Chế độ dinh dưỡng khi mang thai - Chìa khóa vàng cho sự phát triển của trẻ
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý
Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi ra đời. Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, nếu bà mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt, kể cả con của các bà mẹ suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu bà mẹ mang thai thiếu ăn sẽ tăng nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân.
Đáng nói, đối với những trẻ sinh non tháng, nhẹ cân khi lớn lên sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, giảm dự trữ thận, giảm chức năng phổi, chậm dậy thì, dễ bị trầm cảm và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao. Riêng đối với trẻ gái sinh nhẹ cân có nguy cơ suy dinh dưỡng khi trưởng thành, lại tiếp tục là một yếu tố nguy cơ sinh con nhẹ cân cho thế hệ kế tiếp.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong ba tháng đầu |
Theo TS. BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế): Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong quá trình mang thai của người phụ nữ. Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ rất quan trọng, bà mẹ cần được đánh giá tình trạng dinh dưỡng, theo dõi cân nặng thường xuyên. Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cân bằng, hợp lý bà mẹ cần uống bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất theo qui định của ngành y tế.
Ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, đây là giai đọan phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ nên ngoài việc uống bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất, thai phụ cần chú ý ăn các thực phẩm giàu canxi, kẽm như tôm, cua, sữa, thủy sản, trứng. Đồng thời đảm bảo cung cấp đủ canxi 1200mg/ngày.
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy dinh dưỡng thai phụ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi, đặc biệt cần tăng năng lượng bữa ăn như: Nhu cầu về năng lượng của thai phụ theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng. Mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng cuối là cung cấp năng lượng tăng 450 Kcal/ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý). Về tính cân đối của khẩu phần cần đảm bảo số lượng chất béo và chất lượng chất béo (cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đủ các acid béo không no cần thiết).
Những loại thực phẩm giàu Protein |
Ngoài ra, cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng thông qua đa dạng thực phẩm, bổ sung chất đạm, chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi: Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn của bà mẹ có thai cần bổ sung thêm chất đạm, chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ.
“Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn sẵn có như trứng, cá, tôm, cua, thịt, đậu đỗ các loại (đậu tương, đậu xanh…) và vừng, lạc. Đây là những thức ăn có hàm lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo. Thai phụ nên cố gắng uống thêm sữa và chế phẩm sao cho đạt 6 đơn vị sữa/ngày (tương đương 600ml sữa pha chuẩn)… Việc thực hành dinh dưỡng hợp lý sẽ khắc phục tình trạng nghén để đạt mức tăng cân phù hợp với tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai”, TS. BS Huỳnh Nam Phương nhấn mạnh.
Kết hợp ăn uống và vận động nhẹ nhàng
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai nhu cầu năng lượng tăng lên so với bình thường, đặc biệt vào thời kỳ 3 tháng cuối. Như vậy, đối với bà mẹ mang thai, nhu cầu năng lượng phải tăng lên 350 kcalo/ngày vào tháng thứ 3 trở đi và tăng lên 500kcalo/ngày vào 3 tháng cuối và thời kỳ nuôi con bú. Như vậy, mỗi ngày cần từ 2600 - 2800 kcalo/ngày (bình thường phụ nữ cần 2200 - 2300 kcalo/ngày).
Cùng với việc cân đối các chất bột, chất đạm và chất béo, thai phụ chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau, củ quả; Uống nhiều nước và các loại chất lỏng, giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể, hỗ trợ rất tốt cho việc chuyển hóa các chất và đào thải các cặn bã, chất độc trong cơ thể (lượng nước cần thiết tối thiểu hàng ngày khoảng 1,5 lít).
Ngoài chế độ ăn hợp lý, thai phụ cũng cần thăm khám định kỳ để được tư vấn về sức khỏe và dinh dưỡngchee |
Các thai phụ cũng cần chú ý bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như: Can-xi, axit folic, sắt, các vitamin... Thai phụ cũng có thể sử dụng thuốc bổ, các viên đa vitamin để bổ sung các vi chất cho cơ thể nhưng cần chú ý sử dụng với liều lượng hợp lý và có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài 3 bữa chính, thai phụ nên bổ sung các bữa ăn nhẹ để kiểm soát sự thay đổi lượng đường trong máu và đảm bảo đủ năng lượng cho thai nhi phát triển, tuyệt đối không bỏ qua các bữa ăn sáng. Thai phụ cần chú ý kiêng không dùng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc; Giảm ăn các loại gia vị như tỏi, ớt, hạt tiêu, đặc biệt cần kiểm soát kỹ, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn. Nếu thức ăn có nhiều muối, thai phụ có thể bị phù nề.
Để khắc phục các triệu chứng nghén trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ cần lưu ý ăn bữa nhỏ, bữa phụ giàu dinh dưỡng; Ăn các loại trái cây, thức ăn lỏng; Tránh thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ; Uống nước ngoài bữa ăn; Đồng thời thai phụ cũng có thể bổ sung đa sinh tố, vi chất và không nên uống thuốc chống ói.
Bên cạnh đó, các thai phụ cần chú ý, cùng với khẩu phần ăn hợp lý cần phải kết hợp với sự vận động bằng các bài tập nhẹ, đi bộ... để kiểm soát việc tăng cân và giúp cho việc sinh nở diễn ra dễ dàng.Thai phụ nên giữ cho tâm lý vui vẻ, duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, không nên thức khuya hay làm việc quá sức. Để theo dõi sự phát triển của thai, các bà mẹ nên thực hiện việc khám thai định kỳ trong suốt thời kỳ mang thai.