Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với các đại biểu tại nơi trình diện máy nông nghiệp (Ảnh: Hòa Hội - Ngọc Duyên) |
Thực trạng cơ giới hóa
Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giai đoạn 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; Máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; Máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; Máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.
Năm 2021, cơ giới hóa sản xuất lúa: Khâu làm đất đạt 97%; gieo sạ, cấy 65%; chăm sóc, bảo vệ thực vật 80%; thu hoạch 78%; thu gom rơm, rạ 90%. Cơ giới hóa sản xuất mía: Làm đất 70 - 90%, trồng mía 40%, chăm sóc 70%, thu hoạch 20- 30%. Sản xuất ngô: Làm đất 70 - 90%, thu hoạch 20 - 30%. Sản xuất chè: Chăm sóc, xới cỏ, phun thuốc trừ sâu gần 70%; đốn, hái chè sử dụng máy 40%. Sản xuất cà phê: Cơ giới hóa khâu tưới, chăm sóc khoảng 90%.
Chăn nuôi gà: Các khâu chuồng trại, cung cấp nước, thức ăn tự động, tạo tiểu khí hậu và thu gom trứng trên 90%, xử lý môi trường 55%. Chăn nuôi lợn: Qui mô trang trại, công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động 80%. Chăn nuôi trâu, bò: Đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm, cây 60%, sử dụng máy vắt sữa 85%. Nuôi trồng thuỷ sản: Ứng dụng gồm máy sục khí, kiểm tra nhiệt độ nước, thu hoạch, cho hạ tầng ao nuôi.
Cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí và 271 tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia vào quá trình sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm cơ khí do trong nước sản xuất mới đạt khoảng 33% nhu cầu thị trường. Lực lượng thuần cơ khí có khoảng 538.700 người, trong đó gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy; hàng triệu người dân vận hành và sử dụng máy móc, thiết bị.
Hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Công nghệ chế biến nông sản nước ta đạt mức độ trung bình đến trung bình tiên tiến. Một số ngành hàng có công nghệ, thiết bị chế biến tương đối hiện đại tầm khu vực và thế giới như biến hạt điều, lúa gạo, tôm, cá tra.
Máy gieo hạt trình diễn trên đồng ruộng (Ảnh: Hòa Hội - Ngọc Duyên) |
Khó khăn, thách thức đối với sản xuất nông nghiệp bền vững
Hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong phát triển cơ giới hoá đồng bộ thời gian tới. Đó là mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở một số khâu (làm đất, nước, thức ăn) và áp một số sản phẩm chủ lực (lúa, mía, cà phê, gia súc, gia cầm, tôm) nhưng chưa đồng bộ. Chế tạo máy móc, thiết bị trong nước chưa đáp ứng yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng. Đa số vẫn được nhập khẩu từ Nhật Bản (KUBOTA; YANMAR); Hàn Quốc; Trung Quốc, Ấn Độ.
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, như: Giao thông nội đồng; Quy mô đồng ruộng nhỏ, phân tán.
Đặc biệt, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sử dụng, vận hành máy, thiết bị nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao. Công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản nông sản cũ và lạc hậu, gây tốn nhiều nguyên liệu trong sản xuất, năng suất thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm chỉ 15 - 30%, hệ số đổi mới thiết bị đạt khoảng 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác).
Đáng chú ý là cơ sở vật chất, phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu. Công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong sản xuất, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch một số ngành hàng còn cao như rau quả, sắn khoảng 20 - 30%; Cà phê, tiêu, điều, chè khoảng 10 - 15%; Thủy sản đánh bắt khoảng 15 - 20%; Lúa gạo khoảng 7 - 10%.
Trình diễn thiết bị không người lái (Ảnh: Hòa Hội - Ngọc Duyên) |
Mục tiêu và giải pháp chính thời gian tới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu của cơ giới hoá đồng bộ đến năm 2030: Trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi 60%; sản xuất thuỷ sản 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp 50% và diêm nghiệp 90%. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 thế giới.
Phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp là ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Cơ giới hoá đồng bộ phù hợp với trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, theo từng vùng sản xuất nông nghiệp.
Một số giải pháp chính được nêu ra. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (đất đai, giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng; hạ tầng công nghệ...) và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hoá. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp, tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp.
Phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ do trong nước sản xuất và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp. Trong đó, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các nhà nghiên cứu, các kỹ sư cơ điện để tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, tổ chức đào tạo nâng cao khả năng vận hành máy móc, thiết bị và an toàn lao động cho người sử dụng.
Sử dụng công nghệ 4.0 điều khiển các máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp, như: Các thiết bị quan trắc môi trường, camera quan sát, hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và thiết bị đường chuyền số để có thể điều khiển sản xuất từ. Tập trung phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản qui mô lớn hiện đại, mang tính dẫn dắt, định hướng sản xuất.
Sự kiện AGRITECHNICA live Cần Thơ Việt Nam bên cạnh các hội thảo còn có trình diễn công nghệ trên đồng ruộng tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và triển lãm máy nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại khách sạn Mường Thanh. Tại lễ khai mạc vào sáng 25/8/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn các đại biểu trong nước và quốc tế tham gia sự kiện quan tâm thảo luận kỹ 4 vấn đề. Đó là, giúp người nông dân có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; Có chương trình đào tạo, tập huấn công nghệ thông minh, công nghệ chính xác và bảo vệ môi trường cho người sử dụng thiết bị trong sản xuất nông nghiệp; Xây dựng được các chuỗi giá trị nông sản theo quy trình cơ giới hóa đồng bộ và phát triển bền vững; Cơ giới hóa nông nghiệp tạo nền tảng xây dựng nền nông nghiệp sinh thái. |
Thái Đào - Ngọc Duyên