Cử tri kiến nghị xử lý dứt điểm vấn nạn "xe dù, bến cóc"
Cử tri kiến nghị tiếp tục hỗ trợ người dân xung quanh bãi rác Xuân Sơn Cử tri kiến nghị cần có quy chuẩn riêng về các tòa nhà cho thuê |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị |
Ngày 16/11, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu HĐND - UBND thành phố tới điểm cầu các quận, huyện, thị xã. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.
Mới giải quyết "phần ngọn" về giao thông
Tại Hội nghị, cử tri các quận, huyện: Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Gia Lâm… đều cho rằng, hiện nay áp lực về giao thông trên địa bàn thành phố rất lớn, ùn tắc vào giờ cao điểm gia tăng, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, không có bãi đỗ xe tĩnh, khiến cho khó khăn về giao thông chồng chất. Vì thế, cử tri đề nghị thành phố quan tâm, chỉ đạo trong việc thực hiện phân cấp, ủy quyền công tác quản lý lòng đường và thoát nước cho một đầu mối, thuận tiện cho công tác tiếp nhận duy tu, duy trì, sửa chữa khi có sự cố.
Đất lòng đường vỉa hè là của nhà nước hoặc cơ quan quản lý, tùy theo từng tuyến phố, quận, huyện có nhiệm vụ cho thuê. Khi cho thuê phải xác định diện tích, giá cả, thời gian thuê, quy chế thuê, trách nhiệm của các bên… Bên thuê phải ký hợp đồng thuê và thanh toán kinh phí thuê lòng đường vỉa hè cho quận, huyện theo Luật Ngân sách (nghiêm cấm việc mua đi bán lại hợp đồng), người thuê phải là người cư trú tại phường, quận có diện tích cho thuê.
Đối với những khó khăn về kêu gọi nhà đầu tư các bãi đỗ xe tĩnh, cử tri đề nghị thành phố xem xét có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hóa khi đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng. Thành phố cần giao các bến xe nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển theo quy luật kinh tế thị trường. Đơn cử như bến xe Nước Ngầm tại quận Hoàng Mai, từ trước năm 2005 là một bến xe nhỏ, ít ai biết, nhưng nhờ sự quan tâm của thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải, đã huy động vón góp của tư nhân, hiện đã thành bến xe kiểu mẫu, được hành khách ca ngợi, chất lượng phục vụ tốt. Sau dịch COVID-19, bến xe đã thu hút 490 đầu xe hoạt động nhờ tự đầu tư...
Cử tri cũng phản ánh, hiện nay chỉ thấy Cảnh sát giao thông kiểm soát trật tự an toàn giao thông trên đường phố. Khi tai nạn xảy ra cũng chỉ có lượng lực công an và y tế có mặt. Thanh tra giao thông ít khi thấy xuất hiện do họ không được dừng phương tiện (giao thông tĩnh) nên không có lực lượng truy quét “xe dù, bến cóc”, xe giả danh hợp đồng… Vì vậy cử tri đề nghị, Nhà nước nên rút bớt lực lượng Thanh tra giao thông để tăng cường cho các quận, huyện quản lý, giúp các địa phương quản lý xe tư nhân, thu thuế khoán kinh doanh vận tải, xử lý xe giả danh hợp đồng, tăng cường xử lý tệ nạn uống rượu bia, quản lý xe chở học sinh, tập huấn lái xe máy, xe điện cho các trường học….Thành phố chỉ nên giữ lại Thanh tra hành chính tại Sở Giao thông vận tải theo Luật Thanh tra.
Quang cảnh Hội nghị |
Cử tri các quận Hà Đông, Cầu Giấy đề nghị thành phố xem xét bố trí điểm đỗ ở xung quanh các khu chung cư cao tầng. Hiện nay, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng đất thổ cư để làm điểm trông giữ xe thì cơ sở pháp lý như thế nào? Thành phố cần có biện pháp xử lý tình trạng bến cóc, xe dù tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy…
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, thành phố khoảng 10 triệu dân, phương tiện giao thông tăng nhanh, dù thời gian qua, thành phố quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Các chỉ tiêu không đạt về diện tích dành cho giao thông còn xa so với mục tiêu, trong đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đến 1%. Giao thông công cộng thành phố cũng đặt ra trọng tâm, nhưng mới đạt 19,05%. Đáng lưu ý, năm 2022, thành phố có 35 điểm ùn tắc giao thông, ngành Giao thông đã nỗ lực xử lý được 8 điểm, thì lại phát sinh thêm 10 điểm... do kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp, các tuyến vành đai đang triển khai, chưa hoàn chỉnh.
Về giao thông tĩnh, do cơ chế chính sách, cách thức triển khai thực hiện, nên dù trên địa bàn có 1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đã được phân cấp cho các quận, huyện quản lý nhưng chỉ có 57 bãi đỗ xe được thực hiện, đang khai thác; 66 dự án đang triển khai; 73 bãi đỗ xe ngầm chưa được thực hiện do cơ chế chính sách.
