Gắn phát triển sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Báo cáo tại hội thảo, ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai đồng bộ, rộng khắp và có sự lan tỏa mạnh mẽ đến 63 tỉnh, thành.
Đến nay, cả nước đã có hơn 7.400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của trên 4.000 chủ thể OCOP, trong đó hợp tác xã chiếm hơn 38%, doanh nghiệp gần 26%; Cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hơn 33%, còn lại là tổ hợp tác.
Ông Đào Đức Huấn cũng cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 3 cả nước về sản phẩm OCOP với hơn 1.270 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.
Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Đào Đức Huấn, các địa phương dựa trên lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch gắn với sản phẩm OCOP nhiều là Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đã thúc đẩy du lịch gắn với thúc đẩy sản phẩm OCOP theo hướng nhanh, ổn định, bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; Ngoài ra, thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ.
Trong định hướng tới, sẽ phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững; Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên và có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương cho biết: Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm chỉ mới được triển khai hơn một năm nhưng đã phủ khắp 63/63 tỉnh thành cả nước, có 7.436 sản phẩm 3 và 4 sao, trong đó 67% 3 sao, 31% 4 sao và 1,5% 5 sao và tiềm năng.
Sản phẩm du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ tăng 300%, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Trong đó Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 2 cả nước về nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch (11%). Giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế nông thôn là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Trải qua hơn 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, chúng ta hiểu hơn tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế. Phát triển du lịch nông thôn cũng là hướng phát triển du lịch bền vững trên thế giới hiện nay hướng tới các giá trị văn hóa độc đáo, sáng tạo, gần gũi, hài hòa với thiên nhiên", ông Sơn nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP thời gian qua được Đồng Tháp quan tâm và đang từng bước hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP.
Toàn cảnh hội thảo |
Ông Thương chia sẻ: "Đồng Tháp có trên 64 mặt hàng OCOP được triển khai, phát triển làm du lịch cộng đồng. Trong đó, có gần 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 5 sao, chính vì thế trong định hướng phát triển của các nhóm dịch vụ OCOP để phát triển du lịch cộng đồng là một định hướng đúng đắn, được đẩy mạnh làm sao phát triển lan rộng ra, nhưng phải nâng cao chất lượng và phát triển bền vững".
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp để xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền và dân tộc; Khai thác lợi thế, đặc trưng của từng địa phương về: Nông nghiệp, văn hóa, điều kiện tự nhiên; Xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức dịch vụ du lịch và điểm du lịch, đặc biệt là vai trò quản lý, điều phối hoạt động; đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là hoạt động quảng bá, giới thiệu dịch vụ du lịch.
Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thi sản phẩm OCOP tiêu biểu. Tham gia hội thi có 50 sản phẩm OCOP đến từ 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng, đạt 4 sao hoặc tiềm năng 5 sao của các địa phương. Ban Tổ chức sẽ đánh giá, chấm điểm để lựa chọn các sản phẩm đặc sắc đáp ứng yêu cầu theo thể lệ Hội thi để trao giải, dự kiến vào ngày 30/4.