Cơ hội giúp đặc sản vùng miền thâm nhập hệ thống bán lẻ hiện đại
Nâng cao giá trị nông sản
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP thông qua nhiều con đường khác nhau. Trong đó, định hướng tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài đã mở ra cánh cửa để nông sản, hàng hóa Việt Nam hiện diện ngày càng nhiều tại thị trường quốc tế.
Để giúp đặc sản vùng miền không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn từng bước thâm nhập vào hệ thống bán lẻ hiện đại của các tập đoàn đa quốc gia, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công thương và Tập đoàn Aeon Nhật Bản đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, thống nhất hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác, “Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2021” là hoạt động điểm nhấn quan trọng được tổ chức thường niên. Qua nhiều năm tổ chức, Hội chợ đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và gần 40 tỉnh, thành phố với hàng ngàn sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; Sản phẩm OCOP được trưng bày giới thiệu và cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.
Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam không chỉ là sự kiện xúc tiến thương mại uy tín mà đó còn là cơ hội tốt để doanh nghiệp và các địa phương quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng |
Thông qua Hội chợ, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận và nhận được sự đánh giá cao của các đơn vị thu mua, trở thành nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP cho các công ty, doanh nghiệp, đồng thời được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Tham gia triển khai Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2021, hệ thống siêu thị VinMart dự kiến tiêu thụ hàng trăm tấn sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền. Sản phẩm đặc trưng của nhiều địa phương được trưng bày thành khu vực riêng, nổi bật tại các siêu thị, thu hút đông đảo khách hàng tham quan, mua sắm.
Một số sản phẩm nổi bật có thể đến như: Khô cá cơm, khô cá bống, khô cá hồng, chả ốc Hoa Doanh, bưởi Diễn, bưởi da xanh, ổi lê, cam canh, cam vinh Kỳ Yến, cam sành Hàm Yên, cam Khe Mây, cải làn Bắc Giang, cải mèo Mộc Châu, khoai sọ Cù Cang...
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart Miền Bắc cho biết, với hơn 2.500 siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc, VinMart/VinMart+ chủ động xây dựng tiêu chí và cam kết duy trì tỷ lệ hàng Việt có mặt tại siêu thị và cửa hàng luôn đạt trên 90% và ngành hàng thực phẩm tươi sống, nông sản nội địa có tỷ trọng doanh thu hơn 30%.
VinMart/VinMart+ hướng dẫn rõ ràng và phổ cập, thông báo thông tin cho các đơn vị đối tác, nhằm xúc tiến nhanh nhất việc thu mua và phân phối nông sản nội địa. Cụ thể là tối ưu hóa, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, phổ biến quy trình 5 bước cho việc thu mua nông sản trực tiếp từ các nhà cung cấp, hợp tác xã địa phương.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng liên tục tổ chức các tuần lễ, lễ hội nông sản đặc sản của nhiều địa phương nhằm xúc tiến tối đa lượng tiêu thụ và quảng bá nâng cao hình ảnh, giá trị các sản phẩm Việt trên toàn quốc.
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết: Trong năm 2021, Hội chợ có sự góp mặt của 135 gian hàng trưng bày gần 10.000 mặt hàng, sản phẩm đặc trưng của 46 tỉnh, thành phố trong cả nước, tại 6 trung tâm thương mại: Vincom Mega Mall Royal City, Vincom Mega Mall Times City, Vincom Plaza Long Biên, Big C Long Biên, Big C Lê Trọng Tấn, Big C Hồ Gươm. Ngoài ra, các khu quảng bá đặc sản được mở tại 20 siêu thị thuộc hệ thống Vinmart và BRGmart.
Hôị chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2021 có sự góp mặt của 135 gian hàng trưng bày gần 10.000 mặt hàng, sản phẩm đặc trưng của 46 tỉnh, thành phố trong cả nước |
Ban Tổ chức kỳ vọng Hội chợ sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa để trở thành “điểm hẹn” xúc tiến thương mại quy tụ những sản phẩm tiêu biểu của thành phố Hà Nội và các tỉnh; Cùng nhau góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu; Hướng đến mục tiêu lớn hơn là mở ra không gian mới cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn của hệ thống phân phối nước ngoài, tạo đà cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Qua các kỳ tổ chức, hội chợ không ngừng đổi mới chất lượng và quy mô, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín cao, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, cũng như tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ tại thị trường Thủ đô.
Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, doanh nghiệp, khách du lịch hưởng ứng, chờ đợi để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam được tổ chức nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến kinh doanh, hỗ trợ quảng cáo, giới thiệu, tìm kiếm các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam là cơ hội tốt để các công ty và địa phương được quảng bá các sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời là nơi để các đại lý tìm kiếm và lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước đón chờ dịp cuối năm để tham quan, mua sắm, trải nghiệm văn hóa vùng miền Việt Nam.