Cha mẹ không yêu cầu xử lý, bảo mẫu có thoát tội?
Tạm giữ hành chính bảo mẫu nghi bạo hành
Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoang Mai, Hà Nội vừa cho biết: “Sau khi xác minh sự việc, cơ quan công an đang tiến hành tạm giữ hành chính 3 ngày đối với V.K.C - bảo mẫu nghi bạo hành bé trai 1 tháng tuổi. Cơ quan công an chưa ra quyết định tạm giữ hình sự vì đến lúc này, bé trai hoàn toàn tỉnh táo, tim đều mạch rõ, bụng mềm, ngực vững, khung chậu vững, bú tốt... Trên da chưa phát hiện xây xát bầm tím”.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt cũng thông tin: “Tạm giữ người theo thủ tục hành chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hành chính và bảo đảm cho việc xử lý vi theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây thương tích cho người khác hoặc cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm”.
Cảnh sát lấy lời khai đối với bảo mẫu nghi bạo hành bé trai 1 tháng tuổi ở chung cư Linh Đàm |
Trước đó, vào tối 31/5, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã vào bệnh viện Nhi Trung ương để phối hợp cùng y, bác sỹ theo dõi, cập nhật sức khỏe bé trai 1 tháng tuổi bị người giúp việc “rung, lắc” trong quá trình bế, chăm sóc đêm khuya. Cơ quan công an cũng cho biết, gia đình đã thông tin sức khỏe cháu bé ổn định nhưng để cẩn thận, phía bệnh viện vẫn theo dõi thêm và cơ quan công an đang cập nhật tình hình, làm biên bản với các bên liên quan để có hướng giải quyết vụ việc theo quy định.
Theo cơ quan Công an, khoảng 16 giờ ngày 31/5, anh N.V.B (31 tuổi, trú tại căn hộ chung cư khu HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), đến Công an phường Hoàng Liệt trình báo nghi vấn con trai anh B mới 1 tháng tuổi, bị người giúp việc bạo hành.
Sau khi nhận tin báo, cảnh sát đã đến nhà anh B, mời những người liên quan ra Công an phường làm việc. Bước đầu xác định, anh B kinh doanh tự do, thường xuyên phải đi công tác xa nên sau khi vợ sinh bé trai, gia đình thuê 2 người giúp việc, trong đó có V.K.C (SN 2002, quê quán Nam Định) được thuê từ cuối tháng 4 vừa qua.
Ngày 31/5, anh B xem camera tại phòng ngủ của con thì phát hiện khoảng hơn 2 giờ sáng 31/5, trong khi ở phòng ngủ một mình với bé trai, cùng với việc bế nựng, nữ giúp việc V.K.C đã có hành vi bế và lắc, rung cháu bé, khiến bé khóc to. Lúc này, mẹ cháu bé do bị ốm nên ngủ ở phòng ngoài với người giúp việc còn lại.
Lo lắng sức khỏe của con mình và bức xúc với hành vi của người giúp việc nên anh B đã đến cơ quan công an trình báo. Tuy nhiên ngay quá trình làm việc ban đầu, anh B nhận định con trai của mình sức khoẻ ổn định, không có thương tích gì, chỉ đề nghị cơ quan chức năng răn đe để nữ giúp việc C không tái phạm.
Cùng với việc mời nữ giúp việc C đến ghi lời khai cũng như suy nghĩ gì trong quá trình chăm sóc bé trai, Công an phường Hoàng Liệt và quận Hoàng Mai đã khẩn trương làm việc với Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy: Bé trai nhập viện tỉnh táo, tự thở, môi hồng, phổi thông khí đều hai bên, tim đều mạch rõ, bụng mềm, ngực vững, khung chậu vững, trương lực cơ bình thường, bú tốt. Trên da chưa phát hiện xây xát, bầm tím.
Camera ghi lại hình ảnh bảo mẫu “rung lắc” bé trai trong căn hộ chung cư |
Có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô trên góc độ pháp lý, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho biế, đây là hành vi bạo lực trẻ em. Tại khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; Xâm hại thân thể, sức khỏe; Lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
“Qua clip lan truyền trên mạng xã hội có thể thấy, C có hành vi lắc mạnh cháu bé rồi vứt xuống giường, khiến bé sơ sinh nhiều lần khóc thét lên. Hành vi của bảo mẫu trong trường hợp này hoàn toàn có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cháu bé. Tại thời điểm 1 tháng tuổi thì cơ thể trẻ em rất non nớt nên dù chỉ là 1 tác động nhỏ cũng dễ dẫn tới nguy hiểm, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ em.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ này đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, người cha người mẹ của cháu bé bị bạo hành đã có hành xử nhân văn, không yêu cầu cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm đối với nữ bảo mẫu, tạo điều kiện cho cô gái trẻ về nuôi con nhỏ”, luật sư Diện nói.
Cũng theo Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, dưới góc độ pháp luật, clip đăng tải trên mạng vẫn được xác định là nguồn tin về hành vi vi phạm hành chính hoặc hành vi có dấu hiệu tội phạm cần được cơ quan chức năng tiếp nhận xử lý theo quy định hiện hành. Hành xử nhân từ của gia đình cháu bé bị bạo hành không ảnh hưởng đến việc cơ quan chức năng có xử lý hành chính hoặc hình sự.
Tại trụ sở công an, gia đình cho hay sức khỏe bé trai ổn định, không có thương tích. Do đó đối với hành vi của nữ bảo mẫu có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 10-20 triệu đồng, đồng thời buộc phải chịu chi phí khám bệnh cho cháu bé theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP. Như vậy, khi phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền vẫn xử phạt hành chính nghiêm minh và cũng không phụ thuộc vào yêu cầu của bên thứ ba.
“Hành vi rung lắc cháu bé, có dấu hiệu phạm tội hành hạ người khác theo Điều 140, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ dung 2017, tất nhiên chúng ta phải chờ các kết luận của cơ quan điều tra mới có thể xác định chính xác tội phạm. Đối với tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người dưới 16 hoặc người không có khả năng tự vệ, bảo mẫu có khả năng sẽ bị phạt từ 1-3 năm tù.
Cụ thể, tội hành hạ người khác quy định tại Điều 140 là tội phạm khởi tố không cần căn cứ vào Yêu cầu khởi tố của bị hại, vì vậy, trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành phạm tội xảy ra, gia đình anh B không yêu cầu khởi tố thì chị C vẫn bị khởi tố theo quy định pháp luật. Hơn nữa, Tội hành hạ người khác tại Điều 140 là tội phạm cấu thành hình thức, vì vậy, chỉ cần có các hành vi được mô tả tại Điều 140 là có thể bị xử lý về tội này”, luật sư Vi Văn Diện đưa ra nhận định và phân tích.