Cử tri TP HCM quan tâm đặc biệt tới vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em
Các ứng viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri Quận 10, Quận 12 (TP HCM) |
Với 8 ý kiến kiến nghị, một số cử tri cho rằng, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV cần quan tâm hơn nữa đến chính sách, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ; Đảm bảo lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ; Có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ giới có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường phù hợp thị trường lao động; Phát triển dịch vụ gia đình (như chăm sóc người già, trẻ em) giúp giảm bớt thời gian làm việc nhà để phụ nữ có cơ hội được đào tạo, đầu tư cho chuyên môn nghiệp vụ, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Cử tri Ngô Thị Thắng (Chi hội 2, Khu phố 6, Quận 10) cho rằng: Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở một số gia đình. Vẫn còn tư duy phụ nữ là người làm các công việc dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con cái, bếp núc và không nhận được sự giúp đỡ từ nam giới. Phụ nữ ngày nay hiện đại hơn, tham gia công tác xã hội nhiều hơn, vừa chăm lo cho gia đình, vừa làm công tác xã hội. Bà mong muốn có giải pháp để thay đổi tư duy, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới trong tâm thức mỗi người.
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân chia sẻ: Thứ nhất, để cải thiện tình trạng trên, cần làm tốt công tác tuyên truyền, bằng việc đổi mới, có phương pháp sâu sát tới từng hộ gia đình có thể nâng cao được ý thức của người đàn ông trong gia đình; Thứ hai, cần nâng cao vị thế của người phụ nữ bằng việc tạo việc làm, sinh kế và vị trí xã hội... Nếu phụ nữ chỉ làm nội trợ, hạn chế tiếp cận với các nguồn lực, văn minh, tri thức sẽ làm khó khăn cho việc bình đẳng giới.
"Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hỗ trợ cho Quận 12 chương trình cho công nhân nữ là “Tôi mạnh mẽ” với kinh phí 4 tỷ đồng. Chị em được cung cấp 6 chương trình như: Quản lý tiền, kinh doanh, giáo dục con cái... Phụ nữ tham gia chương trình “Tôi mạnh mẽ” sẽ được trang bị kiến thức, phương pháp, nguồn lực tài chính vi mô, để họ có thể tự chủ cuộc sống của mình, qua đó nâng cao vị thế, mà đã nâng cao vị thế thì sẽ giải quyết được câu chuyện bất bình đẳng trong ứng xử giữa phụ nữ và nam giới", ông Sơn cho biết thêm.
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Tổ bầu cử số 4 Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối Dân - Chính - Đảng TP HCM, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM chia sẻ: Những ý kiến chân thành, sâu sắc của cử tri xuất phát từ tấm lòng của phụ nữ đối với hạnh phúc của mình và mái ấm gia đình. Đối với những vấn đề xã hội mà cử tri là phụ nữ nêu, TP HCM có địa chỉ là Trung tâm Trợ giúp pháp lý hỗ trợ người nghèo và người yếu thế trong xã hội ở 470 Nguyễn Tri Phương, Quận 10 trợ giúp hoàn toàn miễn phí. Đội ngũ cộng tác viên là những luật sư tâm huyết cho việc hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, sẵn sàng hỗ trợ pháp lý, bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Tổ bầu cử số 4 đều khẳng định, nếu trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội, sẽ tập trung vào việc tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung; Quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em nói riêng nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng và phát triển.