Hải Phòng: Cần xem xét lại việc cắt chế độ trợ cấp của 36 cựu chiến binh nhiễm chất độc dioxin
CCB Hoàng Văn Bột ở xã Bắc Hưng huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng làm việc với PV báo TTTĐ tại Hải Phòng |
Hải Phòng: Chính sách không thay đổi, chỉ có người thực hiện chưa đúng! Hải Phòng: Chuyện những năm 2008-2009 tưởng đã có hồi kết Vụ lùm xùm tại Viện Quy hoạch Hải Phòng: Hé lộ vụ tham nhũng lớn? |
Kết luận Thanh tra 401/KL-TTr không có cơ sở pháp lý
Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng 2 bài, phản ánh việc 36 Cựu chiến binh nhiễm chất độc dioxin ở Hải Phòng bị cắt chế độ trợ cấp, ngày 5/3/3021 Văn phòng báo Tuổi trẻ Thủ đô tại Hải Phòng nhận được Công văn số 548/SLĐTBXH-TTr của Sở LĐ-TBXH TP Hải Phòng. Theo công văn này thì Sở LĐ-TBXH Hải Phòng là cơ quan ban hành 36 quyết định cắt trợ cấp trên do thực hiện đúng theo chỉ đạo Kết luận Thanh tra số 401/KL-TTr ngày 9/9/2019 của Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBXH.
Lý do cắt trợ cấp với 36 CCB trong Kết luận Thanh tra 401/KL-TTr cũng giống lý do “dừng trợ cấp” đối với các CCB này mà Thanh tra bộ LĐ-TBXH từng áp dụng cuối năm 2008.
Mấu chốt của vụ việc này ở chỗ: Từ năm 2008 - 2009, các thanh tra viên của Bộ LĐ-TBXH cho rằng, trường hợp các cụ CCB đã được xem xét giải quyết chế độ trợ cấp theo đúng Quyết định 120/2004 ngày 5/7/2004 của Thủ tướng, nay phải được xem xét lại. Nếu không vô sinh hoặc không sinh con dị dạng, dị tật, không mắc một trong 17 bệnh, tật theo danh mục của Bộ Y tế mới ban hành tại Quyết định 09/2008 ngày 20/8/2008 thì đều bị cắt chế độ trợ cấp.
Cách áp dụng pháp luật này của các Thanh tra viên Bộ LĐ-TBXH trái với nguyên tắc bất hồi tố của văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, danh mục của Bộ Y tế mới ban hành tại Quyết định 09/2008 ngày 20/8/2008 không thể áp dụng với các hồ sơ được xem xét, giải quyết từ các năm 2004 - 2006.
Chính vì vậy, từ năm 2008 - 2009, nhóm PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cùng nhiều cơ quan, tổ chức khác ở trung ương cũng như ở nhiều tỉnh thành. Nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của báo Tuổi trẻ Thủ đô, cùng các cơ quan tổ chức ở Trung ương, cuối cùng Bộ LĐ-TBXH ra Văn bản số 1932 ngày 8/6/2009.
Theo đó, thay vì lấy Danh mục trong Quyết định 09/2008 của Bộ Y tế làm căn cứ để rà soát như trước đây, nay Bộ LĐ-TBXH chỉ đạo phải lấy các văn bản có hiệu lực tại thời điểm xét duyệt hồ sơ làm căn cứ để rà soát. Đó là các Quyết định 26/2000/TTg và Quyết định 120/TTg của Thủ tướng cùng các văn bản hướng dẫn thi hành hai quyết định này.
Tại Văn bản số 1932 ngày 8/6/2009, Bộ LĐ-TBXH chỉ đạo rõ: “Những hồ sơ đã được lập đúng và đủ điều kiện theo hướng dẫn tại thời điểm các văn bản trên có hiệu lực, Giám đốc Sở LĐ-TBXH ra Quyết định cho hưởng lại chế độ trợ cấp người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”.
Từ chỉ đạo trên, cuối năm 2009, tất cả 11.447 cựu chiến binh trên toàn quốc được trả lại chế độ trợ cấp này.
Đến năm 2019, Kết luận Thanh tra số 401/KL-TTr lại một lần nữa đòi hỏi cắt trợ cấp với 36 CCB tại Hải Phòng cũng vì lý do như năm 2008 và cho rằng “Các CCB này không mắc các bệnh trong danh mục của Bộ Y tế mới ban hành tại Quyết định 09/2008 ngày 20/8/2008”, dù các trường hợp này đã được xem xét, giải quyết từ năm 2004 theo đúng quy định của Quyết định 120/2004 ngày 5/7/2004 của Thủ tướng.
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Tiến Thịnh, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa TP Hải Phòng làm việc với PV báo TTTĐ |
Chưa giám định, sao biết các CCB “không mắc các bệnh trong danh mục”?
Tại Kết luận Thanh tra số 401/KL-TTr ngày 9/9/2019 của Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBXH đều nêu lý do cắt trợ cấp của 36 CCB là “Không mắc bệnh trong danh mục (theo Quyết định 09/2008 của Bộ Y tế)”.
