Chuỗi sản xuất tôm đình trệ và khan hiếm nguyên liệu cuối năm
Chuỗi sản xuất đình trệ
Trong thời gian qua, tôm nuôi thu hoạch và tiêu thụ bị đình trệ do hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng phải thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa. Thiếu người, phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm) do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng dịch đều bị cách ly từ 14 - 21 ngày nên rất khó đáp ứng kịp thời và phát sinh tăng chi phí. Một số nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động hoặc thực hiện 3 tại chỗ nên công suất giảm.
Người nuôi tôm đang có nhiều nỗi lo |
Trong khi đó, nhà máy thu mua tôm do yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương nên thương lái khó đi lại, sợ lây nhiễm bệnh. Giá tôm thương phẩm ngày càng sụt giảm.
Đối với con giống, vận chuyển tôm bố mẹ từ Mỹ, Thái Lan… về cũng khó khăn. Thời gian vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam mất từ 45 - 60 giờ, cước vận chuyển một con tăng từ 20-30 USD lên 40 - 60 USD.
Tôm bố mẹ sản xuất trong nước tiêu thụ chậm: Công ty Moana hiện bán được 40% (dự kiến 2021 đạt 60%). Vận chuyển tôm giống từ miền Trung vào các tỉnh Đông băng sông Cửu Long (ĐBBSCL) cũng khó khăn với nhu cầu trung bình một tháng khoảng từ 6-8 tỷ con, cao điểm 10 tỷ con, trong đó tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cung cấp khoảng 60-70%. Do khó khăn đầu ra nên nhiều cơ sở cắt giảm chi phi đầu tư chăm sóc tôm bố mẹ, bên cạnh đó tình trạng cung cấp thức ăn tươi sống khan hiếm nên năng suất, chất lượng tôm giống giảm.
Đối với thức ăn thuỷ sản, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường chi phí sản xuất tăng do áp dung "3 tại chỗ". Các nhà máy có F0, dù được phép hoạt động trở lại nhưng việc tuyển dụng công nhân khó khăn. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng bị đứt gãy nếu nhà cung cấp có ca F0.
Sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu
Tổng cục Thủy sản dự báo những tháng cuối năm 2021 sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu. Bởi đến cuối tháng 8/2021 vẫn nhiều khó khăn trong sản xuất giống, thức ăn cho tôm và nuôi tôm thương phẩm.
Về sản xuất, cung ứng tôm giống: Hiện tôm bố mẹ đang nuôi giữ tại các cơ sở khoảng 55.000 con (50.000 con tôm thẻ chân trắng; 5.000 con tôm sú). Cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất, ương dưỡng; Sản lượng ước đạt 106,6 tỷ con. Trong đó, tôm sú 30,8 tỷ con, tôm thẻ chân trắng 75,8 tỷ con (bằng 105% so với cùng kỳ năm 2020). Từ đầu tháng 7, các cơ sở chủ động giảm sản lượng từ 30-40%, đến ngày 15/8 các cơ sở giảm sản lượng 50%, thậm chí tạm dừng hoạt động.
Theo Tổng cục Thủy sản, sản xuất thức ăn cho tôm trên cả nước có 35 nhà máy với công suất khoảng 2 triệu tấn/năm. Sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 650.000 tấn (bằng 66% công xuất thiết kế). Hầu hết các nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm đang hoạt động và áp dụng biện pháp "3 tại chỗ" ( với 33/35 nhà máy). Hiện có 2 nhà máy ngừng sản xuất do có ca F0.
Được mùa tôm nhưng nông dân không vui (Ảnh minh họa) |
Trong nuôi tôm thương phẩm, năm 2021, diện tích thả nuôi 711.766ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 là 703.595 ha), dự kiến sản lượng 584.600 tấn (năm 2020 là 547.000 tấn). Trong đó, sản lượng tôm sú 187.300 tấn, tôm thẻ chân trắng 397.300 tấn. 8 tháng năm 2021, sản lượng tôm thu hoạch tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng giá bán hiện nay giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ, có loại tôm giảm hơn 20.000 đồng/kg.
Hoạt động thả nuôi đang có chiều hướng giảm, do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi.
Như vậy, Tổng cục Thủy sản dự báo, các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu.
Đề xuất 8 giải pháp trọng tâm1. Quy trình nuôi phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. 2. Người nuôi cần tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn. 3. Đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch; Đồng thời kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. 4. Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu; Ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi. 5. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thu tôm, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào… để tiếp tục tái sản xuất. 6. Hỗ trợ người nuôi, không được nhân cơ hội này để nâng giá vật tư sản xuất. 7. Ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng lao động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng. 8. Tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xẩy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. |