Cần xem xét lại kết luận thanh tra chế độ trợ cấp của 36 Cựu chiến binh nhiễm chất độc Dioxin
![]() |
CCB Hoàng Văn Bột ở xã Bắc Hưng huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng làm việc với báo TTTĐ |
Theo Kết luận Thanh tra số 401/KL-Ttr ngày 9/9/2019 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi nhận thấy 3 yếu tố: “Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động”; “Sinh con dị dạng, dị tật”; “Vô sinh” là hoàn toàn độc lập với nhau. Tức là, người chỉ cần có 1 trong ba yếu tố trên là đã đủ điều kiện để được hưởng chế độ ưu đãi.
![]() |
Kết luận Thanh tra số 401/KL-TTr của Thanh tra Bộ LĐ-TBXH |
Tất cả hồ sơ của 36 CCB đều đã được xác lập trên cơ sở yếu tố đầu tiên: "Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động”. Điều này không phải do các CCB tự khai mà đòi hỏi sự thăm khám và kết luận của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh. Tất cả 36 hồ sơ đều có biên bản giám định y khoa của Hội đồng giám định y khoa thành phố Hải Phòng.
Ngược lại, trong bản Kết luận Thanh tra số 401/KL-TTr có ghi lý do cắt trợ cấp: "Xác minh trực tiếp, xác định ông không sinh con dị dạng dị tật, không mắc bệnh trong danh mục”.
Trong 36 hồ sơ của 36 CCB bị cắt trợ cấp, chúng tôi thấy có 3 trường hợp mà Thanh tra Bộ LĐ-TBXH nêu rõ lý do cắt trợ cấp là "Hồ sơ được xác lập trên cơ sở sinh con dị dạng, dị tật; Tuy nhiên, kết quả xác minh trực tiếp không có con dị dạng, dị tật”.Hồ sơ của các CCB được xác lập trên cơ sở yếu tố “Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động” nhưng cơ quan thanh tra không kiểm tra có đúng hay không mà lại xác minh, tìm hiểu việc có sinh con dị tật, dị dạng?
Đó là 3 hồ sơ của các CCB: Nguyễn Ngọc Đấu (SN 1940, ở xã Hòa Bình); Vũ Công Thảo (SN 1945, ở xã Vinh Quang); Nguyễn Thanh Tâm (SN 1948, ở xã Cộng Hiền), tất cả đều cùng ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
![]() |
Cựu chiến binh Vũ Công Thảo, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng |
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Vui, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo) thời điểm năm 2004, cho biết: “Năm 2004, thành phố triển khai thi hành Quyết định 120/2004 ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp cho CCB nhiễm chất độc da cam, các CCB không muốn khai báo, lập hồ sơ. Mọi người đều e ngại, nếu đúng bị nhiễm chất độc da cam thì trợ cấp cũng chỉ vài chục ngàn mỗi tháng nhưng chắc chắn sẽ khó khăn trong việc "dựng vợ, gả chồng" của con cái. Chính quyền địa phương phải đến từng nhà vận động, thuyết phục khai báo, nhiễm hay không thì phải đi giám định y khoa mới biết để chữa trị…”.
Ông Phạm Viết Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo) và ông Ông Phạm Đình Ất, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 12, xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo) cùng cho biết: Các CCB dù có khai bệnh tật của bản thân mình hoặc của con mình thì đó mới chỉ là bước đầu tiên trong việc lập hồ sơ. Hồ sơ này bắt buộc phải qua xét duyệt của Hội đồng chính sách thôn rồi lên Hội đồng chính sách xã, sau đó chuyển lên huyện, thành phố. Riêng về vấn đề bệnh tật thì dứt khoát phải có sự thăm khám và kết luận của bác sĩ.
![]() |
Ông Trần Xuân Giới, (người thứ nhất từ trái sang), nguyên Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hải Phòng trao đổi với các CCB |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Trần Xuân Giới, nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Hải Phòng thời điểm năm 2004 - 2009 khẳng định: Về 3 trường hợp ông Nguyễn Ngọc Đấu, Vũ Công Thảo, Nguyễn Thanh Tâm, nếu Thanh tra Bộ LĐ-TBXH kết luận là “Hồ sơ được xác lập trên cơ sở sinh con dị dạng, dị tật…” là không đúng sự thật.
