Chàng trai Hà thành làm giàu với con cà cuống
Chàng trai “vàng” môn Vật SEA Games 31: Quyết mang huy chương về tặng mẹ |
Hoàng Anh cho biết, cà cuống là loài côn trùng quý hiếm, con đực chứa bọng tinh dầu có mùi thơm như quế. Tuy xuất hiện từ sông nước, đồng ruộng nhưng cà cuống từng nổi danh ở Hà thành từ xưa, gắn liền với nhiều món ăn đặc trưng như bún thang, bún chả, bánh cuốn,... Nói cách khác, nhờ cà cuống những món ăn này có hương vị rất riêng.
Tuy nhiên, hiện nay do môi trường sống có nhiều thay đổi, con cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên. Điều này khiến Hoàng Anh vô cùng tiếc nuối. “Hương vị của cà cuống trong những món ăn đã được thưởng thức khiến mình không thể nào quên. Mình quyết định thử sức với loài côn trùng khó tính này”, Hoàng Anh chia sẻ.
Bạn trẻ Hoàng Anh với mô hình nuôi cà cuống |
Nghĩ là làm, năm 2018, Hoàng Anh bắt đầu thử nghiệm nuôi cà cuống. Tuy nhiên, chàng trai trẻ gặp không ít khó khăn do chưa hiểu rõ về loài côn trùng này. Chúng không chỉ bị ảnh hưởng bởi thời tiết mà còn có đặc tính ăn nhau nên những lứa đầu tiên hầu như mất trắng. Điều này khiến Hoàng Anh rất buồn nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ bỏ cuộc.
Mất gần 1 năm loay hoay vừa nuôi vừa quan sát mô hình của Hoàng Anh mới dần đi vào ổn định. Nắm rõ được quy trình, kỹ thuật nuôi chàng trai trẻ mạnh dạn thuê một khu đất ở Đông Anh (Hà Nội) xây 9 bể nuôi, mỗi bể anh thả 400-500 con.
Thức ăn của cà cuống chủ yếu là côn trùng và cá nhỏ. Tuy nhiên, người nuôi phải chú ý cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ để tránh tình trạng cà cuống cắn nhau, dẫn đến hao hụt. Để đảm bảo nguồn nước nuôi đủ sạch, người nuôi phải thay nước, dọn bể thường xuyên.
Theo Hoàng Anh, nuôi cà cuống không quá khó khăn hay vất vả nhưng cần chăm chỉ vì loài này sống theo kiểu hoang dã. Vì thế, người nuôi không cần phải động chạm bể nuôi nhiều nhưng phải quan sát liên tục để tránh tình trạng ăn nhau hoặc cá ở trong bể bị chết. Vì cà cuống không ăn đồ chết mà chỉ ăn đồ tươi.
“Thức ăn cho cà cuống là loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con, nên khi thức ăn tiêu thụ không hết rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước. Để đảm bảo nguồn nước nuôi cà cuống đủ sạch, thì người nuôi phải thay nước thường xuyên. Ngoài ra, quá trình sinh trưởng từ khi trứng nở đến trưởng thành thì chúng trải qua 5 lần lột xác, mỗi lần như vậy người nuôi phải theo dõi để vớt phôi xác nên mất rất nhiều thời gian”, Hoàng Anh giải thích thêm.
Cà cuống được nhiều người tiêu dùng ưa thích |
Hiện nay, người tiêu dùng chủ yếu biết đến các sản phẩm được chế biến từ thịt cà cuống như chiên, nướng, hấp,… do thịt và trứng cà cuống chứa nhiều protein, lipid. Tuy nhiên, giá trị nhất của con cà cuống là phần túi tinh dầu (nằm ở cà cuống đực)
Ở phần lưng của con cà cuống đực có 2 ống nhỏ gọi là bọng tinh dầu, màu trắng, rất thơm. Vì vậy, nhiều người kỳ công chiết xuất thành tinh dầu, bảo quản trong lọ kín, mỗi lần ăn chỉ cần mang ra nhỏ 1 - 2 giọt vào bát nước chấm để tăng hương vị.
Cà cuống đực thương phẩm được Hoàng Anh bán với giá 50.000 đồng/con, 1kg dao động từ 80 - 100 con. Như vậy, mỗi kg có giá lên tới 5 triệu đồng, tuy giá cao nhưng ông chủ 9X luôn không đủ hàng để bán. Mỗi tháng, anh bán ra thị trường khoảng hơn 1000 con, trừ hết mọi chi phí, anh thu về được khoảng chục triệu đồng.
Khách hàng của Hoàng Anh chủ yếu là người đứng tuổi nên chỉ cần hàng chuẩn chứ họ không quan tâm nhiều về giá thành. Đây là một trong những thuận lợi để chàng trai trẻ đưa sản phẩm ra thị trường. Để thu hút khách hàng hơn, Hoàng Anh đặt mua nước mắm tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) về ngâm cùng cà cuống. Hiện sản phẩm này anh chủ yếu dành tặng để người tiêu dùng trải nghiệm.
“Với những giá trị cà cuống mang lại, mình hi vọng sẽ ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm này hơn. Vì thế, thời gian tới mình sẽ đẩy mạnh quảng bá. Ngoài bán cà cuống thương phẩm, mình cũng bán con giống cho những người có nhu cầu và hỗ trợ họ tiêu thụ”, Hoàng Anh cho biết.