Chương trình OCOP, du lịch nông thôn thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới bền vững
Chương trình OCOP tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao.
Hiện cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên |
Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Thông qua chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 |
Chương trình đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch.
Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống.
Phát triển du lịch nông thôn là niềm tự hào quê hương
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 khẳng định phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập của người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia |
Thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững ở các địa phương.
Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó ít nhất có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Đồng thời, coi phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí Nông thôn mới.
Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên |
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận kết quả thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua là đáng khích lệ, nhưng chưa có gì bảo đảm thành công lâu dài trong một thế giới cạnh tranh. Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng cho rằng các chủ thể cần chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Tích hợp đa dạng sản phẩm để chia sẻ lợi ích, từ đó tạo dựng được một cộng đồng đoàn kết trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông đặc sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị sắp tới, khi đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố cộng đồng |
“Tôi đề nghị sắp tới, khi đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố cộng đồng, bởi mục tiêu cốt lõi của Chương trình OCOP là tạo việc làm cho nhiều hơn người lao động, có tính bao trùm và gắn kết cộng đồng cao hơn…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sản phẩm OCOP muốn có giá trị cao cần phải tinh xảo, đặc biệt là tạo được cảm xúc cho người tiêu dùng. Chỉ khi sản phẩm tạo ra được sự khác biệt thì mới có thể mang lại giá trị vượt trội, giúp cải thiện đời sống cho người dân…
Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng nhấn mạnh: Du lịch cộng đồng phải mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương. Phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở.