Chuyện về chàng trai Kinh Bắc
TTTĐ- Đặng Sơn Dương, sinh năm 1994, sinh viên năm thứ 4 trường đại học Ngoại thương Hà Nội, đến từ thành phố Bắc Ninh. Cậu từng là học sinh trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh và được biết đến là một con người ngay thẳng, thật thà, hiền lành, tốt bụng.
Ngôi trường Đại học Ngoại thương mà Dương đang theo học, theo Dương chia sẻ: “đây là ngôi trường mà mình muốn theo học ngay từ khi còn là học sinh phổ thông”. Xuất phát từ định hướng đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Dương đã trau dồi cho mình một nền tảng vững chắc, và như đã định học hết trung học Dương đã thi đỗ vào đại học Ngoại thương.
Những thành tích Dương đạt được trong 4 năm học đại học rất đáng kể, Dương đã đảm nhiệm chức Chủ tịch Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học của sinh viên trường Đại học Ngoại thương, từng tham gia cuộc thi khởi nghiệp - FBA challegen đạt giải Nhì; Đạt giải Nhì trong cuộc thi Ứng viên tài năng năm 2015.
Bên cạnh đó trong quá trình hoạt động, Dương đã tham gia cuộc thi tin học văn phòng do IIG phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức và đạt giải khuyến khích cấp quốc gia của bộ môn powepoint. Đạt được nhiều thành tích như trên khiến Dương dần trở thành thần tượng của nhiều sinh viên trong đại học Ngoại thương nói riêng và sinh viên cả nước nói chung.
Những thành tích đó là niềm khát khao của bao sinh viên khác nhưng đối với Dương: “những thành tích đó không quan trọng mà quan trọng là những gì mình làm được sau những thành tích đó, theo mình cái quan trọng nhất là mình đã làm hết mình để đạt được kết quả như vậy”, Dương nói.
Khi được hỏi về cảm xúc của mình khi đạt được những thành tích đó thì Dương bộc bạch: “Khi đạt được những thành tích như vậy tất nhiên ai cũng vui, nhưng không phải là vui vì mình có được nhiều giải thưởng mà mình vui vì mình đã làm hết mình và thành quả sau mỗi giải thưởng. Thành quả đó là những kinh nghiệm mà mình đúc rút được, những trải nghiệm trong cuộc sống và quan trọng là đánh giá được sự nỗ lực của bản thân”. Tuy vậy, Dương vẫn trả lời với giọng khiêm tốn: “Kết quả đó anh không bao giờ nghĩ đến vì anh thấy khả năng của mình chưa đủ, anh cho đó là may mẵn ngẫu nhiên anh có được trong giây phút đó”.
Mỗi người chúng ta trong cuộc sống khi đề ra mục tiêu phấn đấu muốn đạt được thành tích cao thì đồng nghĩa với đó là sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn để đạt được thành tích cao và đối với Dương cũng vậy, trong quá trình phấn đấu bản thân Dương cũng gặp nhiều khó khăn.
Dương bắt đầu chia sẻ cho chúng tôi về những những khó khăn của mình: “Thứ nhất, mình là sinh viên đại học Ngoại thương nên rất khó để sắp xếp thời gian, có rất nhiều công việc, lịch học cũng dày, lại học theo tín chỉ nên thời gian không cố đinh trong những ngày khác nhau.
Thứ hai, đối với sinh viên thì thế giới bên ngoài rất nhiều điều đáng sợ, khi bước vào thử thách đầu tiên thì điều làm mình sợ nhất đó là tinh thần dám thử, không ai có thể tự tin rằng mình có thể làm tốt ngay từ lần đầu tiên và sẽ còn nghi ngờ bản thân, e ngại. Để vượt ra khỏi cái lo sợ đó tức là mình đã dám bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân để sẵn sàng đương đầu với thử thách. Những cuộc thi mình tham gia và đạt giải đều phải đương đầu với hàng nghìn thí sinh và chỉ có một vài người được giải và chính bản thân mình cũng không nghĩ là mình sẽ vượt qua nhiều người như vậy, nên đối với anh lần đăng kí tham gia đầu tiên là một quyết định táo bạo”.
Thật vậy, và chính bản lĩnh dám thử thách bản thân như vậy đã giúp Dương tự tin hơn rất nhiều vào bản thân và các cuộc thi tiếp theo, bởi Dương tâm sự: “chính mình không có gì nhiều ngay từ đầu mà bước lên từ tay không và bằng sự táo bạo”.
Được biết, trải qua gần 4 năm học ở trường Ngoại thương, một trong những kỉ niệm làm Dương nhớ nhất là khi mới bước vào trường Dương đã tham gia một cuộc thi mà anh thấy căng thẳng ngang với cuộc thi đại học. Câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học của trường tổ chức cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học để truyển thành viên, tỉ lệ chọn là 30 trong hơn 1000 người.
Dương đi thi trong tốp các bạn và khi phỏng vấn xong thì kết quả là đứng vị trí thấp nhất, và bài trả lời không được như ý và mình nghĩ là mình sẽ không đậu. Nhưng trái lại với suy nghĩ đó, khi báo kết quả có thì Dương lại được chọn, nói về cảm xúc khi đó Dương cười nói: “thật sự nó như là mơ, mình vui mà cứ ngỡ rằng chắc do mình may mắn”. Đó cũng chính là lần đầu tiên Dương bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân.
