Chúng tôi đã sống những năm tháng cực kỳ xứng đáng!
Nhà báo Phùng Huy Thịnh và bài thơ "Tâm sự tiểu đội chốt biên cương" năm 1979 Ấm áp, xúc động lễ kỷ niệm "Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận" |
Nhà báo Phùng Huy Thịnh (sinh năm 1953, quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội) xuất thân từ một chàng sinh viên Văn khoa lãng mạn của Đại học Tổng hợp.
Chia sẻ cảm xúc khi tham dự Toạ đàm “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức, nhà báo Phùng Huy Thịnh bày tỏ sự xúc động.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh kể về không khí sôi nổi, hăng hái, lãng mạn và đầy quyết tâm của Hội Sinh viên chiến sĩ 6971 |
“Đặc biệt, khi được xem triển lãm ảnh về không khí Ba sẵn sàng của những năm 1960 - 1970 khiến chúng tôi như được sống lại những ngày tháng lịch sử đầy tự hào”, nhà báo Phùng Huy Thịnh nói.
Bồi hồi nhớ lại, nhà báo Huy Thịnh chia sẻ: Ngày 6/9/1971, gần 4.000 thầy trò của các trường cao đẳng, đại học ở miền Bắc xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ.
Họ đã góp phần làm nên truyền thống anh hùng của thanh niên miền Bắc, của tuổi trẻ các trường đại học, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam, như thầy giáo Lê Anh Xuân, các sinh viên Nguyễn Văn Thạc, Chu Cầm Phong, Nguyễn Trọng Định...
Khi ấy, ông Thịnh đang chàng sinh viên năm hai Đại học Tổng hợp. Ông khoác trên mình màu áo lính và chiến đấu trong Đại đội Trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 lên bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
“Những trận đánh đầu ở chiến trường Quảng Trị rất khốc liệt. Vì phong trào Ba sẵn sàng ngấm vào máu, hàng vạn sinh viên vô cùng hăng hái. Chiến tranh đã tôi luyện dân tộc ta qua các cuộc kháng chiến trường kỳ thành một dân tộc kỳ lạ. Chúng tôi - những thanh niên sinh viên Hà Nội đã sống những năm tháng cực kỳ xứng đáng, đã sống hết mình”, ông Thịnh xúc động.
Tháng 5/1974, ông trở thành một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên tại sư đoàn, bắt đầu sự nghiệp cầm bút giữa lửa đạn chiến trường.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh nhớ lại hồi ức những chuyến tác nghiệp đầy hiểm nguy, gian khó khi gặp phục khích, “thám báo”. Hàng trăm chuyến tác nghiệp, có những chuyến ông phải đi vào sâu trong rừng Lào suốt nhiều ngày; có những chuyến tác nghiệp phải bám cả chiến dịch kéo dài vài ba tháng.
Mùa xuân 1975, nhà báo Huy Thịnh theo các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 trong chiến dịch giải phóng Huế, Ðà Nẵng; theo Lữ đoàn tăng 203 đánh tiên phong suốt từ Ðà Nẵng đến Phan Rang. Sau đó, ông ngồi trên xe của Thượng tá Lê Khả Phiêu tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Suốt dọc đường chiến dịch, người phóng viên, chiến sĩ trẻ đã viết rất nhiều bài báo về cuộc sống trận mạc, tường thuật các trận đánh... để ngay sau đó cùng các đồng nghiệp ở báo Chiến sĩ giải phóng làm số đặc biệt 30/4 và 1/5, in hàng vạn bản phát đến tận tay bộ đội và Nhân dân. Khi đó, phóng viên mặt trận Phùng Huy Thịnh vừa tròn 22 tuổi.
Buổi tọa đàm thu hút đông đảo các thanh niên Thủ đô tham dự |
Sau giải phóng, ông Thịnh tiếp tục học đại học và trở thành phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Theo yêu cầu công tác, sau khi học tiếng Khơ-me trong 5 tháng, ông sang Campuchia làm chuyên gia của TTXVN, giúp đỡ đào tạo cán bộ và xây dựng TTX nước bạn. Từ năm 1980 - 1989, gần một thập kỷ thường trú tại đây cũng là thời gian ông tích lũy nhiều kinh nghiệm cho nghề báo.
Toạ đàm là một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa báo Tuổi trẻ Thủ đô thực hiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đây không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử mà còn là cơ hội để nhìn lại chặng đường đã đi qua và hướng tới tương lai. Đồng thời, tọa đàm cũng là dịp để các nhân chứng, nhà nghiên cứu văn hóa, chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm quý báu để từ đó, tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ công dân Thủ đô nói riêng, người Việt Nam nói chung. |