Châu Âu đứng trước nguy cơ làn sóng dịch mùa Đông
Hiện Châu Âu là tâm dịch mới của thế giới (Ảnh: AP) |
Theo thống kê, Châu Âu đã có thêm 2 triệu ca lây nhiễm Covid-19 vào tuần trước. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cảnh báo, số ca lây nhiễm Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục tăng rất nhanh, dự báo số ca nghiêm trọng phải nhập viện và tử vong sẽ còn tăng trong ít nhất là 2 tuần nữa.
Trong số 27 quốc gia thành viên EU thì Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách “rất đáng lo ngại”.
Bỉ, Phần Lan, Liechtenstein và Ba Lan đều có số lượng ca nhiễm tăng cao. Nằm trong danh sách “đáng lo ngại” hiện có 13 quốc gia: Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia.
Công hòa Síp, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3 “tình hình đáng lo ngại vừa phải” và Malta, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.
Phương pháp được ECDC sử dụng cho đánh giá là sự kết hợp giữa các giá trị tuyệt đối (số trường hợp, ca nhập viện và tử vong) với sự gia tăng trường hợp nhiễm bệnh mới gần đây.
Trong 24 giờ qua, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức là trên 40 nghìn ca, đưa tổng số ca mắc Covid-19 tính từ đầu dịch đến nay tại quốc gia này lên trên 5 triệu ca. Đức trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ năm tại Châu Âu, sau Anh, Nga, Pháp và Tây Ban Nha.
Mùa đông đang bắt đầu ở Châu Âu và nhiệt độ rất thấp khiến dịch bệnh có thể trầm trọng thêm (Ảnh: AP) |
Theo các chuyên gia, sự bùng phát dịch trở lại tại lục địa già do nhiều nguyên nhân. Giám đốc WHO của khu vực Châu Âu, Hans Kluge, tuần trước từng yêu cầu nhà chức trách các nước cần đẩy nhanh triển khai tiêm chủng, bao gồm tiêm cho trẻ em và mũi tiêm nhắc lại cho nhóm rủi ro.
Ông Kluge cho biết: “Đa số người nằm viện và tử vong vì Covid-19 hiện nay là người chưa tiêm chủng đầy đủ”.
Mặc dù vắc-xin đã ngăn ngừa bệnh nặng và đặc biệt là giảm ca tử vong nhưng chúng chỉ là vũ khí mạnh nhất nếu được dùng kết hợp với các biện pháp phòng ngừa. Theo ông Kluge, nếu được áp dụng thống nhất, các biện pháp phòng ngừa sẽ cho phép chúng ta tiếp tục cuộc sống bình thường. Ông Kluge ước tính 200.000 người có thể sẽ được cứu sống nếu 95% người dân Châu Âu đeo khẩu trang.
Số ca tử vong và số ca mắc tại Đức gia tăng mạnh kể từ giữa tháng tháng 10 vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêm chủng chưa cao (chỉ đạt khoảng 67%) khiến nhiều người trong nhóm dễ bị tổn thương mắc bệnh.
Bên cạnh đo, một số chuyên gia y tế Đức cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong tuần qua là do nhiệt độ lạnh hơn làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp.
Do đó, ngoài việc kêu gọi chính quyền các bang tiếp tục áp đặt biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang bắt buộc hay những quy định khác về vấn đề vệ sinh, Phó Thủ tướng Đức Scholz cũng kêu gọi thực hiện chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.
Chính phủ Đức cũng có kế hoạch áp đặt quy tắc “2G plus”, tức là những người đã tiêm vắc-xin hoặc đã bình phục sau khi mắc Covid-19 muốn đến một số sự kiện nhất định bắt buộc phải xét nghiệm PCR trước khi tham gia. Điều này nhằm giúp giảm nguy cơ lây nhiễm ở nhóm đối tượng yếu thế.
Dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện Đức vào ngày 18/11 trước khi trình lên Thượng viện để thông qua một ngày sau đó.
Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng đang đề xuất áp dụng xét nghiệm miễn phí trở lại sau hơn một tháng thu phí.
Chính phủ Litva đã thông qua đề xuất của Bộ Y tế nước này về việc bắt buộc đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang bảo hộ trong không gian kín từ ngày 15/11. Biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng.
Trong 24 giờ qua, Litva ghi nhận trên 1,4 nghìn ca mắc mới. Tỷ lệ lây nhiễm tại nước này trong vòng 14 ngày lên mức 1.233,2/100.000 người.
Doanh nghiệp Châu Âu lạc quan hơn về môi trường kinh doanh Việt Nam |
Một số nước Châu Âu tái áp đặt các biện pháp hạn chế xã hội |
Châu Âu thiếu trầm trọng tài xế xe tải đường dài |