Trong quá trình học tập của mình Dương chia sẻ: “Mình đã nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người, những người phải kể đến đầu tiên đó là bố mẹ. Bố mình là giảng viên một trường đại học nên mình đã nhận được sự giáo dục từ nhỏ. Thừa hưởng trí tuệ từ bố mẹ, nhưng thực sự với mình nhiều khi vì bố dạy học mà mình luôn bị bố định hướng cho lối đi tương lai của mình nhiều đến mức khó chịu nhưng đến bây giờ thì thực sự mình đã thấm. Còn bạn bè không giúp đỡ được cho mình về mặt chuyên môn mà họ là những người động viên mình về mặt tinh thần, có những lúc mình muốn bỏ cuộc, bỏ hết lại mọi thứ nhưng bạn bè đã động viên, giúp mình có lại tinh thần để tiếp tục phấn đấu”.
Với tính cách cởi mở, hòa đồng nên anh có rất nhiều bạn tốt, giúp anh lần lượt vượt qua những thử thách mà bản thân đặt ra. Dương là một sinh viên xuất sắc, có ước mơ hoài bão và cũng chính vì lẽ đó, không bao giờ Dương để cho những hướng đi tương lai của mình sáo rỗng.
Chia sẻ về tương lai, chàng trai nói: “Mình tính sau khi ra trường sẽ đi thực tập ở các công ty, thậm chí là đi làm không lương cho các công ty chỉ để lấy kinh nghiệm và trải nghiệm, học tập, tìm hiểu văn hóa và phong cách làm việc của họ. Tương lai xa mình mong muốn mình trở thành một chuyên gia kinh tế giỏi”.
Khi được hỏi ý kiến suy nghĩ về thế hệ trẻ sinh viên Việt Nam hiện nay, Đặng Sơn Dương không ngần ngại chia sẻ, sinh viên Việt Nam rất giàu sự sáng tạo, hăng hái và nhiệt tình và khá chăm chỉ.
Dù đi bất kì quốc gia nào sinh viên Việt Nam cũng được đánh giá cao về khả năng đó. Về mặt yếu, nhiều bạn sinh viên thiếu sự định hướng cho tương lai. Đầu tiên thể hiện trong việc chọn trường đại học, đa số thì đều chọn theo định hướng của bố me, hỏi ý kiến của người khác chứ không có tự tìm hiểu kĩ về các trường đại học mình muốn thi và sẽ theo để tìm một công việc cho tương lai.
Khi lên đại học thì đa số sinh viên cũng không định hướng được là mình đang học cái gì và sau này mình sẽ là ai. Một tiêu cưc nữa là khả năng tự học của sinh viên chưa cao, tự mày mò tìm hiểu một vấn đề rất là hiếm. Khả năng tự học là mặt yếu kém của số đông học sinh, sinh viên hiện nay.
Quả thật, Dương là một con người thành công nên có rất nhiều bạn trẻ muốn được nghe về kinh nghiệm học tập, phong cách sống và làm việc của anh. Được tiếp xúc với anh, tôi đã được nghe rất nhiều lời khuyên rất có ích.
Dương chia sẻ, khi còn là sinh viên, các bạn hãy thỏa sức sáng tạo, làm những gì mình muốn và cho là đúng, đừng ngại thử thách. Qua thử thách thì các bạn sẽ có thể định hướng được cho tương lai, cho công việc bạn muốn được làm sau này, lựa chọn cho bản thân một con đường riêng. Quãng thời gian sinh viên, bạn có rất nhiều cơ hội để học nhiều thứ, hãy đặt ra những định hướng cho tương lai, 5 năm, 10 năm các bạn muốn mình là ai, muốn làm gì, để có mục đích rõ ràng…
Tôi cũng là một sinh viên, tôi đã chọn được con đường đi của mình. Tôi hài lòng với lựa chọn của mình vì đó là sự lựa chọn của chính bản thân mình. Tôi sẽ cố gắng hết mình để đi đến đích. Tuy nhiên sau khi nghe những lời chia sẻ của một sinh viên tiêu biểu là anh Đặng Sơn Dương, tôi thấy mình chỉ là một hạt cát giữa đại dương.
Thế giới rộng lớn có quá nhiều điều tôi cần phải học. Trong tôi vẫn có sự ngần ngại khi tiếp xúc với cái mới, vẫn rụt rè và chưa dám thử thách bản thân. Tôi tự nhủ bản thân sẽ thay đổi, sẽ thử làm những thứ mình chưa dám làm, sẽ học những điều mình muốn mà không đợi chờ bất cứ ai, bất cứ điều gì.
Tôi nghĩ phải vượt qua khó khăn con người mới hình thành nên nhân cách và mới có kinh nghiệm để thành công. Tôi hi vọng các bạn sinh viên khác khi nghe những lời chia sẻ của những người thành công cũng sẽ có suy nghĩ như tôi và biết chọn lọc những kinh nghiệm nào phù hợp với bản thân.
(Câu chuyện dự thi “Sinh viên Việt Nam- Những câu chuyện đẹp” của nhóm Sao vàng, Học viện An ninh nhân dân).
Đông Sơn (ghi)