Nhóm phóng viên đã làm việc với thạc sĩ, bác sĩ Dương Tiến Thịnh, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa TP Hải Phòng - cơ quan thường trực của Hội đồng giám định Y khoa thành phố. Bác sĩ Dương Tiến Thịnh cũng là thành viên Hội đồng Y khoa TP Hải Phòng. Dưới 36 biên bản giám định từ cuối năm 2009 của 36 CCB bị cắt trợ cấp đợt này, bên cạnh chữ ký của Chủ tịch Hội đồng giám định Y khoa Hải Phòng đều có chữ ký của bác sĩ Dương Tiến Thịnh.
Trao đổi với chúng tôi về quá trình thăm khám và kết luận đối với các CCB vào cuối năm 2009, bác sĩ Thịnh cho biết: “Hội đồng giám định là cơ quan khoa học chuyên ngành. Hội đồng không thăm khám và kết luận theo yêu cầu cá nhân từ các CCB, chỉ làm việc khi có yêu cầu bằng văn bản của Sở LĐ-TBXH. Tức là các đương sự đã được thăm khám ở cơ quan y tế quận, huyện. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TBXH yêu cầu Hội đồng giám định thành phố thăm khám và kết luận đối với từng CCB: Có hay không có các bệnh A, bệnh B, C… và mức độ nặng nhẹ của từng cá nhân rồi Hội đồng sẽ đưa ra kết luận tỷ lệ phần trăm suy giảm sức lao động”.
Bác sĩ Thịnh cho biết, Sở LĐ-TBXH yêu cầu giám định bệnh, tật nào, theo văn bản nào thì Hội đồng thực hiện theo văn bản đó.
Sở LĐ-TBXH Hải Phòng yêu cầu giám định “Theo Công văn 1932 ngày 8/6/2009 của Bộ LĐ-TBXH”. Tại công văn này, Bộ chỉ đạo, phải lấy các văn bản có hiệu lực tại thời điểm xét duyệt hồ sơ (2004) làm căn cứ để rà soát.
Hồ sơ của 36 CCB bị cắt trợ cấp lần này đều đã được xét duyệt từ năm 2004 nên tại thời điểm xét duyệt hồ sơ chưa có danh mục 17 bệnh, tật mà Bộ Y tế ban hành theo Quyết định 09/2008 ngày 20/8/2008.
Tại thời điểm đó, văn bản hướng dẫn đang có hiệu lực chính là Thông tư liên bộ số 12/1995/TT-LB ngày 26/7/1995 của Liên bộ Y tế - LĐ-TBXH. Do vậy, Sở LĐ-TBXH hoàn toàn có căn cứ khi yêu cầu Hội đồng giám định áp dụng Thông tư liên bộ số 12/1995. Tại Thông tư 12/1995 này, Liên bộ Y tế - LĐ-TBXH ban hành bản quy định tiêu chuẩn thương tật dùng để giám định lần đầu và giám định lại thương tật chung cho các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Như vậy, có thể nói, 36 CCB bị cắt trợ cấp lần này chưa lần nào được giám định về các bệnh tật trong danh mục của Bộ Y tế theo Quyết định 09/2008 ngày 20/8/2008. Như vậy, tại sao các thanh tra viên lại biết các CCB “không mắc các bệnh trong danh mục”?
Cụ Bùi Xuân Tụ (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động được Hội đồng Y khoa thành phố kết luận lên tới 81% (mức cao nhất trong số nạn nhân nhiễm chất độc da cam) |
Ai chịu trách nhiệm pháp lý làm thất thoát hàng chục tỷ đồng?
Điều 55, Pháp lệnh Người có công quy định về “xử lý vi phạm”: “Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết đình công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận”.
Buộc “hoàn trả số tiền vi phạm” là một trong những biện pháp xử lý trách nhiệm pháp lý. Nói đến trách nhiệm pháp lý thì điều đầu tiên cần xem xét là yếu tố “lỗi”. Trong đó có lỗi giả mạo giấy tờ.
Từ năm 2004, triển khai thi hành Quyết định 120/2004 của Thủ tướng, các CCB được chính quyền trân trọng mời lên trụ sở để khai báo và cung cấp các giấy tờ…
Để được hưởng trợ cấp, không phải bất cứ ai khai là được. Lời khai báo cùng các giấy tờ của các CCB được rà soát bởi Hội đồng chính sách gồm các ban ngành, đoàn thể từ thôn ấp đến xã phường, huyện quận và quyết định cuối cùng là Hội đồng chính sách cấp thành phố. Riêng về vấn đề bệnh tật thì bắt buộc phải có sự thăm khám, kết luận của cơ quan y tế chứ không phụ thuộc vào lời khai của các CCB.
Như vậy, nếu không chứng minh được các CCB có lỗi đã giả mạo giấy tờ thì không thể buộc 36 CCB này phải hoàn trả số tiền đã nhận hàng tháng trong suốt 16 năm qua, từ năm 2004 đến năm 2020.
Theo các quyết định cắt trợ cấp hiện nay, số tiền phải thu hồi từ 36 CCB là rất lớn. Chỉ riêng trường hợp cụ Lương Cao Thừa (xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo) với tỷ lệ suy giảm sức lao động được Hội đồng Y khoa thành phố kết luận là 66%, số tiền mà cụ phải hoàn trả đã là 309.624.000 đồng. Vậy tổng số số tiền phải thu hồi từ 36 CCB này có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.