Trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cho người dân tỉnh Quảng Trị
Lớp học được tổ chức trong thời gian 3 ngày cho người dân là các hộ nghèo, cận nghèo thuộc chương trình “Không còn nạn đói” tại xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Các học viên được nghe, xem video, thảo luận các chuyên đề về tập huấn cho người dân về sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho người dân về sử dụng lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Chia sẻ về nội dung khóa tập huấn, chị Nguyễn Vân Giang, giảng viên trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 cho biết: Thông qua buổi tập huấn, người dân xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị sẽ được học hai bài học gồm: Thực hành sử dụng lương thực, thực phẩm phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, trong đó có chế độ dinh dưỡng cho từng độ tuổi; Lựa chọn thực phẩm phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Thực hành xây dựng bữa ăn gia đình hợp lý.
Bài 2 là hướng dẫn sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng gồm: Sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện nông hộ; Vườn dinh dưỡng hộ gia đình; Thực hành cải tạo vườn dinh dưỡng.
Người dân xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tham gia lớp tập huấn |
Các nội dung của các bài là rất cần thiết hữu ích đối với các hộ gia đình thuộc chương trình “Không còn nạn đói” thuộc xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Tham gia giảng dạy tại lớp học, các giảng viên của Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 là những người có nhiều kinh nghiệm và rất nhiệt tình giảng dạy. Họ đã đưa ra rất nhiều kiến thức thực tế. Sau khóa tập huấn, lớp học đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu về lý thuyết cũng như thực hành.
Các nội dung lý thuyết được học tập và trao đổi tại lớp học, học viên có cơ hội được chia sẻ, trình bày kinh nghiệm cũng như những khó khăn trong việc xây dựng các bữa ăn dinh dưỡng và phương pháp cải tạo vườn thành vườn dinh dưỡng của chính hộ gia đình mình.
Phương pháp giảng dạy của các giảng viên dễ hiểu, lôi cuốn được học viên; Giảng viên sử dụng phương pháp giảng dạy có sự tham gia tích cực của học viên như trao đổi thảo luận nhóm, thuyết trình có minh họa, thực hành, phát vấn, hỏi đáp thắc mắc...
Khi tham gia lớp học, các học viên được cung cấp tài liệu gồm một bộ tài liệu tập huấn cho người dân về sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho người dân về sử dụng lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Người dân tham gia lớp tập huấn |
Theo đánh giá của lãnh đạo xã Vĩnh Khê, nội dung chương trình học tập rất phù hợp và cần thiết, sát với yêu cầu thực tiễn và trình độ của học viên, thời gian của một khóa học vừa phải; Tài liệu được cấp đầy đủ về số lượng và theo đúng nội dung của chương trình do giảng viên cung cấp;
Giảng viên tham gia lớp học nhiệt tình, giảng dạy tốt, có nhiều hình ảnh minh họa và video thực tiễn cho học viên nhằm truyền đạt được nhiều kiến thức bổ ích cho học viên; Công tác phục vụ lớp học được phối kết hợp giữa nhà trường và Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị rất tốt, công tác chuẩn bị chu đáo, đảm bảo đầy đủ các điều kiện như hội trường lớp học, văn phòng phẩm, thiết bị cho giảng dạy và học tập.
Học viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, 100% người dân đều thành thạo tiếng phổ thông nên việc truyền tải kiến thức thuận lợi.
Trước những hiệu quả của mô hình đem lại, UBND xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị nhà trường tiếp tục tổ chức nhiều lớp hơn nữa nhằm thay đổi nhận thức về chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời, phát triển kỹ năng về sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và an ninh thực phẩm hộ gia đình.