cho nhau rồi khiến cả gia đình, phụ huynh cũng bị lây. Do vậy, chủ động nắm vững các cách chăm sóc cũng như chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị đau mắt đỏ sẽ giúp bố mẹ có phương hướng xử lý phù hợp khi trẻ mắc bệnh, giúp bệnh nhanh khỏi và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng”.
Đối với trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ, cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) cho trẻ. Đây là loại nước nhỏ mắt phổ biến, thường được bác sĩ chỉ định khi chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và có thể được sử dụng đi kèm với một số loại nước nhỏ mắt khác để điều trị đau mắt đỏ.
Để tránh lây lan và bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi cha mẹ cần vệ sinh nơi ở đảm bảo sạch sẽ như: Giặt sạch và phơi khô mọi vật dụng của bé như chăn ga gối, khăn mặt…
Bố mẹ nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học để bổ sung đủ năng lượng và dưỡng chất cho trẻ, khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn để giúp cơ thể đào thải tác nhân gây bệnh ra ngoài và bù lại lượng nước đã mất do các triệu chứng của bệnh gây ra. Đau mắt đỏ khiến mắt của trẻ bị tổn thương, bố mẹ lưu ý nên tránh cho trẻ tiếp xúc với màn hình, tivi, điện thoại hay các thiết bị điện tử khác.
Những loại thực phẩm giúp người bị đau mắt đỏ nhanh hồi phục
Đối với cả người lớn và trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ thì sữa tươi là nguồn bổ sung vitamin A, kẽm, DHA, EPA, vitamin C, vitamin E và một số dưỡng chất khác giúp tăng cường sức đề kháng, nhanh hồi phục sức khỏe.
Ngoài ra, nhiều loại hoa quả cũng rất phù hợp trong chế độ ăn uống của người bị đau mắt đỏ. Quả bơ giúp bổ sung vitamin A, lutein, zeaxanthin, vitamin C, vitamin E, axit béo không bão hòa… giúp cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ hồi phục các tổn thương cho mắt.
Những loại thực phẩm giúp người bị đau mắt đỏ nhanh hồi phục |
Cà rốt bổ sung beta-carotene và các dưỡng chất khác giúp tăng cường sức đề kháng cho mắt. Bí ngô (bí đỏ), đu đủ cũng bổ sung beta-carotene, lutein, zeaxanthin, kali, sắt... giúp kháng khuẩn, tăng cường sức khỏe cho mắt, phục hồi các tổn thương ở mắt và tránh các tác động từ môi trường.
Ngoài ra, người bị đau mắt đỏ cũng nên tăng cường ăn các thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho mắt như rau xanh, cà chua, xoài, các loại cá béo…
Trong đó, các loại cá nước lạnh là nguồn cung cấp axit béo omega - 3 dồi dào, có tác dụng giảm viêm, sưng, đau và hỗ trợ bảo vệ mắt như cá hồi, cá mòi, cá cơm, cá trích…
Những thực ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng thường chứa nhiều natri, khiến cơ thể mất nước, gây khô mắt. Hơn nữa, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm này còn có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm, khiến tình trạng viêm trở nên nặng nề hơn.
Các loại nước ngọt, thức uống có ga, cà phê có thể khiến mắt chảy nhiều ghèn, khó chịu và lâu hồi phục. Ngoài ra, việc sử dụng đồ uống có ga, nhiều đường có thể làm chỉ số đường huyết đột ngột tăng cao dễ gây ra hiện tượng hoa mắt chóng mặt; Lạm dụng đồ uống có ga sẽ khiến bệnh tình lâu hồi phục, ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể.
Ăn đồ cay nóng sẽ khiến người bệnh gia tăng cảm giác nóng, ngứa, rát khó chịu ở mắt |
Các đồ ăn có chứa gia vị cay nóng điển hình như: ớt, gừng, tỏi... dễ gây kích thích thần kinh thị giác, khiến tình trạng bệnh nhân đau mắt đỏ trở nên tồi tệ hơn. Việc ăn nhiều thực phẩm cay nóng sẽ khiến người bệnh gia tăng cảm giác nóng, ngứa, rát khó chịu ở mắt, làm bệnh lý lâu hồi phục hơn.
Ngoài ra, một số loại thịt động vật khác như: thịt chó, thịt dê tuy có nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể nhưng lại là những loại thịt có tính nóng, không tốt cho người bị đau mắt đỏ.