Về một số kiến nghị cụ thể của cử tri, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tiếp thu, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền rà soát, vướng ở đâu sẽ báo cáo UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ.
Theo Đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Trần Đình Nghĩa, hiện mới đang giải quyết "phần ngọn, chứ không giải quyết phần gốc". Vì vậy đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư quỹ giao thông tĩnh đề đầu tư bến bãi. Khi triển khai cần đồng bộ cùng lúc từ điện, nước, cáp ngầm... để tránh tình trạng làm xong đường lại đào thi công nước, điện (như đường Nguyễn Trãi) gây ùn tắc. Cùng đó, thành phố nên tính toán mật độ quy hoạch kiến trúc gắn với quy hoạch giao thông đồng bộ, cũng như cần đầu tư vào công nghệ để quản lý giao thông ở các điểm, giảm sức người.
Trả lời ý kiến cử tri, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Phạm Quốc Tuyến cho biết, quá trình triển khai quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố, Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp chặt chẽ và thực hiện theo các quy định của luật. Thành phố cũng ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện với nhiệm vụ trung hạn 2021-2025, trên cơ sở đó triển khai thực hiện và bố trí nguồn vốn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện do phát triển đô thị và phát triển đột biến của loại phương tiện nên tiến độ triển khai và tình hình thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu.
Quản lý lòng đường phức tạp, phải kiểm soát chặt chẽ
Thay mặt lãnh đạo UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn bày tỏ thống nhất cao, đồng thuận với chương trình công tác của HĐND thành phố về chủ đề tiếp xúc cử tri về chuyên đề này.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, hiện nay thành phố mới quản lý được giao thông động, phần giao thông tĩnh vẫn rất khó, theo quy hoạch giao thông tĩnh phải đảm bảo 4% nhưng hiện nay mới đạt 0,7-0,8%. Vì thế, các quy định đỗ xe tạm dưới lòng đường vỉa hè đang diễn ra, đây cũng là vấn nạn chung ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thực hiện các quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Thành ủy Hà Nội về quản lý lĩnh vực giao thông, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai 6 giải pháp trọng tâm gồm: Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường phát triển ưu tiên vận tải hành khách công cộng; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật; tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý...
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố trả lời các kiến nghị cử tri |
UBND thành phố kiến nghị HĐND thành phố hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải phục vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 theo quy định. Dự kiến tháng 6/2024, thành phố Hà Nội sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ quy định điều chỉnh chung quy hoạch chung Thủ đô với tầm nhìn lớn, có giải pháp lớn tháo gỡ khả năng thiết lập hệ thống giao thông toàn thành phố. Cùng với đó, UBND thành phố sẽ tập trung cao độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh.
Liên quan hệ thống vận tải hành khách công cộng, thành phố chỉ có giao thông đường bộ nổi còn giao thông tĩnh chưa có, đường sắt đô thị thấp. Để phát triển giao thông tĩnh thì cần tháo gỡ ách tắc về cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư.
Với câu hỏi về tiến độ đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội bao giờ hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND cho biết, thành phố đặt lộ trình chạy thử vào tháng 12/2023 và dự kiến vận hành chính thức vào 30/4/2024. Khi đi vào hoạt động sẽ tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng và đạt mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 30% vào năm 2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, nội dung tiếp xúc cử tri là vấn đề rất quan trọng đối với một đô thị lớn như Hà Nội. Đây là lĩnh vực khó, được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND đã có nhiều chỉ đạo lĩnh vực này; nhiều công trình, dự án lớn được triển khai hoàn thành phục vụ nhu cầu của Nhân dân như đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…
Tuy nhiên, việc quản lý, tổ chức giao thông cũng còn những tồn tại hạn chế cần đánh giá, nhận diện kỹ về thực trạng để có giải pháp khắc phục từ thực tiễn. Trong đó, TP chú trọng các giải pháp quy hoạch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; cơ chế chính sách; phân cấp; thu hút đầu tư… Đồng thời, thành phố cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực giao thông, đặc biệt là quản lý lòng đường, vỉa hè. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong nhân dân về việc chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện kỷ cương, kỷ luật về giao thông.
Với đô thị lớn như Hà Nội, tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, phương tiện tăng, đề nghị Sở Giao thông vận tải phối hợp với các hiệp hội vận tải rà soát, đánh giá phương tiện, để tham mưu với UBND thành phố các giải pháp xử lý.
Với 10 ý kiến phát biểu của cử tri và 5 ý kiến phát biểu của lãnh đạo sở, ngành trao đổi tâm huyết, xác đáng, thiết thực, hiệu quả, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương tổng hợp đầy đủ cả ý kiến chưa phát biểu tại hội nghị để trả lời cử tri theo đúng quy định.