Cảnh báo ngộ độc rượu dịp cuối năm
Những nạn nhân bị ngộ độc rượu dừa tại Philippines được đưa vào bệnh viện điều trị. Ảnh: Rappler
Ngộ độc rượu có chứa methanol
Tại Philippines, rượu dừa còn được gọi là “lambanog”, được chế biến từ chiết xuất mật của hoa dừa. Đây là loại đồ uống phổ biến thường được sử dụng trong các ngày lễ lớn. Người dân địa phương thường sử dụng ống tre để hứng mật sau đó để lên men tự nhiên theo phương pháp chưng cất rượu truyền thống. Rượu dừa khá nặng, nếu chưng cất hai lần nó có thể đạt tới 80% nồng độ cồn.
Theo ông Vener Munoz, người đứng đầu thị trấn Rizal, tỉnh Lugana cho biết, rượu dừa không được kiểm soát chặt chẽ tại Philippines. Loại rượu này chứa nhiều chất phụ gia nguy hiểm. Để giảm giá thành và công sức, nhiều chủ lò rượu đã pha methanol công nghiệp vào rượu và gây ra những cái chết thương tâm.
Năm ngoái, ít nhất 21 người tử vong tại tỉnh Laguna và Tarlac trên đảo Luzon, sau khi uống phải rượu có độc tố. Sau đó, Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Philippines đã phát hiện trong rượu này có chứa hàm lượng methanol cao.
Methanol trong rượu là một chất cực độc. Khi vào cơ thể, chát này sẽ chuyển hóa thành các axit gây tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và thậm chí tử vong.
Rượu dừa từ lâu được sản xuất và tiêu thụ tại Philippines. Ảnh: CNN |
Không chỉ tại Philippines, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đau đầu vì vấn đề ngộ độc rượu. Năm 1986 tại Italy, nước sản xuất rượu vang nổi tiếng thế giới đã xảy ra vụ ngộ độc vì uống rượu vang làm hơn 90 người phải nhập viện, 23 người chết, nhiều người bị ảnh hưởng bởi độc tố dẫn tới mù mắt, tổn hại hệ thần kinh… Ngành công nghiệp rượu vang của Ý rơi vào cảnh lao đao.
Từ ngày 18 - 23/12/2016, 117 người ở Irkutsk, Siberia của Nga bị ngộ độc methanol, trong đó 71 người tử vong. Đây được coi là vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng nhất ở Nga. Tổng thống Putin phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp và đề nghị đưa ra những quy định nghiêm ngặt về việc sản xuất đồ uống có cồn. Hai người liên quan sản xuất rượu từ methanol bị bắt giữ.
Tháng 10 năm ngoái, hàng chục người tử vong và nhập viện do ngộ độc rượu gạo tại tỉnh Kratie (Campuchia). Các nạn nhân đã uống rượu, sau đó xuất hiện các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở. Cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân do rượu chứa methanol ở mức cao.
Hầu như năm nào ở Ấn Độ cũng có người chết vì ngộ độc rượu. Các vụ tử vong do ngộ độc rượu giả, rượu lậu rẻ tiền thường xuyên xảy ra ở quốc gia này, chủ yếu do nhiều người dân không có tiền mua các loại rượu có thương hiệu rõ ràng, giá thành cao. Theo Hiệp hội rượu quốc tế Ấn Độ, trong khoảng 5 tỷ lít rượu sử dụng mỗi năm tại Ấn Độ, có đến 40% sản xuất bất hợp pháp. Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ thống kê, trung bình 1.000 người, chủ yếu là người nghèo, thiệt mạng mỗi năm do uống rượu không rõ nguồn gốc.
Quản lý rượu, bia như thế nào?
Sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật và tử vong trên toàn cầu. Mỗi năm, tình hình sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại gây ra 5,3% số ca tử vong toàn cầu, tức là cứ mỗi phút có 6 người chết, với tổng số 3 triệu ca tử vong. Ở những người 20 - 39 tuổi, khoảng 13,5% tổng số ca tử vong là do rượu, bia gây ra.
