Chàng trai “truyền lửa” nghề nặn tò he
Phú Xuyên là huyện có nhiều nghề và nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu. Từ năm 2011, huyện chính thức lấy ngày 26 tháng 10 hằng năm là “Ngày vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên”.
Sinh ra và lớn lên tại làng Xuân La, kí ức thưở bé của anh Hậu gắn liền với những con tò he đầy đủ kiểu dáng, màu sắc bắt mắt, được tạo nên từ bàn tay tài hoa của ông ngoại – một nghệ nhân tò he nổi tiếng. Cũng chính từ những sở thích ngày nhỏ, cộng với sự chỉ bảo tận tình của ông ngoại, dần dần nghề nặn tò he đã trở thành một phần cuộc sống của anh Hậu.
Trước những biến đổi thăng trầm của làng nghề, đã có lúc anh cảm thấy nhụt chí và định bỏ nghề nhưng vì nghĩ đến những em nhỏ còn mặn mà với tò he khiến anh lại có thêm động lực. Cùng với những chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, nghề thủ công này ngày càng phát triển, chàng trai càng có quyết tâm “bám” nghề và sống bằng nghề.
Anh đã cùng với nhiều nghệ nhân trong làng thành lập nên “Câu lạc bộ nghệ nhân tò he thôn Xuân La” năm 2010. Dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội, các nghệ nhân tò he làng Xuân La đã tổ chức hội thi nặn tò he và thiết kế một số sảm phẩm độc đáo mang kích thước khổng lồ. Bao gồm tác phẩm: “Con rồng thời Lý” và tác phẩm “Tượng vua Lý Thái Tổ”. Đây là hai tác phẩm được trưng bày trong ngày khai mạc Đại lễ. Sản phẩm độc đáo đã được Nhà nước tặng danh hiệu “Kỷ lục Guinet Việt Nam”.
Bản thân anh Hậu cũng tổ chức những buổi học dạy nặn tò he cho các em nhỏ tại Mường Khến, Hòa Bình, hai lần dạy tại khu đô thị Ciputra Tây Hồ - Hà Nội. Tại các lớp học, số em nhỏ tham gia rất đông, ai cũng hồ hởi vui vẻ, bên cạnh đó cũng có những ông bố, bà mẹ đến một mình chỉ để mua được tò he về cho con, khiến anh rất cảm động.
Muốn phát huy hơn nữa làng nghề truyền thống, anh Đặng Văn Hậu cũng như các nghệ nhân khác luôn phải cập nhật các nhân vật hoạt hình cho phù hợp thị hiếu của lớp trẻ. Vì vậy, bản thân anh cũng thường xuyên tìm hiểu phim hoạt hình, nhân vật nào đang được yêu thích; đồng thời vạch ra những kế hoạch riêng cho mình trong việc phát triển nghề.
Anh Hậu chia sẻ: “Nghề nặn tò he là một nghề thật sự quý giá. Nghề này đã nuôi sống cả làng tôi, vượt qua những năm tháng khốn khó, thời chiến tranh và bây giờ. Hơn thế, điều làm những người con Xuân La tự hào, là vì mình đang là người giữ gìn một nét đẹp văn hóa người Hà Nội nói chung, người Phú Xuyên nói riêng. Tôi nguyện giữ và truyền “lửa nghề” truyền thống để nghề nặn tò he mãi mãi tồn tại với thời gian”.