Dù lời khai ban đầu của 3 ông có nói đến bệnh tình của con mình nhưng qua kiểm tra thực tế, hội đồng chính sách các cấp đã thống nhất các cháu không có biểu hiện di chứng chất độc da cam nên Sở LĐ-TBXH chỉ giới thiệu 3 ông đi giám định y khoa chứ không giới thiệu các con đi khám. Cả 3 CCB này đều được Hội đồng Giám định Y khoa TP Hải Phòng giám định và kết luận suy giảm sức lao động.
![]() |
Biên bản Giám định bệnh tật số 38/GĐYK-SK ngày 9/1/2009 của Hội đồng Y khoa TP Hải Phòng đối với ông Vũ Công Thảo |
Biên bản Giám định bệnh tật số 38/GĐYK-SK ngày 9/1/2009 của Hội đồng Y khoa TP Hải Phòng đối với ông Vũ Công Thảo ghi rõ: “Bị cắt 2/3 dạ dày do loét; Cắt túi mật hiện sỏi ống gan chung và gan trái; Suy nhược thần kinh. Kết luận: Theo tiêu chuẩn bệnh tật quy định tại Thông tư số 12/TT-LB ngày 26/7/1995 của Liên bộ Y tế - LĐ-TBXH, ông Vũ Công Thảo có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 81%”.
Sau khi có biên bản giám định này, Hội đồng chính sách Thành phố Hải Phòng mới tổ chức cuộc họp xem xét và quyết định cho hưởng trợ cấp.
Ông Trần Xuân Giới nhấn mạnh: “Cả 3 hồ sơ của các ông Nguyễn Ngọc Đấu, Vũ Công Thảo, Nguyễn Thanh Tâm đều được Hội đồng chính sách Thành phố Hải Phòng xem xét và giải quyết trợ cấp trên cơ sở Biên bản Giám định bệnh tật trực tiếp; Không liên quan đến con của 3 ông”.
![]() |
Văn bản trả lời công dân Lê Đích và Phạm Hữu Hiền của Thanh tra Bộ LĐ-TBXH |
Trong số 36 trường hợp bị cắt trợ cấp ở Hải Phòng, các ông: Phạm Hữu Hiền (SN 1949), Lê Đích (SN 1942) cùng thường trú ở phường Phù Liễn, quận Kiến An có gửi đơn lên Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và được Trung ương Hội chuyển đơn đến Bộ LĐ-TBXH bằng Công văn số 15/CV ngày 16/1/2020.
Hơn 1 tháng sau, hai ông nhận được Công văn trả lời từ Thanh tra Bộ LĐ-TBXH đều do bà Đàm Thị Minh Thu, Phó Chánh Thanh tra ký. Trong nội dung Công văn số 97/TTr-NCC ngày 17/2/2020 gửi ông Phạm Hữu Hiền và Công văn số 99/TTr-NCC ngày 17/2/2020 gửi ông Lê Đích đều chứa thông tin trả lời “Hồ sơ của ông được xác lập trên cơ sở sinh con dị dạng, dị tật…”.
![]() |
Kết luận Thanh tra số 401/KL-TTr ngày 9/9/2019 của Thanh tra Bộ LĐ-TBXH, tại Biểu số 1.3 cũng ghi rõ trường hợp hai cụ Phạm Hữu Hiền và Lê Đích đều “Không kê khai con” |
Trong khi đó, cả 2 trường hợp này đều được xem xét giải quyết trợ cấp trên cơ sở bệnh tật của chính các mình. Hồ sơ của 2 ông đều có Biên bản Giám định bệnh tật của Hội đồng Giám định Y khoa TP Hải Phòng.
Để đảm bảo quyền lợi cho các cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam/dioxin, người có công với cách mạng, thể hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đề nghị Bộ LĐ-TBXH xem xét giải quyết chế độ trợ cấp đối với các CCB; Đồng thời xem xét lại quyết định Kết luận Thanh tra số 401/KL-Ttr ngày 9/9/2019 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hoài Đức (Hà Nội): Nguy hiểm rình rập người dân vì thiếu đèn tín hiệu giao thông

Việc bảo vệ sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân phải được đặt lên trên hết

Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Quảng Nam: Chợ mới để không, người dân tranh thủ phơi lúa

Kon Tum: Khẩn trương kiểm tra trang trại chăn nuôi heo trái phép

Hải Dương: Yêu cầu dừng ngay các trạm trộn bê tông không phép

Siết chặt kỷ cương trong quản lý đất đai

Quảng Nam: Xe chở đất "đại náo" làng quê

Phường Dương Nội (quận Hà Đông): Mở nhà hàng trên vỉa hè!
