Chuyện kể nghề truyền thống làm miến dong ở làng So, xứ Đoài
Thăm Làng Quất Động - cái nôi của nghề thêu truyền thống |
Hương vị khác biệt tạo nên đặc trưng
Làng So còn có tên là Sơn Lộ, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km. Đây là ngôi làng cổ được biết đến với ngôi đình So nổi tiếng, được xưng tụng là đẹp nhất xứ Đoài: “Đẹp đình So, to đình Cấn”.
Sản phẩm miến dong nghề truyền thống của làng So |
Làng So được bao quanh bởi 4 ngọn núi Long Ly Quy Phượng, phủ kín cây xanh, thiên nhiên ban tặng nguồn mạch nước giếng vừa trong vừa ngọt, đó cũng là một trong yếu tố quan trọng tạo nên độ trắng trong hương vị rất riêng của sản phẩm miến nơi này.
Người dân làng So không nhớ rõ nghề làm miến có tự khi nào, chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống mà ông cha để lại. Theo các cụ trong làng, tên gọi miến làng So gắn liền với ngôi đình So, một trong ngôi đình cổ kính nổi tiếng của địa phương.
Từ xa xưa, người dân nơi đây lưu truyền câu ca: “Cỗ yến thiếu miến làng So”, ý nói mâm cỗ dù có nhiều món ngon đến đâu cũng không thể thiếu miến làng So.
Theo chị Vương Thị Sen, chủ cơ sở miến dong Viên Sen tại làng So: “Để làm ra sợi miến ngon người làng So sử dụng 100% bột cây dong riềng.
Bột dong tiếp tục được ngâm và thau rửa kỹ cho lắng gạn cát và tất cả tạp chất trong bột lọc sạch đi, sau 3 lần lọc sẽ cho ra bột tinh sạch. Sau đó bơm một lượng nhỏ để làm bột chín, xong phối trộn bột sống, công đoạn này có tác dụng làm cho bột sống không bị lắng lại, sau đó cho vào nồi hấp thành bánh và mang ra phơi khoảng 90 - 180 phút tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nhiệt độ nắng, gió.
Điểm đặc biệt là khi phơi miến sẽ phơi ngược hướng gió để khô nhanh và đều. Sau khi bánh khô cho vào máy cắt, ngâm qua nước cho mềm và cho vào máy rèn thành sợi rồi đưa ra cánh đồng phơi khoảng 3 tiếng để sợi miến khô đều xong mới bó miến và đóng gói từng túi”.
Miến dong làng So được sản xuất quanh năm, tuy nhiên từ tháng 9 đến 12 được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết nên số lượng cao hơn bình thường. Hiện nay, do nhu cầu của thị trường và giảm bớt sức lao động các hộ gia đình đầu tư thiết bị máy bán tự động tạo năng suất cao, trung bình mỗi ngày thu được 3 - 4 tấn miến mỗi ngày. Miến làng So có màu trắng trong, sợi dai và giòn tự nhiên nấu quá lửa không bị nhão, bết dính, không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia.
Vừa phát triển nghề truyền thống, lại nâng cao kinh tế cho bà con
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vương Trí Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, hiện nay trong xã Tân Hòa có khoảng 59 hộ gia đình sản xuất miến dong, thu nhập so với làm ruộng thông thường cao hơn, riêng công nhân tráng bánh 400 ngàn đồng/ngày, thu nhập người lao động làm khác công đoạn đơn giản là 6 - 7 triệu đồng/tháng/người. Trung bình thu nhập 62 triệu đồng/người/năm. Mỗi hộ kinh doanh có khoảng trên dưới 20 lao động.
Miến dong làng So đã đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm trên toàn quốc theo đúng quy định và được khách hàng gần xa tín nhiệm, ủng hộ.
Sản phẩm miến dong làng So những năm qua thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm lớn của ngành nông nghiệp và ngành công thương.
Uy tín chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy đánh giá cao. Đây là tín hiệu vui và là động lực để người dân làng So tiếp tục phát huy giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu truyền thống của quê hương.
Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, kinh doanh miến Dong lại càng phát triển mạnh mẽ, nhờ sản phẩm chất lượng, giá thành vừa phải, lại có thể biến táu thành nhiều món ngon không thể thiếu trong dịp này. Nhiều du khách gần xa trên khắp mọi miền tổ quốc cũng tìm về đây để thưởng thức được hương vị thơm ngon đặc trưng này.
Việc sản xuất nghề truyền thống miến dong So không chỉ là giúp gìn giữ làng nghề truyền thống mà thêm vào đó, đây còn là công việc giúp hàng trăm bà con nơi đây có việc làm, trang trải cho cuộc sống.
Bác Vương Đình Ngọ có thâm niên làm miến dong cho biết: “Tôi làm nghề làm miến này cũng được mấy chục năm rồi. Trước đây làm bằng tay hết, nhưng mấy năm gần đây chuyển sang dây chuyền làm máy. Đi làm thuê như thế này công việc cũng không khó nhọc là mấy, chỉ ngồi nhiều, người không quen sẽ bị đau lưng.
Tôi năm nay cũng 68 tuổi rồi, việc nặng thì không làm được, ngồi không thì chán, nên việc ngồi bó miến, đóng gói rất phù hợp. Mỗi ngày tôi bó và đóng được hơn 100 bó miến, thu nhập cũng ổn định, bà con ngồi với nahu cũng thân thiết, nói chuyện rôm rả”.
Bác Nguyễn Hữu Truyền (chủ cơ sở miến dong Hữu Công) chia sẻ thêm: “Nhà tôi có 25 công nhân làm trong xưởng sản xuất miến. Thời buổi công nghiệp hóa phát triển, miến làng chúng tôi hiện nay sản xuất được số lượng lớn hơn so với thời ông cha. Khi máy tráng xong, chúng tôi mang ra ngoài đồng để phơi, sau đó lại mang về xưởng cắt thành sợi, rồi lại mang ra phơi một lượt nữa.
Mỗi ngày tại xưởng nhà tôi làm khoảng 4 tấn miến, tháng nào mà mưa ít thì lượng sản phẩm làm ra rất đạt nhưng những tháng mưa nhiều thì chúng tôi vô cùng khó khăn, miến gặp nước mưa sẽ bị hỏng ngay. Do vậy, việc làm miến trông chờ vào thời tiết rất nhiều nhưng nói chung vẫn khá ổn định, cũng tạo được nhiều việc làm cho bà con nông dân”.
Ngày nay, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất, hơn 100 hộ dân làng So đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm miến. Cho dù có những cải tiến nhất định nhưng người dân luôn ý thức giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống của cha ông, để nghề truyền thống không bị mai một và phát triển trong đời sống hiện đại.