Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị đái tháo đường
Trẻ em cũng có thể mắc bệnh tiểu đường
Nếu như trước đây, tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì những năm gần đây, tỷ lệ người mắc căn bệnh này có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Đáng nói, độ tuổi mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi thì nay căn bệnh này lại gặp ở nhiều người thuộc lứa tuổi 25-30, thậm chí có những trẻ 12-13 tuổi đã bị tiểu đường mà bản thân hay gia đình không hề biết.
Thời gian gần đây, các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ em từ 7 – 16 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.
Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường có xu hướng ngày càng trẻ hóa |
Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân khiến người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa là do chế độ ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, dầu mỡ, tinh bột, kẹo bánh, đồ ngọt, lười vận động, hay ăn đêm… dẫn đến béo phì, gây áp lực lên tuyến tụy, từ đó dẫn đến tiểu đường.
Ngoài ra, nếu bố, mẹ mắc tiểu đường hoặc nếu người mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì khi sinh ra, con cũng có nguy cơ bị đái tháo đường cao.
Tiểu đường được phân thành hai loại gồm: Type 1 và type 2. Trong đó, đái tháo đường type 1 thường gặp ở người trẻ. Tình trạng bệnh lý này xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất từ 10-14 tuổi. Tiểu đường type 2 là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất và thường liên quan đến đề kháng insulin.
Ngoài hai type đái tháo đường phổ biến trên, ở trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi (MODY), hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).
Lựa chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý
Với trẻ bị đái tháo đường type 1, nhìn chung phụ huyn vẫn có chế độ ăn như bình thường, chỉ cần hạn chế (không phải là cấm tuyệt đối) cho trẻ ăn đồ ngọt, hạn chế tinh bột và hạn chế dùng mỡ động vật.
Chế độ ăn uống phòng và điều trị đái tháo đường |
Còn với trẻ bị đái tháo đường type 2 thì năng lượng, tinh bột trẻ ăn hàng ngày cần được tính toán chặt chẽ hơn. Bố mẹ nên cho trẻ bị đái tháo đường ăn thành nhiều bữa trong ngày vì ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao. Đồng thời, gia đình nên thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.
Các thực phẩm không nên ăn: Đường ngọt, bánh kẹo, nước ngọt, kem, nước mía, các loại quả khô ướp đường như mứt, quả ngọt sấy khô như chuối, mít…; các đồ ăn chế biến sẵn như patê, xúc xích, lạp sườn, thịt hun khói…; các món ăn xào rán nhiều mỡ, bánh mỳ, mỳ tôm, cơm, các loại thịt nhiều mỡ, bơ, pho mát…
Các thực phẩm nên ăn: Ngũ cốc nguyên hạt như ngô, khoai sọ…; các loại rau xanh như bắp cải, rau cần, rau bí, rau muống…; quả chín ít ngọt như dưa chuột, thanh long, bưởi, cam, táo ta, lê, mận…
Tuy nhiên, trẻ đái tháo đường cũng không cần thiết phải kiêng đường hoàn toàn. Hiện nay, trên thị trường đã có những sản phẩm sử dụng những loại đường thay thế rất tốt cho người đái tháo đường.
Chị Nguyễn Thu Linh (Quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Con tôi được chuẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 do đó tôi không cho cháu đồ ngọt, bánh kẹo thay vào đó là hoa quả, nước ép trái cây. Tuy nhiên tôi cũng lo ngại lượng đường tự nhiên trong nước ép trái cây có ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ mắc tiểu đường?
ThS. BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: Trái cây là một nguồn chất xơ rất tốt cho cơ thể; có hai loại chất xơ, chất xơ hòa tan và không hòa tan.
Chất xơ hòa tan là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi ở đường ruột, gắn kết với các axit mật trong ruột làm giảm nhũ tương hóa chất béo của thức ăn (làm dễ tiêu), thẩm thấu, nối kết với các cholesterol và thải trừ chúng ra khỏi cơ thể.
Chất xơ không hòa tan giúp hạn chế sự tăng đường máu sau khi ăn ở bệnh nhân đái tháo đường, phòng chống tăng cholesterol trong máu và phòng chống ung thư trực tràng. Nếu như chúng ta chỉ uống nước ép trái cây nghĩa là đã loại bỏ đi phần chất xơ có tác dụng cản trở việc tăng đường đặc biệt quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường.
Khi ép trái cây chúng ta thường cần phải sử dụng lượng trái cây lớn hơn khiến nước ép chứa nhiều đường hơn trái cây toàn phần và không có chất xơ khiến cơ thể hấp thụ đường nhiều và nhanh hơn. Lượng đường trong máu cao gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng với trẻ em mắc đái tháo đường.
Vì vậy, cách tốt nhất là nên cho trẻ ăn nguyên trái cây; ví dụ khi ăn cam nên ăn cả múi, ăn táo cả vỏ bởi chất xơ có nhiều trong vỏ, xác làm hấp thu đường chậm và có khả năng chống táo bón; không nên ép thành nước để uống vì dễ tăng đường huyết cao sau ăn.