Chủ quán bánh xèo hành hạ cậu bé 15 tuổi đối mặt khung hình phạt nào?
Cháu bé bị chủ quán hành hạ tàn nhẫn
Liên quan vụ việc cậu bé 15 tuổi làm thuê cho quán bánh xèo bị chủ đánh đập tàn nhẫn, chiều 23/11, lãnh đạo Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã thông tin về kết quả điều tra ban đầu. Theo đó, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (34 tuổi, chủ quán bánh xèo miền Trung, ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã bạo hành 2 nhân viên V.V.Đ (21 tuổi) và T.Q.D (15 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi).
Em D khai nhận nhiều lần bị chủ quán bánh xèo miền Trung đánh đập dã man |
Theo lời khai, bà Tuyết đã đánh Đ và D khi cho rằng 2 nhân viên này lười, ở bẩn, hay ăn vụng đồ ăn. Chủ quán còn nghi ngờ D trộm cắp tiền nên nhiều lần đánh đập bằng các vật dụng như bàn chải đánh vẩy cá, dao phụ bếp... Đến trưa 21/11, bà Tuyết lại phát hiện bị mất tiền, nghĩ D gây ra việc này, nữ chủ quán bánh xèo tiếp tục đánh thiếu niên 15 tuổi.
"Chiều cùng ngày, lợi dụng lúc bà Tuyết đi đón con, D lấy quần áo bỏ đi khỏi quán. Sau đó, người dân phát hiện D và trình báo công an", Phó trưởng Công an huyện Yên Phong cho hay.
Về phần mình, cháu D khai nhận đang làm thuê cho bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết là chủ quán bánh xèo tại xã Yên Trung. Cháu D nói cháu và một nhân viên nữa của quán là Đ (SN 1999, thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi) hay bị chủ quán đánh đập, gây nhiều thương tích trên cơ thể, bắt làm việc nhiều giờ. Ngày 21/11, chủ quán nghi ngờ cháu ăn cắp tiền nên đã quát mắng, dọa dẫm làm cháu sợ hãi bỏ đi.
Sau khi làm việc với D và Đ, Công an huyện Yên Phong đã đưa cả hai đến cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị vết thương.
Chủ quán bánh xèo có thể đối diện án tù?
Ngày 22/11, Công an huyện Yên Phong cũng đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, làm việc và ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết về hành vi “hành hạ người khác” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Chủ quán bánh xèo miền Trung đang bị tạm giữ tại cơ quan công an |
Liên quan đến vụ việc trên, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản hỏa tốc gửi Công an tỉnh và các sở liên quan, chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc tại quán bánh xèo huyện Yên Phong.
Văn bản nêu rõ, qua phản ánh của báo chí về vụ việc cháu bé giúp việc tại quán bánh xèo ở thôn Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong có dấu hiệu bị bạo hành, UBND tỉnh giao giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Yên Phong điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Yên Phong và các cơ quan đơn vị liên quan hỗ trợ, can thiệp, kịp thời giúp đỡ cháu bé. Các huyện, thị xã, thành phố rà soát tất cả dịch vụ, cơ sở sản xuất trên địa bàn về việc sử dụng người chưa đến tuổi lao động.
Nơi xảy ra sự việc chủ quán bánh xèo Miền Trung bạo hành nam thiếu niên, gây nhiều thương tích |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hành vi của các đối tượng đánh đập, hành hạ cháu trai 15 tuổi rất tàn nhẫn, liền một lúc xâm hại nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ là quyền trẻ em, quan hệ lao động, sức khỏe, danh dự nhân phẩm. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm đối tượng đã hành hạ, gây thương tích cho cháu bé này.
Theo luật sư Cường, khoản 2, Điều 163, Bộ luật Lao động 2012 quy định, người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm việc tối đa 8 giờ một ngày và 40 giờ một tuần. Như vậy, trong vụ việc này cần phải làm rõ tuổi của cháu D đã đủ 15 tuổi chưa, đã đủ tuổi lao động hay chưa? Trường hợp cháu chưa đủ tuổi lao động hoặc đủ 15 tuổi nhưng việc chủ nhà hàng này sử dụng lao động 15 tuổi vào các công việc nặng nhọc, thời gian làm việc dài là vi phạm và sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này.
Hành vi đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho trẻ em (người dưới 16 tuổi) là nghiêm trọng, bị xã hội lên án và cần phải xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi cố ý gây thương tích và hành hạ người khác.
“Trước hết, cơ quan chức năng sẽ liên hệ với gia đình cháu D để có người kịp thời chăm sóc, hỗ trợ. Trong trường hợp gia đình không còn ai thân thích có thể chăm sóc giúp đỡ cháu thì các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương sẽ cử người can thiệp, hỗ trợ chăm sóc, đảm bảo sức khỏe và ổn định tâm lý. Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ triệu tập chủ cơ sở kinh doanh và những đối tượng có liên quan để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, hành hạ trẻ em làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Trong quá trình xác minh làm rõ sự việc, Cơ quan điều tra sẽ cho cháu đi giám định thương tích để xác định tỉ lệ, mức độ tổn hại sức khỏe. Trường hợp kết quả giám định cháu D có thương tích, dù dưới 11% nhưng vì hành vi gây thương tích cho trẻ em, có tính chất côn đồ... nên đối tượng sẽ bị khởi tố theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu không đủ căn cứ xử lý về tội cố ý gây thương tích thì vẫn có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Cậu bé làm thuê bị chủ quán bạo hành đang được điều trị tại bệnh viện |
Cũng theo luật sư Cường, pháp luật quy định, hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc về hôn nhân, huyết thống, lệ thuộc vào quan hệ lao động, diễn ra nhiều lần… hậu quả được xác định là nghiêm trọng thì người hành hạ người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hành vi hành hạ người khác với hai người trở lên hoặc gây tổn thương cơ thể từ 31% trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên đến 3 năm tù. Trường hợp có thương tích thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích với hình phạt nghiêm khắc hơn, phụ thuộc vào mức độ thương tích và hậu quả cụ thể xảy ra đối với nạn nhân theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 140. Tội hành hạ người khác 1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; c) Đối với 2 người trở lên. Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ... |