Chú trọng chuyển đổi số, tăng cường xúc tiến thương mại
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Sở tổ chức nhiều buổi việc với các phòng, cơ quan, đơn vị để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, kịp thời có những chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Sở Nông nghiệp tổ chức tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, Niu-Cát-Xơn, dịch tả heo châu Phi đến các cán bộ thú y địa phương, các chủ trang trại trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Sở NNPTNT) |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, tổng diện tích gieo trồng các cây ngắn ngày đạt 159.311 ha, bằng 64,9% so kế hoạch. Tỉnh triển khai 13 mô hình khuyến nông chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; Đồng thời, chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất cây trồng, bám sát địa bàn để kịp thời hỗ trợ nông dân chăm sóc cây trồng...
Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng tập trung quy mô lớn. Công tác cấp giấy an toàn dịch bệnh luôn được thực hiện thường xuyên. Việc khuyến khích thu hút đầu tư được triển khai thực hiện rộng rãi.
Các diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao giúp UBND tỉnh ký bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị gồm: De Heus Việt Nam (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng; Công ty BaF Việt Nam thực hiện dự án Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; Công ty sữa Việt Nam Vinamilk thực hiện dự án Tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Một mô hình trồng dâu lấy quả theo hướng hữu cơ đem lại giá trị cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Sở NNPTNT) |
Ngoài ra, Sở còn kịp thời phối hợp giải quyết các đề xuất của doanh nghiệp như: Đề xuất miễn thuế cho nông dân trồng bắp của Công ty Cổ phần sữa Vinamilk và đề xuất khảo sát địa điểm đầu tư của Tập đoàn Hùng Nhơn.
Nuôi trồng thủy sản giảm diện tích so cùng kỳ nhưng sản lượng vẫn đảm bảo. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt.
Công tác thủy lợi được tập trung thực hiện đảm bảo không thiếu nước phục vụ sản xuất bằng cách điều tiết nước tưới hợp lý, thực hiện các biện pháp tiết kiệm trên toàn hệ thống. Các hệ thống cấp nước sạch nông thôn thường xuyên được tu dưỡng. Số hộ dân sử dụng nước sạch tăng thêm khoảng 3.500 hộ; nâng tổng số hộ lên 23.786 hộ dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), ngành đã báo cáo trình UBND tỉnh về kết quả thẩm định hồ sơ và mức độ đạt chuẩn của 6 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu; Rà soát, tiếp tục hoàn thiện lại hồ sơ về hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng, hồ sơ đạt chuẩn NTM của huyện Gò Dầu.
Ngành tham mưu xét duyệt, đánh giá và xếp hạng 34 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 13 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 21 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm vào các chuỗi tiêu thụ ổn định, bền vững; Quảng bá thương hiệu thông qua các hội nghị, triển lãm thương mại OCOP nhằm tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản thế mạnh của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên.
Sản phẩm dâu tằm trồng theo hướng hữu cơ sau khi được sơ chế được nhiều khách hàng ưa chuộng (Ảnh Sở NNPTNT) |
Hợp tác tác xã và tổ hợp tác tiếp tục tăng. Tỉnh đã thành lập mới 5 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 119; Hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho sản phẩm của 6 hợp tác xã nông nghiệp và nhãn hiệu tập thể của 1 hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2025.
Các chính sách dần được người dân tiếp cận, phát huy hiệu quả hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất theo hướng bền vững và gia tăng giá trị.
Công tác thanh tra được triển khai quyết liệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm 40 trường hợp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cũng gặp một số khó khăn như: Giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào, công lao động tăng mạnh dẫn đến chi phí sản xuất nông sản tăng cao; Thị trường tiêu thụ, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, giá cả thay đổi liên tục phụ thuộc vào thương lái; Nắng nóng kéo dài đã gây ra cháy rừng.
Trong 6 tháng cuối năm để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2023, trên cơ sở các nhiệm vụ theo chỉ đạo trong chương trình hành động của Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình công tác của UBND tỉnh, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngành tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng NTM nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; Nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống, điều kiện sản xuất của dân cư nông thôn.
Một vụ săn bắt động vật hoang dã được kiểm lâm kịp thời ngăn chặn, phát hiện (Ảnh Sở NNPTNT) |
Tỉnh sẽ hoàn thành các đề án, dự án trọng điểm phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường chuyển giao khoa học, công nghệ và thực hiện hiệu quả hoạt động khuyến nông làm nền tảng cho chuyển đổi số trong nông nghiệp; Hỗ trợ thành lập các hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, sản phẩm, ngành hàng; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương quản lý để tạo quỹ đất công thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; Thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Ngoài ta, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành Nông nghiệp; Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.