Sử dụng rượu, bia cản trở các quốc gia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, như xóa đói giảm nghèo, tăng cường sức khỏe và hạnh phúc, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới, nước sạch và an ninh nguồn nước, tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu sự bất bình đẳng…
Ngộ độc rượu là một hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Ảnh: Reuters |
Để tránh tình trạng lạm dụng rượu bia, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về giấy phép, thời gian, địa điểm và cả độ tuổi khách hàng trong kinh doanh mặt hàng này.
Kể từ năm 2015, Indonesia chính thức ban hành lệnh cấm bán các thức uống có cồn trong cửa hàng tiện lợi cũng như cửa hàng bán lẻ khác. Quy định nhằm ngăn chặn các đối tượng dưới 21 tuổi uống rượu, đồng thời giúp quốc gia này kiểm soát tốt hơn hoạt động sản xuất, phân phối, buôn bán thức uống có cồn. Người vi phạm sẽ phải chịu hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù hoặc mức phạt từ 775 - 3.900 USD (khoảng 18 - 90 triệu đồng).
Tại Thái Lan, Chính phủ nước này ban hành lệnh cấm các cửa hàng, siêu thị đặt máy bán rượu, bia tự động hoặc những hình thức bày bán tiện lợi khác. Điều này nhằm hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ với đồ uống có cồn. Theo quy định, nước uống có cồn đóng chai chỉ được bán từ 11 - 14h và 17 – 24h hằng ngày. Người vi phạm có thể bị phạt 6 tháng tù hoặc phạt tiền 10.000 baht (khoảng 7 triệu đồng).
Luật của Liên bang Mỹ quy định muốn mua rượu bia, mọi người đều phải xuất trình thẻ căn cước và các cửa hàng chỉ bán rượu cho những người trên 21 tuổi. Đây là một quy định bắt buộc đối với tất cả các cửa hàng bán rượu. Nếu vi phạm, chủ cửa hàng có thể bị tước giấy phép bán rượu, một loại giấy phép rất khó để có được.
Tại một số nước châu Âu, người dưới 21 tuổi không được phép mua bất cứ loại đồ uống có cồn nào. Các cửa hàng, quán bar đều kiểm tra giấy tờ tùy thân để đảm bảo khách hàng đủ tuổi uống bia, rượu. Nếu không tuân thủ, cửa hàng bán rượu sẽ bị phạt tiền từ 500 - 4.000 euro (khoảng 13 - 102 triệu đồng).
Việt Nam là quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia tăng nhanh, đặc biệt ở nam giới. Theo kết quả nghiên cứu của tạp chí y khoa Lancet (Anh), trong giai đoạn 2010 - 2017, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tiêu thụ của Ấn Độ.
Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít... Trong một báo cáo công bố năm 2018, WHO cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
Tốc độ tiêu thụ chóng mặt như vậy tỷ lệ thuận với các vụ tai nạn giao thông, các bệnh liên quan đến bia rượu và đặc biệt là các loại rượu không có nguồn gốc rõ ràng. Hằng năm, cứ mỗi dịp cận kề Tết Nguyên đán, tình trạng ngộ độc rượu lại xảy ra rất nhiều và không có chiều hướng thuyên giảm. Nguyên nhân ngộ độc do họ uống phải rượu kém chất lượng. Vì vậy, bên cạnh việc quản lý thị trường và việc sản xuất rượu của chính quyền thì mỗi người dân cần nhận thức rõ tác hại của rượu bia, từ đó hạn chế nó. Đó chính là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Bài liên quan
Bài học từ nước Nga trong giảm sử dụng rượu, bia bằng các giải pháp kiểm soát mạnh mẽ
Không được uống và bán rượu, bia tại cơ sở vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi
Người say rượu, bia không được lên máy bay
Cận Tết, lại nhức nhối tình trạng lạm dụng rượu bia
Những lời khuyên cho việc chống ngộ độc rượu dịp Tết