Chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá ngoạn mục
Ngành nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ trong thiên tai, dịch bệnh Bước chuyển mình mạnh mẽ Du lịch Hạ Long: Bước chuyển mình mạnh mẽ |
Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có buổi trò chuyện cùng phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về những dấu mốc đặc biệt quan trọng của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong năm vừa qua.
- Xin chào Bộ trưởng. Năm 2020 vừa qua là một năm có nhiều biến động đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam khi cùng lúc phải đối mặt với khó khăn “kép” về thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành vẫn đạt tỷ lệ cao, kim ngạch xuất khẩu đạt được ở mức cao nhất từ trước đến nay với 41,25 tỷ USD. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, động lực nào giúp ngành Nông nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ như vậy?
- Năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt, dị thường xảy ra tại tất cả các vùng trên cả nước khiến cho ngành Nông nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Ngay đêm Giao thừa xuân Canh Tý, mưa rào diện rộng hơn 120mm tại thành phố Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng gây ngập úng cục bộ. Sáng mồng 1 Tết mưa đá diện rộng ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa và sản xuất nông nghiệp của bà con Nhân dân. Nửa đầu năm hạn khắc nghiệt ở cả ba vùng Bắc - Trung - Nam. Hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn cả mốc lịch sử năm 2016. Đặc biệt, trong hai tháng 10 và tháng 11 vừa qua, bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung vượt xa các mốc lịch sử quan trắc trước đó đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân, sản xuất nông nghiệp hầu như mất trắng.
Cùng với đó, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu như: Dịch tả lợn Châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, bệnh khảm lá sắn... có nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, có thể nói, năm 2020 là một năm hết sức khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng cao độ để vươn lên hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của ngành.
Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, bám sát thực tiễn, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Vì vậy, năm 2020, nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành tăng 2,68%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019; Trong đó duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo); Hơn 62% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Thu nhập của nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan gian trưng bày bên lề cuộc đối thoại với nông dân về chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. |
Cũng trong năm 2020, cả nước thành lập mới 14 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 1.555 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 17.300 hợp tác xã nông nghiệp. Cả nước thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên hơn 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương công nhận 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 53 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 11 doanh nghiệp so với năm 2019. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh...
- Có thể thấy rằng, trong khó khăn, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn không ngừng vươn lên, đảm bảo tốt nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Xin Bộ trưởng cho biết, vai trò của ngành Nông nghiệp đối với nền kinh tế nước ta trong giai đoạn vừa qua?
- Trong bối cảnh khó khăn, ngành NN&PTNT vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế. Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các vùng thiên tai lũ lụt, miền núi, vùng sâu vùng xa… luôn được quan tâm, nhất là trong bối cảnh thiên tai khốc liệt, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đảm bảo cho dân số 100 triệu dân, duy trì xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt ở mức cao kỷ lục. 5 mặt hàng xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, nhất là xuất khẩu gỗ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, ngành Nông nghiệp vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước, trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia, xuất khẩu nông nghiệp đạt rất cao. Đặc biệt là sự lên ngôi của lúa gạo Việt Nam, vượt cả Thái Lan, Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Trong khó khăn một lần nữa cho thấy Nông nghiệp Việt Nam có vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, khẳng định tiếp tục làm bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân.
Với bài học kinh nghiệm rút ra từ những thành tựu to lớn đã đạt được nhiệm kỳ qua và năm 2020, bước vào năm 2021 khởi đầu giai đoạn mới, chúng ta tin tưởng với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân cả nước, ngành Nông nghiệp sẽ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu đề ra.
- Trong năm 2020 vừa qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tăng cả về số lượng và chất lượng. Vậy mục tiêu trong giai đoạn tới của chương trình là gì thưa Bộ trưởng?
- Năm 2020, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Cả nước có trên 62% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng 8% so với cuối năm 2019); 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và có 3 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Quan trọng nhất là đời sống của người dân vùng nông thôn được cải thiện, nâng cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Đặc biệt, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc. Đến hết năm 2020, cả nước phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm OCOP.
Trong năm 2021, nước ta sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới trên 70%; Ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh trên 91%; Thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp; Cả nước có 19.500 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 16.500 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
- Trước thách thức kép như hiện nay, Bộ NN&PTNT có giải pháp như nào để trong giai đoạn tới, ngành Nông nghiệp giữ được đà tăng trưởng ấn tượng, hoàn thành các chỉ tiêu do Chính phủ đề ra?
- Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp khoảng 2,7 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 2,8 - 3,1%; Trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7%, thủy sản tăng 3,8%, lâm nghiệp tăng 5,0%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng...
Để đạt mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền; Đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn phồn thịnh, văn minh.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương có các vùng nguyên liệu tương đồng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam; Kết nối nông nghiệp với công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu và cơ bản hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!